150 chiến sĩ cảnh sát cơ động chống khủng bố đầu tiên của Việt Nam
Ngày 6/9/2022, Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động đã xây dựng Kế hoạch số 366/KH-TTHL-KHTH để tổ chức huấn luyện nâng cao kỹ chiến thuật tác chiến quân sự, võ thuật cảnh sát đặc nhiệm.
Đến ngày 23/2, Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động chính thức được thành lập tại thị xã Quảng Yên (tỉnh Quảng Ninh). Đây là trung tâm đầu tiên có nhiệm vụ huấn luyện, bồi dưỡng về công tác phòng chống khủng bố và ứng phó với các tình huống khủng bố, phá hoại, bạo loạn vũ trang,…
Lãnh đạo Bộ Công an khẳng định, việc thành lập Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố đã đánh dấu sự phát triển, hiện đại của lực lượng Công an nhân dân nói chung, của lực lượng Cảnh sát cơ động nói riêng.
Từ ngày 9/9/2022 đến ngày 16/3/2023, trung tâm sẽ tiến hành khoá huấn luyện đầu tiên đối với 150 chiến sĩ nghĩa vụ nhập ngũ năm 2022 được điều động về trung tâm với thời gian 180 ngày.
150 chiến sĩ nghĩa vụ nhập ngũ năm 2022 được điều động tham gia huấn luyện nâng cao kỹ chiến thuật tác chiến quân sự, võ thuật cảnh sát đặc nhiệm với thời gian 180 ngày (Ảnh: Phạm Linh) |
Cụ thể, các chiến sĩ sẽ được huấn luyện các nội dung: võ thuật; bắn súng; kỹ, chiến thuật tác chiến đánh bắt khủng bố giải cứu con tin trên địa bàn rừng núi; nhà cao tầng và tại địa bàn sông nước, sình lầy, khu vực bãi đầm.
Tại thời điểm thành lập trung tâm, điều kiện cơ sở, vật chất, doanh trại còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên thông qua việc tổ chức sinh hoạt chính trị định kỳ, thường xuyên làm tốt công tác chính trị tư tưởng, các chiến sĩ nhận thức rõ được trách nhiệm, vinh dự cá nhân, mục tiêu, tầm quan trọng của công tác huấn luyện cũng như nhiệm vụ trong thời gian tới, để từ đó học tập, rèn luyện đạt kết quả cao nhất.
Bên cạnh thời gian huấn luyện, vào các mốc thời gian khác đơn vị đã phát động các phong trào thể dục, thể thao, sinh hoạt văn hóa, văn nghệ để tạo không khí vui tươi vừa kết hợp rèn luyện thể lực cho cán bộ, chiến sĩ.
Để làm tốt công tác quản lý, huấn luyện, Ban Giám đốc Trung tâm đã quyết định phân công 7 cán bộ phụ trách công tác quản lý và 11 cán bộ huấn luyện theo từng nội dung kế hoạch đề ra.
Các chiến sĩ được huấn luyện võ thuật; bắn súng; kỹ, chiến thuật tác chiến đánh bắt khủng bố giải cứu con tin trên địa bàn rừng núi, nhà cao tầng và tại địa bàn sông nước, sình lầy, khu vực bãi đầm (Ảnh: Phạm Linh) |
Đội ngũ cán bộ huấn luyện viên, cán bộ làm công tác quản lý đều có kinh nghiệm, nhiệt tình, trách nhiệm trong tổ chức huấn luyện, có đủ khả năng đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.
Đặc biệt trong quá trình biên soạn giáo án bài giảng, cán bộ giáo viên chủ động cập nhật những nội dung mới có sự thay đổi, kết hợp hài hòa giữa lý thuyết và thực hành, giữa lý luận với thực tiễn.
Đồng thời, căn cứ vào thao trường, bãi tập luyện tự nhiên của đơn vị để có phương pháp huấn luyện phù hợp với tình hình thực tế.
Từ đó giúp cho chiến sĩ dễ tiếp thu, quá trình huấn luyện đảm bảo tuyệt đối an toàn về người, vũ khí trang bị.
Trưởng thành sau 180 ngày khổ luyện
Trao đổi với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Trung tá Nguyễn Trọng Quảng – Phó Giám đốc Trung tâm Huấn luyện quốc gia về phòng chống khủng bố thuộc Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động cho biết: “Trong huấn luyện, điều quan trọng nhất là rèn luyện cho cán bộ, chiến sĩ sự quyết tâm, lòng dũng cảm và có ý chí kiên cường.
Trải qua một môi trường huấn luyện khắc nghiệt, đòi hỏi chiến sĩ có thể độc lập tác chiến. Vì vậy, việc giáo dục, rèn luyện cho chiến sĩ sự quyết tâm và ý kiên cường là hết sức cần thiết.
Đặc biệt là đội ngũ chỉ huy, cán bộ, đảng viên phải thường xuyên gần gũi, động viên kịp thời cán bộ, chiến sĩ và giải quyết thấu đáo các vấn đề nảy sinh.
