Nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng của người lao động, Bảo hiểm xã hội Việt Nam vừa ban hành Công văn số 479/BHXH-TST yêu cầu các đơn vị trực thuộc; Bảo hiểm xã hội các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (gọi chung là Bảo hiểm xã hội các tỉnh) tăng cường triển khai các giải pháp, phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp năm 2023 xuống mức thấp nhất.
Tại Công văn này, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cho biết, thời gian qua, Bảo hiểm xã hội các tỉnh đã bám sát các chỉ đạo của Bảo hiểm xã hội Việt Nam triển khai quyết liệt nhiều giải pháp đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp (gọi chung là bảo hiểm xã hội).
Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã có nhiều hoạt động tuyên truyền về lợi ích của việc tham gia bảo hiểm xã hội. Ảnh: baochinhphu.vn |
Cụ thể, thông qua việc tuyên truyền rộng rãi về lợi ích, nghĩa vụ và quyền lợi khi tham gia bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động; hằng tháng gửi thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời; phân công cán bộ bám sát, nắm bắt thông tin về tình hình hoạt động, sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp nhất là những đơn vị có số lao động và số tiền thu lớn; chủ động phân tích dữ liệu thu để kịp thời phát hiện các trường hợp có dấu hiệu bất thường về số người, mức tiền lương làm căn cứ đóng bảo hiểm xã hội; triển khai các hoạt động kiểm tra, thanh tra đối với các đơn vị chậm đóng từ 3 tháng trở lên; báo cáo với cấp ủy, chính quyền địa phương về tình hình đóng bảo hiểm xã hội của các doanh nghiệp trên địa bàn để lãnh đạo, chỉ đạo, yêu cầu các doanh nghiệp chấp hành nghiêm việc đóng đầy đủ, kịp thời theo quy định…
Nhờ thực hiện các giải pháp quyết liệt của toàn ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam, cuối năm 2022, tỷ lệ chậm đóng bảo hiểm xã hội (có tính lãi) của các đơn vị tham gia chỉ chiếm 2,91% trên số phải thu - đây là tỷ lệ chậm đóng thấp nhất từ trước đến nay.
Để đảm bảo tốt nhất quyền lợi cho người lao động với quyết tâm tiếp tục phấn đấu giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội xuống mức thấp nhất, Bảo hiểm xã hội Việt Nam yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội các tỉnh, các đơn vị trực thuộc có liên quan tại Bảo hiểm xã hội Việt Nam tiếp tục triển khai quyết liệt một số nội dung sau:
Đối với Bảo hiểm xã hội tỉnh
Thứ nhất, thực hiện nghiêm các quy định, quy trình quản lý thu của Bảo hiểm xã hội Việt Nam; nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu, phân công rõ người, rõ việc, rõ trách nhiệm, rõ kết quả. Hằng tháng, thực hiện việc thông tin, thông báo kết quả đóng bảo hiểm xã hội tới đơn vị sử dụng lao động và người lao động để đơn vị biết và đóng đầy đủ, kịp thời.
- Trường hợp đơn vị chậm đóng từ 01 tháng đến dưới 03 tháng, thực hiện gửi thông báo đôn đốc đến đơn vị. Nếu đơn vị không đóng tiền, lập Biên bản hành vi vi phạm theo quy định.
- Đối với đơn vị chậm đóng từ 03 tháng trở lên, tổ chức thanh tra chuyên ngành đột xuất, xử phạt vi phạm hành chính và thực hiện cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính theo thẩm quyền; phối hợp chặt chẽ với cơ quan công an lập và chuyển hồ sơ, tài liệu để xem xét xử lý theo quy định của pháp luật.
- Kịp thời báo cáo Ban Chỉ đạo thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế của tỉnh về tình trạng chậm đóng bảo hiểm xã hội của các đơn vị trên địa bàn; chủ động đề xuất các giải pháp để nâng cao chất lượng hoạt động của Tổ thu nợ liên ngành và xử lý nghiêm đơn vị vi phạm việc đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật, nhằm đảm bảo quyền lợi cho người lao động.
- Lập danh sách đơn vị đã đôn đốc nộp tiền chậm đóng hoặc đã thanh tra đột xuất và vi phạm hành chính nhưng cố tình không đóng bảo hiểm xã hội để thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng tại địa phương và Trung ương.
