Trao đổi với Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam, PGS.TS Bùi Thị An đánh giá, nhìn chung năm 2016 tập thể Chính phủ và cá nhân Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã để lại nhiều dấu ấn đậm nét trong công tác điều hành, giữ ổn định kinh tế vĩ mô.
“Phải khẳng định rằng những lời nói rất thẳng thắn, tâm huyết của Thủ tướng đã đi vào lòng dân. Người dân cảm nhận được những gì người đứng đầu Chính phủ nói tựa tâm can, không phải là phát biểu xã giao.
Và đi kèm với những phát biểu thẳng thắn, Thủ tướng lập tổ công tác kiểm tra việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng, chỉ đạo của Chính phủ do Bộ trưởng Mai Tiến Dũng đứng đầu.
Tôi đánh giá cao quyết tâm của Thủ tướng nhằm xây dựng Chính phủ liêm chính, kiến tạo và hành động. Rõ ràng những nỗ lực của Thủ tướng và các thành viên Chính phủ đã tạo được sự chuyển động cần thiết ban đầu, tạo ra niềm tin sâu rộng với nhân dân.
Niềm tin là yếu tố vô cùng quan trọng, đặc biệt trong bối cảnh đất nước đang phải đối diện với vô vàn khó khăn như hiện nay”, bà An bày tỏ.
Bà Bùi Thị An nêu quan điểm: Cách tốt nhất là phải minh bạch mọi hoạt động thì mới chống được tham nhũng, chống được thất thoát, lãng phí. |
Cũng theo bà Bùi Thị An, cho dù niềm tin là sự khởi đầu quan trọng, nhưng hiện tại người dân và doanh nghiệp đang chờ đợi ở Thủ tướng, chờ đợi ở Chính phủ những biện pháp mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt là xử lý vấn nạn tham nhũng và xử lý với những dự án thua lỗ hàng trăm, hàng nghìn tỷ đồng.
“Chỉ riêng ngành Công thương hiện nay có 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả, gây thiệt hại cho nhà nước hàng nghìn tỷ đồng. Xử lý trách nhiệm của những người có liên quan là một chuyện và đương nhiên phải làm, nhưng quan trọng hơn nữa là xử lý thế nào với các dự án thua lỗ để cứu vãn được vốn nhà nước đã đầu tư?
Liêm chính, kiến tạo và ba đột phá cho kinh tế Việt Nam |
Tôi hoàn toàn ủng hộ quan điểm của Thủ tướng là dứt khoát không dùng tiền ngân sách để cứu những dự án thua lỗ.
Do đó cách tốt nhất là phải đẩy mạnh cổ phần hóa với doanh nghiệp nhà nước và cổ phần hóa thực sự, bắt buộc phải lên sàn chứng khoán.
Đó là con đường tốt nhất để minh bạch tài chính, minh bạch hoạt động.
Chỉ có minh bạch thì mới chống được tham nhũng, chống được thất thoát, lãng phí. Và cũng chỉ có minh bạch thì niềm tin mới đến được với người dân và doanh nghiệp”, bà An nói.
Liên quan tới vấn đề cổ phần hóa, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - ông Mai Tiến Dũng cho biết, năm 2017 Chính phủ sẽ tập trung để đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa, trong đó trọng tâm là tăng tỉ lệ vốn Nhà nước bán ra thay vì hầu hết cổ phần hóa chỉ về “vỏ”, còn về “chất” là tỉ lệ Nhà nước nắm còn rất cao sau khi cổ phần hóa như giai đoạn trước đây.
"Người dân và doanh nghiệp còn rất khổ cực khi tiếp xúc với cơ quan nhà nước" |
Hiện nay, số doanh nghiệp cổ phần hóa đạt 96,3% nhưng phần vốn Nhà nước bán ra rất thấp, chỉ đạt 8%, như vậy là hoàn toàn tỉ lệ ngược với số doanh nghiệp được cổ phần hóa.
Nhà nước chỉ nắm giữ phần vốn Nhà nước ở những doanh nghiệp chủ đạo của nền kinh tế, những doanh nghiệp thuộc lĩnh vực an ninh, quốc phòng mà Nhà nước phải nắm phần vốn để chỉ đạo.
Còn lại những doanh nghiệp không cần nắm giữ sẽ được bán 100%, có thể bán cả lô, bán cả gói cho nhà đầu tư trong nước, nhà đầu tư nước ngoài với tinh thần công khai minh bạch và lựa chọn theo đấu thầu tư vấn, đấu thầu cạnh tranh và lựa chọn nhà đầu tư.
Đón nhận thông tin này, bà Bùi Thị An cho hay, đó là một hướng giải quyết hiệu quả, bởi vì “cái gì là của chung đều rất khó kiểm soát, nhưng khi nó có sự tham gia của nhiều người và lại buộc phải lên sàn chứng khoán thì có thể ngăn chặn những hành vi sai trái, nhằm thao túng vốn nhà nước như trước kia”.
Nhà máy đạm Ninh Bình là một trong những dự án thua lỗ đã được nêu ra tại Quốc hội. ảnh: vtc. |
Quyết liệt xử lý trách nhiệm người đứng đầu
Theo PGS.TS Bùi Thị An, mọi câu chuyện cuối cùng đều tập chung quay trở lại phát triển kinh tế. Ở những đất nước phát triển không phải doanh nghiệp nhà nước giữ vai trò chủ đạo mà là khối doanh nghiệp tư nhân.
