Năm 2013, Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương khóa XI ban hành Nghị quyết số 29, trong đó đặt ra mục tiêu: Đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục và đào tạo. Sau 5 năm thực hiện bước đầu tạo ra những chuyển biến đối với giáo dục đại học.
Năm 2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 77 thí điểm đổi mới đối với các cơ sở giáo dục đại học. Đến nay, Chính phủ đã phê duyệt thí điểm 23 trường thực hiện tự chủ.
Đây là đợt thí điểm lớn nhất từ trước đến nay, tự chủ trên 3 phương diện mới là: Chuyên môn học thuật, tổ chức nhân sự bộ máy và tự chủ về tài chính.
Sau 5 năm, qua kết quả thí điểm của 23 cơ sở đại học, Chính phủ và Bộ Giáo dục và Đào tạo đánh giá đã đạt kết quả tích cực, kiến nghị Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục đại học.
Hơn nữa, trong Nghị quyết 29 nhấn mạnh việc xây dựng một số trường đại học, các ngành học mang tầm quốc tế. Các cơ sở giáo dục đại học trong những năm qua đã ý thức được việc xây dựng uy tín, chất lượng, hội nhập với thế giới.
Tuy nhiên, khi thực hiện thí điểm tự chủ đại học, nhiều khó khăn, vướng mắc cũng đã bộc lộ cần được tháo gỡ trước khi cơ chế tự chủ chính thức được vận hành rộng rãi.
Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25/10 với chủ đề “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu”, các chuyên gia tập trung phân tích, trao đổi một số nội dung nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong với vấn đề đổi mới giáo dục nói chung và tự chủ đại học nói riêng.
Theo Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo – Nguyễn Văn Phúc thông tin, đến nay đã có 117 trường đại học được kiểm định, hơn 100 chương trình được kiểm định quốc tế.
Đồng thời, với nỗ lực của các trường, theo số liệu mới nhất, Việt Nam có 7 trường nằm trong top 500 trường Châu Á và 2 đại học lọt top 1.000 của thế giới.
Ngoài hội nhập và kiểm định, các cơ sở giáo dục bắt đầu quan tâm đến nghiên cứu khoa học quốc tế.
Có một thời gian dài, nguồn thu của các trường dựa nhiều vào học phí; việc nghiên cứu khoa học và công bố quốc tế chưa được quan tâm, trong khi trường muốn được xếp hạng quốc tế phải có yếu tố nghiên cứu khoa học.
Trong những năm gần đây, các trường đã được quan tâm đầu tư và tạo cơ chế thích hợp để thúc đẩy những nghiên cứu khoa học. Trong 2 năm gần đây, số liệu công bố quốc tế nhiều hơn 5 năm trước đây cộng lại.
Tại buổi giao lưu trực tuyến do Báo điện tử Đảng Cộng sản Việt Nam phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức ngày 25/10 với chủ đề “Tự chủ đại học – Xu thế phát triển tất yếu”, các chuyên gia tập trung phân tích, trao đổi một số nội dung nhằm tháo gỡ những “nút thắt” trong với vấn đề đổi mới giáo dục nói chung và tự chủ đại học nói riêng.(Ảnh: Thùy Linh) |
“So với các trường lớn trên thế giới, so với quy mô ngân sách, đầu tư của chúng ta còn khiêm tốn nhưng bước đầu những đổi mới đã đúng hướng, khả quan.
Hy vọng với cơ chế đẩy mạnh tự chủ, sắp tới chúng ta sẽ có những trường phát triển hơn nữa góp mặt vào quá trình đào tạo nhân lực chất lượng cao cho đất nước”, Thứ trưởng Phúc kỳ vọng.
Trong khi đó theo quan điểm của Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề - Nguyễn Đắc Hưng (Ban Tuyên giáo Trung ương), 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của các trường đại học.
Cụ thể, 84% sinh viên ra trường có việc làm sau 12 tháng, số công trình nghiên cứu được công bố trong nước và quốc tế tăng gấp đôi…
Điều đáng phấn khởi là trước đây, chúng ta đánh giá một số trường đại học dân lập hình như có mặc cảm là có chất lượng thì vừa qua, một số trường đại học theo kiểm định quốc tế được đánh giá là rất cao.
Đồng thời, ông Nguyễn Đắc Hưng cũng cho rằng nhiều năm nay, vấn đề giáo dục lúc nào cũng được xã hội quan tâm. Đây là thuận lợi cũng là khó khăn.
Và có thể nói rằng, giáo dục những năm qua, nhất là 5 năm vừa rồi đối mặt rất nhiều thách thức mà thách thức lớn nhất là đổi mới tư duy, thứ hai là niềm tin của xã hội với giáo dục.
Vụ trưởng Vụ Giáo dục và đào tạo, dạy nghề - Nguyễn Đắc Hưng (Ban Tuyên giáo Trung ương) đánh giá 5 năm thực hiện Nghị quyết 29 đã có chuyển biến tích cực cả về nhận thức, hành động của các trường đại học. (Ảnh: Thùy Linh) |
Theo ông Hưng, trong bối cảnh hội nhập sâu rộng quốc tế, tác động của cuộc cách mạng 4.0 lớn, đổi mới tư duy là quan trọng.
Trong khi một bộ phận không nhỏ giáo viên, nhân dân cũng thấy rằng, khó khăn trong đổi mới là vẫn có tư tưởng bao cấp trì trệ ở một bộ phận trường, giáo viên nào đó. Đây là một thách thức, nếu không chuyển biến tư duy thì chúng ta khó có thể thực hiện công cuộc đổi mới thành công.
Thách thức thứ hai là cần khắc phục là niềm tin của xã hội với giáo dục. Nhìn tổng thể, giáo dục đã làm được rất nhiều việc, nhưng cũng có những khuyết điểm trong quá trình thực hiện và hình như xã hội chưa tin vào giáo dục nói chung, giáo dục đại học nói riêng.
Vì vậy, thời gian tới, công tác tuyên truyền phải kịp thời, chính xác những kết quả, thành công và hạn chế, khó khăn để xã hội cùng chia sẻ, giúp đỡ ngành Giáo dục nói chung và giáo dục đại học nói riêng, lấy lại niềm tin trong nhân dân và xã hội.
Bản thân các trường đại học cũng phải vươn lên, phải khẳng định với xã hội rằng chất lượng đào tạo nguồn nhân lực bậc đại học, sau đại học ở Việt Nam không thua kém chất lượng đào tạo ở khu vực và trên thế giới; nhân lực Việt Nam có đủ khả năng để đáp ứng nhu cầu hội nhập quốc tế, cạnh tranh bình đẳng trên sân chơi trong nước cũng như trên khu vực.
“Tôi cho rằng có như vậy mới lấy lại niềm tin trong xã hội, nhân dân và có vậy công cuộc đổi mới mới thành công” – ông Nguyễn Đắc Hưng nói.