Sai phạm hàng loạt ở Học viện Quản lý giáo dục: cần xử nghiêm răn đe cơ sở khác

20/02/2022 06:54
Trung Dũng
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trực tiếp Học viện Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại.

Như Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam đã thông tin, trong Thông báo Kết luận thanh tra số 110/TB-BGDĐT về việc “thanh tra đột xuất Học viện Quản lý giáo dục” của Bộ Giáo dục và Đào tạo, rất nhiều sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục đã được nêu ra.

Theo đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng đã xác định trách nhiệm của các tập thể, cá nhân khi để xảy ra các sai phạm trong nhiều năm ở Học viện này.

Thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng kiến nghị Vụ Tổ chức cán bộ chủ trì, tham mưu tổ chức kiểm điểm, xử lý trách nhiệm đối với Hội đồng học viện, Chủ tịch Học viện, Giám đốc Học viện liên quan đến hạn chế, thiếu sót, sai phạm tại kết luận thanh tra.

Đối với Học viện Quản lý giáo dục, thanh tra Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu Hội đồng Học viện tổ chức kiểm điểm, rút kinh nghiệm, xử lý trách nhiệm và xem xét kỷ luật theo thẩm quyền hoặc đề xuất người có thẩm quyền đối với Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục.

Giám đốc Học viện Quản lý giáo dục nhiệm kỳ 2016-2021 là ông Phạm Quang Trung. Ông Phạm Quang Trung được bổ nhiệm từ tháng 11/2016.

Sau sự việc này, nhiều ý kiến trong dư luận quan tâm và thắc mắc về việc, để xảy ra hàng loạt sai phạm tại Học viện Quản lý giáo dục như vừa qua thì trách nhiệm của Bộ Giáo dục đến đâu?

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương. Ảnh: quochoi.vn

Trao đổi về vấn đề này với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Tiến sĩ Nguyễn Thị Việt Nga – Phó trưởng đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho rằng: “Theo tôi, việc nhiều lãnh đạo các trường đại học, học viện dính dáng đến những sai phạm từ trước tới nay có rất nhiều nguyên nhân khác nhau, ở Học viện Quản lý Giáo dục cũng vậy.

Bên cạnh nguyên nhân chủ yếu mà lâu nay chúng ta vẫn đề cập tới như chế tài chưa đủ mạnh còn một nguyên nhân nữa mà Bộ Giáo dục cũng cần lưu ý và xem xét lại.

Đó là việc các trường đại học, học viện ở nước ta những năm gần đây có xu hướng mở ra rầm rộ, ví như “nấm mọc sau mưa”. Trong việc mở trường ồ ạt, ngoài một số yếu tố thuận lợi như cơ hội tiếp cận với trình độ đại học cho người học dễ dàng hơn, nhưng mặt khác nó để lại những hệ lụy khó lường về mặt quản lý.

Không những thế, hiện nay chúng ta cũng đang đặt các trường vào cơ chế thị trường, giao các trường phải tự chủ hoàn toàn hoặc tự chủ một phần, như vậy tất yếu là phải có sự cạnh tranh giữa các trường với nhau. Trong tình huống đó, buộc các trường phải tìm mọi cách để làm sao có thể “sống”, có thể trụ lại được, trước nguy cơ khủng hoảng tài chính và nhân sự.

Đơn cử như việc, các trường phải làm sao phải tuyển sinh được nhiều nhất, quá trình đào tạo làm sao để có thể thu về được nhiều lợi nhuận nhất. Đó là mầm mống để các sai phạm bắt đầu nảy sinh.

Chưa kể việc các trường mở ra nhiều quá, rơi vào hoàn cảnh cạnh tranh sớm quá khiến nhiều điều kiện chưa thật “chín muồi”. Ví dụ như mặt nhân lực, nhiều trường còn non trẻ chưa thỏa mãn các điều kiện này, nhưng mở các mã ngành ồ ạt. Khi ấy chắc chắn chất lượng đào tạo cũng sẽ bị ảnh hưởng và quản lý về mặt này cũng sẽ khó khăn hơn.

Bên cạnh đó, lực lượng thanh tra, kiểm tra của Bộ Giáo dục cũng không thể thanh tra được hết trước một khối lượng các trường mở ra lớn như thế. Qua đó, dễ dẫn đến việc sẽ có sự buông lỏng quản lý chỉ vì làm việc không xuể. Với các đợt thanh tra thường xuyên, định kỳ còn làm không xuể, không bao quát thì lấy gì chắc chắn rằng các đợt thanh tra đột xuất đã làm việc được hết.

