Thấy sưa trong nhà dân
Trong vai người đi tìm gỗ sưa để mua, chúng tôi được người dẫn đường đưa vào thôn Bầu Sen, xã Phúc Trạch (huyện Bố Trạch). Đây là nơi đang chứa khá nhiều phách gỗ từ ba cây sưa cổ thụ bị đốn hạ ở Hung Trí. Thanh niên trong làng đứng tụ tập ở đầu thôn đến cuối thôn. Người lạ đến, họ dùng điện thoại thông báo cho nhau biết có phải người cơ quan chức năng hay là nậu gỗ tìm hàng sưa để buôn.
Sau nhiều lần bàn bạc, được xem hàng qua ảnh điện thoại với một nhóm thanh niên, chúng tôi tỏ ý muốn tận thấy các phách gỗ sưa. Nhóm thanh niên giữa làng bàn bạc riêng một hồi rất căng, gọi điện thoại cho ai đó rồi đồng ý dẫn bộ chúng tôi qua một vườn cây, vào một ngôi nhà kiên cố, đi qua hai lớp cửa, leo lên một gác xép. Tại đây tôi tận mắt thấy một phách gỗ sưa còn tươi mới dấu cưa, mùi hương đặc trưng xông lên nồng nặc. Tôi nói khéo muốn chụp ảnh bằng điện thoại mang theo để làm tin với mối lái khác lớn hơn liền bị gạt phăng, tuyệt đối không cho chụp vì đã có ảnh trong điện thoại của họ.
Đây là phách hàng của một trong số 11 lâm tặc đã đốn ba cây sưa cổ thụ ở Hung Trí. Một số gỗ thẩm lậu ra khỏi được tản mát gửi ở nhà người thân quen nhằm tránh bị mất trộm hoặc bị trấn cướp. Ở Bầu Sen, chúng tôi tận thấy năm phách gỗ sưa và hai cái đe, một số gỗ đã lóc lỏi như thế, nhóm thanh niên dẫn đường nói còn hai phách nữa trong làng, tuy nhiên không dẫn đi xem vì chủ chưa cho.
Giang hồ cùng người đi mót sưa “tụ hội” trong rừng di sản
Kiếm của giang hồ trấn cướp trong khe Nước Vàng
Một khúc gỗ sưa trong nhà dân ở xã Phúc Trạch được gùi ra khỏi rừng trót lọt
Một phách gỗ sưa khác cũng đưa về thành công được ghi chủ hàng tên là Vương
Súng kề mang tai
Bầu Sen (Phúc Trạch) là nơi có 11 lâm tặc do một người tên Hạnh cầm đầu chặt phá ba cây gỗ sưa. Những người dân chúng tôi gặp tiết lộ con của họ vừa đi gùi cho một số chủ hàng từ ba cây sưa bị đốn hạ ở Hung Trí về nhưng trắng tay, suýt mất mạng do bị cướp.
Ở Xuân Trạch, cụ ông Trần Văn H. kể: “Tui có ba người con vào gùi thuê nhưng khi qua dốc Đá Lớp liền bị một nhóm người nói giọng Nghệ-Tĩnh lao ra. Bảy thằng dùng mã tấu vây thằng con đầu của tui, hai đứa em nó đi sau, chúng cũng đón lõng, đưa kim tiêm ra dọa. Mấy đứa con tui phải bỏ lại ba phách gỗ huê (sưa) để cứu mạng. Nếu đưa được ba phách về thì công gùi được mỗi đứa 50 triệu đồng, chủ thương thì cho thêm gọi là lấy may cũng vài triệu đồng. Nhưng chừ là trắng tay, không khéo bọn chủ hàng còn bắt đền là tán gia bại sản”.
Lạnh người hơn, Nguyễn Văn H. ở Phúc Trạch trên đường gùi thuê bị kề súng ngay mang tai, một giọng miền Bắc vang lên: “Mày không nộp phản huê tao bắn”. H. buộc phải bỏ lại phách gỗ cho bọn cướp.
