Rà soát nhân lực còn yếu nên đối tượng cử tuyển học xong không được bố trí việc

16/08/2022 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đó là nhận định của Tiến sĩ Đào Việt Hùng - Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đưa tin, nhiều địa phương ở các tỉnh vùng núi phía Bắc như Lào Cai, Điện Biên, Hà Giang... có cử đối tượng cử tuyển đi học tại Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, tuy nhiên nhiều người học khi tốt nghiệp ra trường không được bố trí việc làm.

Thực tế trên đặt ra câu hỏi về chính sách cử tuyển của các địa phương khi cử người đi đào tạo tại nhà trường còn có những bất cập gì?

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Đào Việt Hùng - Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên cho hay, hiện nay, nhà trường không còn đào tạo đối tượng cử tuyển, mà chỉ đào tạo sau đại học (thạc sĩ, tiến sĩ) và đào tạo cử nhân các hệ: chính quy và vừa học vừa làm.

"Cách đây khoảng 5 trở về trước, nhà trường đào tạo đối tượng cử tuyển dựa trên nhu cầu đào tạo của địa phương. Về học phí, địa phương sẽ phải chi trả cho nhà trường, bởi đây là đào tạo đặt hàng. Việc hỗ trợ chính sách với đối tượng cử tuyển là do địa phương chi trả cho người học", thầy Hùng cho hay.

Theo Giám đốc trung tâm tuyển sinh và truyền thông, Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, khoảng 5 năm trở về trước, đơn vị đào tạo đối tượng hệ 30A dành cho 62 huyện nghèo, còn hệ "3 Tây" thì dành cho người học ở các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ, Tây Nguyên và Tây Nam Bộ", Tiến sĩ Hùng cho hay.

Về đối tượng hệ 30A tại nhà trường những năm trước, đây là những đối tượng có đặc thù ở vùng sâu, vùng xa, được địa phương cử đi học nên lực học chưa tốt.

Theo đó, nhà trường phải mất một năm để đào tạo kiến thức văn hóa phổ thông (đào tạo dự bị) cho người học, sau đó mới cho họ vào học kiến thức chuyên ngành.

"Nếu cho những đối tượng này học luôn kiến thức chuyên ngành của bậc đại học, các em học sẽ rất vất vả", thầy Hùng chia sẻ.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Ảnh: Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Một giờ học của sinh viên Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên. Ảnh: Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên.

Lãnh đạo trung tâm tuyển sinh và truyền thông nhà trường cũng cho hay, nhiệm vụ của đơn vị là cam kết đào tạo theo danh sách địa phương gửi lên, đồng thời đào tạo theo chuyên ngành của đối tượng cử tuyển đăng kí.

Theo quy định, đối tượng cử tuyển sẽ học chuyên ngành theo sự bố trí của địa phương, tuy nhiên, trong thực tế vẫn có một số người học thấy ngành học không phù hợp nên đề nghị địa phương cho chuyển ngành khác. Nếu địa phương đồng ý, nhà trường sẽ cho chuyển ngành.

"Sau khi đào tạo được vài khóa hệ cử tuyển như trên, có thể các địa phương đã đủ nhân lực nên nhà trường không thấy các địa phương gửi thêm đối tượng đến học tại đơn vị nữa", Tiến sĩ Hùng cho hay.

Chia sẻ về việc địa phương bố trí chuyên ngành đối với người đi học không phù hợp nhu cầu công việc thực tế, thầy Hùng nhận định: đây là bất cập của nhiều địa phương, nguyên nhân có thể do khâu rà soát nguồn nhân lực không kĩ lưỡng nên việc bố trí chỉ tiêu chuyên ngành của người đi học không phù hợp với nhu cầu thực tế của địa phương.

Thông tin về những ngành đào tạo hiện có của Trường Đại học Nông Lâm Thái Nguyên, thầy Hùng cho hay, nhà trường có những ngành nhiều thế mạnh đầu ra như ngành thú y, ngành chăn nuôi - 100% sinh viên ra trường có việc làm.

Thực tế hiện nay, với mỗi chuyên ngành học, nhà trường sẽ phải tìm đầu ra bằng việc liên kết với các doanh nghiệp để tạo điều kiện tốt nhất về công việc cho người học khi ra trường, bởi có đầu ra tốt thì đầu vào mới tốt.

"Nếu cứ đào tạo ồ ạt không tính toán đến việc làm cho người học khi tốt nghiệp thì sẽ khiến người học quay lưng lại với các trường, đó là điều tất nhiên", thầy Hùng chia sẻ.

Theo Tiến sĩ Hùng, hiện nay, các địa phương đặt hàng đào tạo giáo viên tại các trường sư phạm theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, còn chỉ tiêu cho cử tuyển không nhiều như trước nữa.

Mạnh Đoàn