Từ những yếu tố này, nó tạo cơ hội cho các đối tượng là lãnh đạo các cơ sở giáo dục bậc đại học cũng có sự buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm, làm trái các quy định của Đảng và Nhà nước. Điều này là nguyên nhân dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước và sai phạm xảy ra hàng loạt như vậy”.

Nhấn mạnh về trách nhiệm của Bộ Giáo dục trong sự việc của Học viện Quản lý giáo dục, vị Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hải Dương cho biết thêm: “Những sai phạm ở Học viện Quản lý giáo dục theo Kết luận của Thanh tra Bộ Giáo dục công bố, tôi được biết không chỉ là trong thời gian gần đây, cũng không chỉ nằm trong một việc nhỏ lẻ mà nó là một hệ thống và sai phạm kéo dài từ các năm trước, của nhiệm kỳ trước.

Trong chuyện này có thể xảy ra trường hợp rằng, một số sai phạm đã phát hiện ra từ trước nhưng chưa được xử lý dứt điểm, sau đó lại đẻ thêm nhiều sai phạm khác.

Là đơn vị chịu trách nhiệm chính trong việc quản lý trực tiếp Học viện Quản lý giáo dục, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng nên nghiêm túc nhìn nhận, đánh giá lại.

Bởi lẽ, có thể những sai phạm mới được phát hiện tại học viện này, đáng lý ra Bộ Giáo dục và Đào tạo phải có sự xử lý nghiêm minh, kịp thời. Như vậy thì đâu dẫn đến những sai phạm hàng loạt tiếp theo như hiện nay.

Được biết, Thanh tra Bộ Giáo dục cũng đã kết luận sơ bộ ban đầu là hơn 7 tỷ đồng bị chi sai. Chuyện đáng bàn đây là Học viện Quản lý giáo dục lại mắc sai phạm hàng loạt vấn đề về giáo dục, nghe ra rất phi lý.

Vì thế, trong chuyện này, Bộ Giáo dục và Đào tạo cần nghiêm túc nhìn nhận lại trách nhiệm của mình trong việc quản lý các đơn vị trực thuộc. Chính vì sự chần chừ, dung túng này của Bộ Giáo dục nên mới dẫn đến việc nhiều sai phạm tiếp theo như thế.

Bên cạnh đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng cần quyết liệt hơn trong việc xử lý các sai phạm, nhất là với các sai phạm đã phát hiện được rồi thì cần có hướng xử lý, hình thức xử phạt nghiêm khắc và đủ sức răn đe mới mong chặn đứng được mầm mống của các sai phạm trong tương lai, trả lại sự tươi sáng trong nền giáo dục nước nhà”.

Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13, 14. Ảnh: quochoi.vn

Ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13, 14. Ảnh: quochoi.vn

Nêu lên ý kiến đánh giá về các sai phạm ở Học viện Quản lý giáo dục, ông Dương Trung Quốc - Đại biểu Quốc hội khóa 11, 12, 13, 14 cho rằng: “Trong sự việc tại Học viện Quản lý giáo dục và nhiều sai phạm khác trong ngành giáo dục đã được phanh phui, chúng ta không thể phủ nhận một điều là những sai phạm ấy được nảy sinh một phần cũng do Hệ thống quản lý, quy định pháp luật vẫn còn thiếu đồng bộ.

Trước sai phạm lần này, cũng đã có nhiều sai phạm khác bị phanh phui, nhiều lãnh đạo các cơ sở giáo dục thậm chí còn bị khởi tố, nhưng đến hiện tại nó vẫn cứ diễn ra và không có dấu hiệu chấm dứt, cuối cùng cũng vì hai chữ “lợi ích”. Khi đó, chúng ta cần quan tâm giải quyết vấn đề là làm sao đảm bảo hài hòa lợi ích của các thành viên trong xã hội".

Ông Dương Trung Quốc nhấn mạnh thêm: “Khi phát hiện sai phạm, chúng ta nên áp dụng những biện pháp xử phạt thật nghiêm minh và dứt điểm, tránh để một sự việc diễn ra kéo dài để lại những hệ lụy không tốt.

Hình thức và mức xử phạt cũng cần phải áp dụng vào thời điểm hiện tại, chứ không phải xử phạt vào ngày hôm nay mà vẫn áp dụng biện pháp xử phạt của nhiều năm trước. Như vậy, dễ tạo ra tâm lý bất chấp, nếu phát hiện sai phạm mới xảy ra mà không áp dụng hình thức xử phạt có tính răn đe thì đâu khiến các đối tượng tiếp theo cảm thấy e sợ”.

Trung Dũng