Vấn đề này cũng đang có sự đổi mới tích cực ở Việt Nam khi mà Thủ tướng nhiều lần nói về tinh thần khởi nghiệp, và có tới hơn 110.000 doanh nghiệp thành lập mới trong năm 2016; 26.000 doanh nghiệp mở cửa hoạt động trở lại.
Những con số đầy ấn tượng ấy cho thấy, một số biện pháp cải cách hành chính mạnh mẽ, hướng trực tiếp tới người dân và doanh nghiệp.
Sự cầu thị của Chính phủ đã được thể hiện rất rõ bằng nhiều cách khác nhau, ngoài việc các lãnh đạo tiếp xúc trực tiếp với doanh nghiệp thì còn có kênh tiếp nhận phản ánh của doanh nghiệp tới Cổng điện tử Chính phủ.
Qua đó, Chính phủ tổng hợp và nhanh chóng đưa ra chỉ đạo dẹp bỏ những rào cản, hạn chế, gây khó khăn cho doanh nghiệp.
“Cái mà các doanh nghiệp tư nhân cần hiện nay là thể chế tốt, hành lang pháp lý thuận lợi, với tinh thần Chính phủ kiến tạo cần phải dẹp bỏ những thủ tục rườm rà gây khó khăn cho doanh nghiệp.
Những thủ tục hành chính chính là cơ hội cho cán bộ nhà nước nhũng nhiễu, gây ảnh hưởng xấu tới mục tiêu liêm chính của Chính phủ”, bà An nói.
Cũng theo bà Bùi Thị An, lâu nay trách nhiệm của người đứng đầu nhiều lần được nhắc tới trong các Nghị định, văn bản pháp luật… nhưng trên thực tế xử lý quá ít, quá nhẹ, quá chậm.
Bà An bình luận: “Nếu chúng ta nhìn sang các nước phát triển sẽ thấy khi người có trách nhiệm để xảy ra một việc gì đó trong phạm vi quản lý thì họ có thể từ chức ngay lập tức. Còn ở ta, từ chức là chuyện xa vời, thậm chí còn tìm cách đổ lỗi cho nhau.
Vậy nên với tinh thần liêm chính, kiến tạo, bên cạnh yêu cầu minh bạch thì tôi cho rằng Chính phủ phải xử lý quyết liệt tới cùng những trường hợp vi phạm và công khai danh tính cụ thể cho nhân dân biết.
Cán bộ ở vị trí nào cũng là để làm việc cho dân, cho nước và phải thể hiện mình xứng đáng với vị trí ấy. Nếu không làm tốt thì nên chủ động xin rút, đừng vì ham muốn cá nhân để rồi làm hại tới nhiều người khác”.
Những băn khoăn mà PGS.TS Bùi Thị An đề cập cũng đã được Chính phủ thẳng thắn nêu ra:
Năm 2016, chỉ số môi trường kinh doanh của Việt Nam tăng được 9 bậc nhưng vẫn còn ở thứ hạng thấp khi xếp thứ 82/190 nước và vùng lãnh thổ. Đáng chú ý là nhiều tiêu chí xếp hạng rất thấp (nộp thuế và bảo hiểm xã hội đứng thứ 167, giải quyết phá sản doanh nghiệp xếp thứ 125, khởi nghiệp xếp thứ 121).
Để khắc phục tình trạng này, Chính phủ đôn đốc công khai, minh bạch các quy định, thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp cũng như quá trình xử lý, kết quả giải quyết các thủ tục hành chính nhằm tạo điều kiện cho người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động của cơ quan nhà nước;
Tổ chức đối thoại công khai định kỳ với cộng đồng doanh nghiệp, báo chí, thiết lập đường dây nóng, hỏi đáp trực tuyến để nắm bắt, tiếp nhận phản ánh và hướng dẫn, giải đáp cho doanh nghiệp;
Tăng cường kỷ luật, kỷ cương trong các cơ quan hành chính nhà nước các cấp; đề cao trách nhiệm người đứng đầu; nhân rộng mô hình Tổ công tác của Chính phủ, thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nhiệm vụ được giao;
Xử lý nghiêm những cán bộ, công chức tiêu cực, nhũng nhiễu, không chấp hành kỷ luật, kỷ cương.
Là người có kinh nghiệm hoạt động năng nổ tại Quốc hội cả khóa XIII, bà Bùi Thị An nêu quan điểm: “Sự nỗ lực và quyết tâm của Chính phủ là một điều kiện vô cùng quan trọng tạo nên những khởi sắc cho nền kinh tế trong thời gian tới, nhưng đồng thời để có được kết quả tốt thì cần có sự vào cuộc, đồng hành quyết liệt của Quốc hội.
Là cơ quan đại diện cao nhất cho ý chí, nguyện vọng của nhân dân, Quốc hội cần có những đánh giá độc lập, công khai và yêu cầu xử lý nghiêm minh với mọi trường hợp.
Xử lý những cá nhân sai phạm, những dự án thua lỗ tiền tỷ là chuyện đã rồi, nhưng quan trọng hơn phải có cơ chế để ngăn chặn hiệu quả không để xảy ra thua lỗ, thất thoát vốn nhà nước”.