Ít nhất 200 lính Trung Quốc đang đồn trú trái phép trên đá Chữ Thập. |
Xung quanh việc Trung Quốc đang đẩy mạnh hoạt động xây dựng trái phép, biến một số bãi đá thành đảo ở Trường Sa (thuộc chủ quyền Việt Nam) và manh nha hình thành sân bay trên đá Chữ Thập, đài VOA ngày 25/11 dẫn lời học giả Rommel Banlaoi từ Viện Hòa bình Philippines cho rằng, nếu sân bay này được sử dụng với mục đích quân sự, nó có thể đe dọa trực tiếp các hoạt động của Việt Nam, Philippines và Malaysia.
Theo ông Banlaoi, đá Chữ Thập nằm ở "tâm chấn Trường Sa" và vị trí của nó rất chiến lược. Thậm chí nếu sân bay quân sự trái phép được Trung Quốc xây dựng ở đây hoàn thành nó có thể uy hiếp tất cả hoạt động của các bên tranh chấp trong khu vực.
Tờ Minh Báo xuất bản tại Hồng Kông hôm 24/11 bình luận, mối quan ngại đặc biệt của các nước láng giềng Trung Quốc là một đường băng mới được xây dựng (bất hợp pháp) trên đá Chữ Thập đã bị các vệ tinh của Anh phát hiện. Đường băng dài khoảng 3 km, rộng 200 đến 300 mét sẽ đủ lớn cho máy bay ném bom H-6 và máy bay vận tải quân sự cỡ lớn Y-20 cất hạ cánh.
Đồng thời Bắc Kinh cũng đang xây dựng một bến cảng đủ lớn cho các tàu quân sự. Các chuyên gia tin rằng Bắc Kinh đang hướng tới một căn cứ chiến lược ở đá Chữ Thập và nó có thể phá vỡ cán cân quyền lực ở Biển Đông, đặc biệt là khi Chữ Thập chỉ cách vịnh Cam Ranh khoảng 460 km.
Nghê Lạc Hùng, một học giả từ đại học Thượng Hải nói rằng các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông là một phần trong chiến lược dài hạn nhằm phá vỡ cân bằng ở Trường Sa và mở rộng ảnh hưởng của Bắc Kinh xuống Biển Đông lâu dài hơn.
Một khi Trung Quốc thiết lập được căn cứ vững chắc trong khu vực chiến lược này, họ sẽ ngay lập tức trở nên linh hoạt hơn, thậm chí Bắc Kinh có thể đoạt quyền kiểm soát các rặng san hô và đảo nhỏ đang nằm dưới sự kiểm soát của các bên khác ở Trường Sa.
Ông Hùng tin rằng các hoạt động cải tạo (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Trường Sa có thể tạo cho Bắc Kinh một đối trọng mạnh mẽ chống lại chính sách xoay trục chiến lược sang châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ. Căng thẳng sẽ leo thang và mức độ nguy cơ xung đột ở khu vực ngày càng hiện hữu.
Trong một động thái khác có liên quan, ngày 24/11 đài Press TV của Iran dẫn lời Barry Grossman bình luận về phát biểu của La Viện cho rằng Mỹ "thiên vị Việt Nam, Philippines" khi kêu gọi Trung Quốc ngừng sây sân bay trái phép ở đá Chữ Thập, Trường Sa. Theo Grossman, tranh chấp lãnh thổ ở Biển Đông là vấn đề gai góc và nó đang một lần nữa "bị bóp méo bởi sự thù địch giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc."
"Trung Quốc là một siêu cường thống trị khu vực và đang tìm cách khẳng định yêu sách lãnh thổ (vô lý và phi pháp) của mình, Bắc Kinh thường xuất hiện như một kẻ bắt nạt trong vấn đề này", Grossman lưu ý.