Sau cả chục năm triển khai, thực trạng của các khu đại học trên cả nước ra sao?

03/01/2023 06:29
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các khu đại học được triển khai giải phóng mặt bằng, xây dựng đã cả chục năm qua nhưng tiến độ vẫn "chậm chạp".

Khu Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh

Việc thực hiện giải phóng mặt bằng Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh thực hiện kéo dài trong nhiều năm nay, vẫn còn dang dở do vướng mắc trong vấn đề bồi thường, tái định cư cho người dân.

Dự án Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt đồ án quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2000 vào ngày 21/3/2014 với quy mô 643,7ha (kiến trúc, văn hóa, giáo dục, kinh tế và dịch vụ cộng đồng).

Đến tháng 6/2019, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng 1/2000. Việc điều chỉnh quy hoạch tại dự án này phù hợp với tình hình thực tế và nhằm tạo điều kiện cho các hộ dân gặp vướng mắc, khó khăn trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng trên địa bàn quận Thủ Đức được tái định cư tại chỗ.

Tháng 3/2021, Thủ tướng có quyết định phê duyệt nhiệm vụ điều chỉnh quy hoạch, trong đó xác định mục tiêu đáp ứng nhu cầu tái định cư cho người dân đang sinh sống trong khu vực này; cũng như xác lập lại quy mô, phạm vi ranh giới, điều chỉnh diện tích, chỉ tiêu sử dụng đất tại các đơn vị trực thuộc...

Phối cảnh tổng thể Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: TĐ)

Phối cảnh tổng thể Đại học Quốc gia Hồ Chí Minh (Ảnh: TĐ)

Ngày 10/8/2022, Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh có văn bản gửi Bộ Xây dựng góp ý cho đồ án điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/2.000 Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh. Trong đó, vấn đề về giải phóng mặt bằng và tái định cư ảnh hưởng đến tiến độ dự án đã được thành phố đề xuất giải pháp.

Theo đề xuất của Ủy ban Nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh về cơ cấu sử dụng đất, đất giáo dục đại học chiếm 633,67 ha và đất tái định cư là 10,03 ha (chuyển đổi từ đất có chức năng giáo dục thành đất ở), dân số khoảng 5.000 người, cùng các công trình dịch vụ công cộng, công trình hạ tầng xã hội như trường học, chợ, sân thể thao… Trong đó, bố trí tối thiểu một công viên vườn hoa với quy mô 5.000 m2, đảm bảo diện tích cây xanh đạt 2 m2/người.

Bên cạnh nhóm nhà ở thấp tầng, Thành phố Hồ Chí Minh cũng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung thêm nhóm nhà ở chung cư cao tầng để đa dạng hóa nhu cầu tái định cư của người dân.

Về đi lại, mạng lưới giao thông đối nội, đối ngoại của khu đô thị phải thuận tiện, hợp lý, đáp ứng đầy đủ nhu cầu đi lại của sinh viên, giáo viên và cộng đồng dân cư khu vực lân cận theo hướng giao thông xanh kết nối giao thông công cộng.

Khu đô thị có 2 vị trí tiếp cận trực tiếp với ga tàu điện metro số 1 (Bến Thành - Suối Tiên) gồm ga Suối Tiên và ga Bến xe Miền Đông mới; đồng thời bố trí thêm bến đỗ xe buýt tại khu vực tiếp cận ga Suối Tiên đang được xây dựng.

Khu Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc

Dự án đầu tư xây dựng Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc được Chính phủ phê duyệt năm 2003 với mục tiêu chính là xây dựng khu đô thị đại học hiện đại, tiên tiến bậc nhất Đông Nam Á.

Đây cũng sẽ là khu đô thị đại học liên hoàn thống nhất gồm 9 đại học thành viên, 8 viện, 13 trung tâm nghiên cứu, 4 trường trung học phổ thông chuyên với quy mô hơn 41.000 sinh viên, học sinh. Dự án có diện tích 1113,7ha, trong đó khu vực dự án Đại học Quốc gia là 1000ha và còn lại 113,7ha là khu tái định cư. Dự án được phê duyệt mức đầu tư 22.000 tỷ đồng.