Thứ hai, tiếp tục tổ chức tuyên truyền, đối thoại với đơn vị sử dụng lao động trên địa bàn bằng các hình thức linh hoạt, phù hợp để phổ biến các quy định, chính sách mới, tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong tổ chức thực hiện. Đôn đốc đơn vị đóng bảo hiểm xã hội kịp thời, không để phát sinh số tiền chậm đóng mới. Phối hợp với công đoàn cơ sở, đơn vị sử dụng lao động vận động người lao động cài đặt ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động để người lao động theo dõi, giám sát quá trình đóng và quyền lợi hưởng chế độ bảo hiểm xã hội.
Thứ ba, xây dựng kế hoạch cụ thể theo tuần, tháng đối với lãnh đạo và các phòng chức năng liên quan, giao trách nhiệm cho lãnh đạo, cán bộ chuyên quản làm việc, nắm bắt, xử lý thông tin, đôn đốc doanh nghiệp đóng bảo hiểm xã hội kịp thời. Xem đây là tiêu chí để đánh giá, chấm điểm thi đua, khen thưởng của tập thể, cá nhân hằng quý và cả năm.
Đối với các đơn vị trực thuộc
Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng chỉ đạo, phân công các nhiệm vụ, giải pháp cụ thể, gắn với trách nhiệm của từng đơn vị như: Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ; Vụ Thanh tra - Kiểm tra; Trung tâm Truyền thông; Trung tâm Công nghệ thông tin; Trung tâm Chăm sóc khách hàng đảm bảo thực hiện công việc quyết liệt, hiệu quả. Cụ thể:
Thứ nhất, đôn đốc, kiểm tra việc triển khai thực hiện của bảo hiểm xã hội các tỉnh, hàng tháng báo cáo Tổng Giám đốc những địa phương không thực hiện tốt các quy định dẫn đến tăng số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội và yêu cầu Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh trực tiếp giải trình.
Thứ hai, chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan để kiểm tra, đôn đốc bảo hiểm xã hội tỉnh tổ chức các cuộc kiểm tra, thanh tra chuyên ngành đóng bảo hiểm xã hội đột xuất theo quy định.
Thứ ba, tiếp tục tăng cường công tác truyền thông; phối hợp với bảo hiểm xã hội các tỉnh đăng tải thông tin của các đơn vị chậm đóng, trốn đóng, đơn vị cố tình vi phạm pháp luật trên các phương tiện thông tin đại chúng. Hướng dẫn bảo hiểm xã hội các tỉnh tuyên truyền pháp luật về bảo hiểm xã hội trong đó linh hoạt, đa dạng các hình thức tuyên truyền trên mạng xã hội, báo, tạp chí...
Thứ tư, hoàn thiện các chức năng phần mềm đáp ứng việc quản lý, cập nhật theo thời gian, số tiền chậm đóng và trạng thái của từng người lao động tại các đơn vị chậm đóng.
Thứ năm, tăng cường hướng dẫn và kiểm tra các địa phương thực hiện hoàn thành kế hoạch cài đặt ứng dụng “VssID - Bảo hiểm xã hội số” trên nền tảng thiết bị di động cho người lao động, người dân.
Việc các đơn vị sử dụng lao động chậm đóng bảo hiểm xã hội gây ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền, lợi ích an sinh hợp pháp, chính đáng của người lao động. Do đó, nhằm đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người lao động, với quan điểm luôn đặt quyền và lợi ích của người tham gia bảo hiểm xã hội lên hàng đầu, thời gian qua, ngành Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã luôn nỗ lực, sát sao trong chỉ đạo, điều hành và quyết liệt trong tổ chức, thực hiện các giải pháp cụ thể, phù hợp, linh hoạt như: chủ động tham mưu, đề xuất và triển khai quyết liệt các giải pháp hỗ trợ, giúp người lao động, người sử dụng lao động vượt qua đại dịch Covid-19; tranh thủ sự lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền địa phương trong công tác tổ chức, thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội; thành lập các Đoàn Công tác của Bảo hiểm xã hội Việt Nam do Tổng Giám đốc và các Phó Tổng Giám đốc làm Trưởng đoàn làm việc với 63 Bảo hiểm xã hội tỉnh để đôn đốc, tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc trong công tác thu, thu nợ, phát triển người tham gia bảo hiểm xã hội và công tác khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế… để đôn đốc thu, giảm số tiền chậm đóng bảo hiểm xã hội, đảm bảo quyền lợi của người tham gia theo quy định.
Mới đây, Bảo hiểm xã hội Việt Nam cũng có Công văn gửi Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội về việc đề xuất các phương án giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với người lao động tại các đơn vị sử dụng lao động chưa đóng đủ tiền bảo hiểm xã hội nhằm giải quyết kịp thời quyền lợi cho người lao động, đồng thời đảm bảo ổn định tình hình an ninh, trật tự địa phương.