N., một người gùi thuê, tuổi ngoài 30, kể: “Em đi gùi thuê cho người anh vợ, nếu đưa được hàng ra, ngoài tiền công thì cũng được anh vợ chia một phần ba món lời từ phách gỗ rộng 0,7 m, dài gần 3 m, nếu trót lọt, sống cả đời thoải mái. Nhưng mất sạch. Bọn trấn cướp không chỉ nói giọng Bắc mà còn thuê dân địa phương chỉ điểm, dẫn đường cho chúng vào rừng”.
Nhiều cửu vạn gùi sưa thuê kể không chỉ họ bị trấn cướp mà kẻ cầm đầu trong nhóm 11 lâm tặc chặt phá ba cây sưa ở Hung Trí là Hạnh cũng bị trấn cướp trong rừng. Chưa hết, một nhóm giang hồ vào tận nhà Hạnh ở trung tâm làng Tróoc (xã Phúc Trạch, huyện Bố Trạch) xin đểu, Hạnh không cho liền bị đánh một trận nhừ tử. Gần đây tám gùi hàng gỗ sưa loại tốt của Hạnh cũng bị trấn lột ngay gần cửa rừng.
Các nhóm gùi thuê cho biết băng trấn lột Nghệ An và Hải Phòng không hoạt động độc lập mà liên kết với nhau thông qua môi giới của những tay anh chị ở địa phương để chia chác phần trăm hàng trấn cướp. Chúng không ngại sử dụng hàng nóng.
Một phách gỗ bị cướp hai, ba lần
Chúng tôi theo những người gùi thồ vào khe Nước Vàng và động Nước Rỉ, tại đây có hàng trăm người đang có mặt. Một người dẫn đường thì thầm: Nhóm ngoài cùng là băng của H. “trọc”, tiếp là nhóm của N. “nhíu”, rồi D. “sẹo”… không phải đi mót sưa mà chờ để cướp. Chúng vào rừng liên kết với nhau, cướp đựợc gùi sưa nào sẽ định giá và chia nhau nếu bán được. Chúng cướp của người đi gùi rồi chờ chủ hàng đến chuộc, nhận tiền xong chúng thả cho đi, sau đó bố trí nhóm khác cướp luôn. Chủ sưa muốn lấy lại phải chi tiền chuộc gấp đôi, gấp ba, có khi phải mua lại với giá của chúng đưa ra, dẫn đến một phách sưa đội giá lên rất cao.
Các băng nhóm ngoài trấn cướp còn cử ra một đội quân gùi thồ lương thực vào bán với giá cắt cổ. Một chai nước uống nấu bằng lá rừng được bán từ ít nhất một trăm đến vài trăm ngàn đồng, trong khi đó giá trị thực chỉ là chưa đến 10.000 đồng, mì tôm mỗi gói 150.000 đồng.
Các băng nhóm ở khe Nước Vàng mắc võng nằm trong một khu vực hơn 1 ha, người lạ đi vào đều được săm soi, có ai gùi ra đường tiểu ngạch lập tức chúng cử quân đi cướp bằng dao, mã tấu, súng. Thật lạnh người khi thấy những lưỡi kiếm sáng loáng cắm dưới tán cây, rừng di sản trước đây bình yên nhưng nay bất an bởi sự cướp bóc và xâm nhập trái phép một cách trắng trợn.
Triệu tập 11 nghi can vụ đốn hạ gỗ sưa (PL)- Ngày 21/5, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Quảng Bình cho biết đã gửi giấy triệu tập 11 nghi can trong vụ đốn hạ ba cây gỗ sưa tại rừng Vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Theo đó, có 10 người trú tại xã Phúc Trạch (Bố Trạch), một người ở xã Xuân Trạch (Bố Trạch). Tuy nhiên, đến cuối ngày 21/5, công an các xã Phúc Trạch, Xuân Trạch không đưa được giấy triệu tập vì cả 11 người trên không có mặt tại nơi cư trú. Theo thông tin từ lực lượng truy quét trong khu vực rừng Phong Nha-Kẻ Bàng, lực lượng làm nhiệm vụ đã tiếp cận được với một người (trong nhóm 11 người nghi can đốn hạ gỗ sưa). Tổ công tác đã động viên người này chỉ nơi cất giấu gỗ và sớm ra trình diện cơ quan công an. P.Nha |