Quy hoạch chung Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Ảnh: TTPTĐHQGHN tại Hòa Lạc)

Quy hoạch chung Đại học Quốc gia Hà Nội tại Hòa Lạc (Ảnh: TTPTĐHQGHN tại Hòa Lạc)

Khi được phê duyệt, Dự án do Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư. Tuy nhiên, đến giữa năm 2014 - hơn 10 năm sau ngày khởi công, dự án Đại học Quốc gia Hà Nội mới bàn giao được 990/1.469 ha và cần thêm 900 tỷ đồng để tiếp tục giải phóng mặt bằng. Việc chậm trễ này được đánh giá có cả nguyên nhân chủ quan và khách quan, cả về quyết tâm trong chỉ đạo, triển khai cũng như khó khăn về nguồn lực.

Đến năm 2018, dự án được chuyển từ Bộ Xây dựng về Đại học Quốc gia Hà Nội.

Thời điểm Bộ Xây dựng làm chủ đầu tư đã giải ngân hơn 100 tỷ nhưng hết vốn bỏ lại dở dang… Việc chuyển tiếp dự án rất khó khăn vất vả, do phải điều chỉnh nên mất thời gian, công sức hơn nhiều so với thành lập một dự án mới. [1]

Và đến năm 2020 – 17 năm sau ngày khởi công - dự án mới được đầu tư gần 2.000 tỷ đồng (gần 10% mức đầu tư phê duyệt), chủ yếu cho giải phóng mặt bằng và làm đường.

Tháng 5 vừa qua, Đại học Quốc gia Hà Nội đã hoàn thiện cơ bản tất cả các cơ sở vật chất như giảng đường, phòng học, phòng thí nghiệm, thư viện và khu vực điều hành. Ngày 19/5, Đại học Quốc gia Hà Nội chính thức chuyển trụ sở làm việc tới Hòa Lạc.

Đại học Quốc gia Hà Nội cơ sở Hòa Lạc cũng đã sẵn sàng mọi điều kiện về cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ học tập và nghiên cứu để đón khoảng 6.000 sinh viên tới học tập tập trung từ tháng 9/2022.

Dự án khu đại học Nam Cao

Khu đại học Nam Cao (Thị xã Duy Tiên - Thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam) sở hữu vị trí đắc địa, khi nằm trên trục động lực phát triển đô thị của tỉnh Hà Nam, chỉ cách trung tâm hành chính tỉnh 5 km, cách Thủ đô Hà Nội khoảng 50 km về phía Nam.

Nơi đây quy mô lớn có diện tích 912 ha với mục tiêu đáp ứng nhu cầu giảng dạy, học tập và làm việc cho 100.000 học sinh, sinh viên; 20.000 giáo viên, chuyên gia và 30.000 cư dân đô thị. [2]

Ngày 01/8/2018, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hà Nam đã ban hành cơ chế, chính sách ưu đãi đầu tư vào Khu Đại học Nam Cao, trong đó quy định chính sách miễn, giảm tiền thuê đất, các chính sách miễn, giảm thuế và nhiều ưu đãi hỗ trợ khác như: đầu tư hạ tầng kỹ thuật đến chân hàng rào các dự án, bảo đảm công tác giải phóng mặt bằng, hỗ trợ các thủ tục pháp lý để các nhà đầu tư thực hiện đầu tư xây dựng đúng tiến độ.

Phối cảnh khu đại học Nam Cao (Ảnh: VNHN)

Phối cảnh khu đại học Nam Cao (Ảnh: VNHN)

Nhờ những chính sách ưu đãi đó, đến nay, Khu Đại học Nam Cao đã thu hút được 17 trường đại học đăng ký về đầu tư (bao gồm: Trường Đại học Xây dựng Hà Nội, Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy, Trung cấp Cảnh sát nhân dân số 6, Học viện An ninh nhân dân, Trường Đại học Y Hà Nội, Trường Đại học U1 Hàn Quốc, Cao đẳng Kinh tế công nghiệp Hà Nội, Trung tâm dạy nghề xuất khẩu lao động chất lượng cao thuộc Tập đoàn TMS…).

Trong số đó, có 07 trường đang thực hiện dự án đầu tư; 05 trường đã được phê duyệt quy hoạch chi tiết 1/500; 03 trường đã được phê duyệt dự án và 02 trường đang thực hiện giai đoạn 1 thi công dự án.

