Tàu ngầm Trung Quốc tập trận ở Biển Đông. Ảnh: Channel News Asia. |
Rappler ngày 10/11 đưa tin, tranh cãi về vấn đề Biển Đông sẽ làm nóng hội nghị thượng đỉnh ASEAN cũng như hội nghị thượng đỉnh Đông Á tại Naypyidaw, Myanmar trong tuần này. Giới phân tích cũng như các nhà ngoại giao đang hoài nghi về một thỏa thuận hữu hình mà Trung Quốc đòi đàm phán song phương với từng nước láng giềng, cho phép Bắc Kinh tạo đòn bẩy lớn về kinh tế và chính trị.
Việc khẳng định yêu sách chủ quyền (vô lý, phi pháp - PV) của Trung Quốc ở Biển Đông đã hủy hoại mối quan hệ với các quốc gia Đông Nam Á, bao gồm Việt Nam và Philippines bởi Trung Quốc tuyên bố gần như toàn bộ Biển Đông "là của họ"?! Biển Đông cũng đã trở thành thử thách ngoại giao giữa Trung Quốc với Hoa Kỳ.
Tổng thống Mỹ Barack Obama, Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường và Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi sẽ tập trung ở Naypyidaw tham dự hội nghị thượng đỉnh Đông Á trong 2 ngày Thứ Tư, Thứ Năm tuần này. Theo Cố vấn An ninh quốc gia Susan Rice, khi gặp các nhà lãnh đạo ASEAN, Tổng thống Obama sẽ làm nổi bật vai trò lãnh đạo của Mỹ trong việc giải quyết tranh chấp lãnh thổ và hàng hải.
Bắc Kinh đã bị cáo buộc xâm lược và gây hấn sau hoạt động tăng cường tuần tra hải quân ở bãi cạn Scarborough của Philippines cũng như hạ đặt trái phép giàn khoan 981 trong vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam. Điều này càng thúc đẩy ASEAN nỗ lực tìm kiếm một bộ quy tắc ứng xử trên Biển Đông có tính ràng buộc với Trung Quốc.
Nhưng giới phân tích cũng như các nhà ngoại giao hầu như không kỳ vọng có bất kỳ tiến triển nào trong vấn đề Biển Đông. Một nhà ngoại giao Đông Nam Á nói với truyền thông: "Tôi không thấy bất kỳ khả năng đột phá nào ở Naypyitaw hay bất cứ khoảng thời gian nào sắp tới. Hãy đối mặt với thực tế rằng đó là vấn đề phức tạp. ASEAN đang phải đối phó với Trung Quốc, một cường quốc châu Á và thế giới".
Các nhà quan sát nói rằng động thái (tỏ ra) mềm mỏng và thuật hùng biện của Trung Quốc trong những tuần gần đây, bao gồm cả việc rút giàn khoan 981 khỏi vùng biển Việt Nam và 2 chuyến đi Việt Nam của ông Dương Khiết Trì không dẫn đến sự thay đổi nào trong chiến lược của Trung Quốc.
Giáo sư Carl Thayer từ học viện Quốc phòng Úc bình luận, hành động (tỏ ra) ôn hòa của Trung Quốc chỉ nhằm chuẩn bị cho hội nghị thượng đỉnh Đông Á. Có thể có một số điều (Trung Quốc) gây ngạc nhiên khi kết thúc hội nghị thượng đỉnh, nhưng sẽ không có gì đáng kể xảy ra.
Tổng thống Barack Obama sẽ hội kiến với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại Naypyitaw sau khi Washington quyết định nới lỏng lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam. Trong tháng 4, Washington cũng đã ký hiệp ước quốc phòng mở rộng với Philippines, thỏa thuận cuối cùng sẽ cho phép hàng ngàn lính Mỹ đồn trú tại quốc gia này.