Bên cạnh đó với phương châm 1 phút cũng luyện, 1 giây cũng rèn chiến sĩ đã vượt qua được những từ đó bài tập khó, những môi trường khắc nghiệt để sẵn sàng hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao, góp phần bảo vệ an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội vì sự bình yên của nhân dân”.
Đều đặn mỗi ngày, dù trời nắng nóng hay có lúc nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, các chiến sĩ trẻ vẫn sẽ bắt đầu huấn luyện từ 5 giờ sáng với các bài rèn luyện thể lực (Ảnh: Phạm Linh) |
Các chiến sĩ thực hiện bài quyền CKB 57 động tác (Ảnh: Phạm Linh) |
Đều đặn mỗi ngày, dù trời nắng nóng hay có lúc nhiệt độ xuống dưới 10 độ C, các chiến sĩ trẻ vẫn sẽ bắt đầu huấn luyện từ 5 giờ sáng với các bài rèn luyện thể lực.
Tiếp đó là huấn luyện các bài quyền (quyền ghép CKB 61 động tác, quyền CKB 57 động tác), kỹ thuật tấn công bằng dao,…
Trong đó, CKB 61 động tác là hệ thống đòn ghép được Trung tâm huấn luyện quốc gia về PCKB xây dựng, huấn luyện riêng cho cán bộ, chiến sĩ trong trung tâm.
Các động tác tấn công, phòng thủ uyển chuyển, nhuần nhuyễn tính sát thương cao, linh hoạt sát thực tế chiến đấu giúp nâng cao khả năng chiến đấu, ý chí kiên cường, bản lĩnh cho cán bộ, chiến sĩ khi ra quân thực hiện nhiệm vụ.
Trong thực tế chiến đấu các loại tội phạm vũ trang thường rất manh động, liều lĩnh. Để đảm bảo an toàn và tăng cường sức chiến đấu cho lực lượng PCKB đã trang bị cho cán bộ, chiến sĩ một số vũ khí như dao găm, gậy ngắn,… để trấn áp, triệt hạ các loại tội phạm nguy hiểm.
Bài quyền CKB 57 động tác cũng được trung tâm nghiên cứu từ võ pencak silak có nguồn gốc từ Indonesia thường mô phỏng theo động tác của các con vật như hổ, đại bàng,… Là sự phối hợp nhịp nhàng giữa các kỹ thuật cương và nhu.
Trong khoá huấn luyện, các cán bộ, chiến sĩ còn được học kỹ năng nguỵ trang bằng lá cây, cỏ, bùn đất để có thể ẩn mình trong địa hình rừng rậm. Đây cũng là kỹ năng quan trọng của lực lượng cảnh sát cơ động chống khủng bố nhằm tạo tính bất ngờ khi tiếp cận khu vực ổ nhóm tội phạm, đón lõng tội phạm.
Các chiến sĩ nguỵ trang với lá cây, cỏ, bùn để ẩn mình trong địa hình rừng rậm (Ảnh: Phạm Linh) |
Diễn tập bắt ổ nhóm tội phạm tại thao trường (Ảnh: Phạm Linh) |
Các chiến sĩ sử dụng vũ khí bắn đạn nổ khi diễn tập (Ảnh: Phạm Linh) |
Ngoài thời gian huấn luyện chính khóa, các cán bộ, chiến sĩ còn được rèn luyện thể lực vào các giờ ngoại khóa như tổ chức hành quân rèn luyện ban đêm có mang vác trọng lượng 25kg đến 30kg với quãng đường từ 20km đến 25km.
Trải qua 180 ngày khổ luyện, 150 chiến sĩ được đào tạo trở thành lực lượng chống khủng bố đầu tiên của Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động.
Tổng kết huấn luyện có 15 chiến sĩ đạt loại Giỏi; 106 chiến sĩ đạt loại Khá và 29 chiến sĩ đạt loại Trung bình khá (tỷ lệ khá, giỏi chiếm 80.7%).
Các chiến sĩ đạt thành tích xuất sắc sau khoá huấn luyện được biểu dương tại lễ bế giảng (Ảnh: Phạm Linh) |
Mỗi chiến sĩ đều nhận thức được những điểm mạnh, điểm yếu để có biện pháp khắc phục, nâng cao trình độ, khả năng, năng lực chuyên môn để vận dụng sáng tạo vào công tác sau này.
Diễn tập tại trường bắn (Ảnh: Phạm Linh) |
Các chiến sĩ hân hoan khi nhận được giấy khen kết thúc khoá huấn luyện (Ảnh: Phạm Linh) |
Kết thúc khoá huấn luyện, trung tâm cũng sẽ thông qua công tác kiểm tra, đánh giá và phát hiện các chiến sĩ có năng khiếu, sở trường về bắn súng, võ thuật, kỹ, chiến thuật tác chiến quân sự để kịp thời tham mưu Lãnh đạo Bộ Tư lệnh tuyển chọn, xét chuyển chuyên nghiệp làm cán bộ nguồn huấn luyện sau này.
Ngày 16/3, Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tổ chức Lễ bế giảng khoá huấn luyện nâng cao kỹ, chiến thuật tác chiến quân sự, võ thuật cảnh sát đặc nhiệm.