Theo kế hoạch, tiến độ thực hiện dự án chia làm 3 giai đoạn. Giai đoạn I (2013 - 2015), lập quy hoạch phân khu, quy hoạch chi tiết; bồi thường, hỗ trợ giải phóng mặt bằng; thực hiện một số dự án đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật, một số công trình hoạt động chung khoảng 250 ha và thu hút các cơ sở giáo dục đào tạo, nghiên cứu khoa học và khởi công xây dựng một số cơ sở đào tạo.

Giai đoạn II (2016 - 2020) hoàn thành việc đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật khung Khu đại học, một số công trình phục vụ chung và một số cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ.

Giai đoạn III (2010 - 2025), hoàn thành cơ bản các dự án đầu tư xây dựng trong Khu đại học, triển khai công tác chuẩn bị cho giai đoạn đầu tư chiều sâu, phát triển hạ tầng Khu đại học theo hướng hiện đại.

Khu đại học phố Hiến (Hưng Yên)

Đề án xây dựng Khu đại học phố Hiến tại tỉnh Hưng Yên được Chính phủ phê duyệt vào tháng 7/2009, quy mô sử dụng đất khoản 1.000 ha (đầu tư 5.530 tỷ đồng). Trong đó, diện tích đất sử dụng xây dựng các cơ sở giáo dục đại học, nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ khoảng 700 ha và diện tích đất sử dụng xây dựng đô thị khoảng 300 ha.

Theo đề án, nơi đây gồm tổ hợp cơ sở giáo dục đại học đa ngành, đa lĩnh vực, cơ sở nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ chất lượng cao, là một bộ phận của mạng lưới trường đại học, cao đẳng.

Sau cả chục năm triển khai, thực trạng của các khu đại học trên cả nước ra sao? ảnh 4Khu đại học Phố Hiến (Ảnh: TL)

Khu đại học phố Hiến dự kiến có khoảng 80.000 sinh viên và khoảng 500 – 1.000 cán bộ, nhân viên của các cơ sở nghiên cứu phát triển khoa học và công nghệ.

Đề án được chia làm 3 giai đoạn và dự kiến hoàn thành vào năm 2020, tuy nhiên đến nay việc di dời các trường đại học ra khỏi nội đô Hà Nội, mới chỉ có Trường Đại học Thủy Lợi và Trường Đại học Chu Văn An xây dựng cơ sở đào tạo tại đây.

Mới đây, Ủy ban Nhân dân tỉnh Hưng Yên có tờ trình Thủ tướng cho kết thúc, đóng lại đề án xây dựng Khu đại học Phố Hiến và thu hẹp lại khu đại học, chỉ giữ lại khoảng 200ha đất để bố trí cho trường đại học có nhu cầu về xây dựng cơ sở đào tạo.

Dự án Làng Đại học Đà Nẵng

Làng đại học Đà Nẵng được Chính phủ phê duyệt từ năm 1997, với quy mô 300 ha. Trong đó, 110 ha thuộc quận địa phận phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn (Đà Nẵng) và khoảng 190 ha ở thuộc thị xã Điện Bàn (tỉnh Quảng Nam). Theo quy hoạch, dự án là khu chức năng đặc thù, trung tâm giáo dục đào tạo và nghiên cứu khoa học đa ngành, đa lĩnh vực cấp quốc gia và quốc tế.

Theo Quy hoạch được Thủ tướng phê duyệt, Dự án xây dựng Đại học Đà Nẵng nhằm đáp ứng quy mô đào tạo cho 60.000 sinh viên, gần 3.400 cán bộ, giảng viên bao gồm khoảng 5.000 cư dân hiện hữu.

Dự án có tổng vốn đầu tư dự kiến gần 10.000 tỷ đồng. Sau 25 năm kể từ ngày được quy hoạch, dự án vẫn bị “treo”.

Phối cảnh khu Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Nhà trường)

Phối cảnh khu Đại học Đà Nẵng (Ảnh: Nhà trường)

Theo Ủy ban Nhân dân tỉnh Quảng Nam, địa phương ủng hộ việc tiếp tục triển khai dự án theo quy hoạch đã được phê duyệt. Tuy nhiên, bộ ngành trung ương xem xét, báo cáo Thủ tướng bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và đầu tư các công trình hạ tầng thiết yếu. [3]

Trước mắt, cần bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng diện tích trên địa bàn tỉnh trong giai đoạn 2023 - 2025. Trong trường hợp không bố trí đủ nguồn vốn để thực hiện công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng thì đề nghị Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì và phối hợp cùng Bộ Giáo dục và Đào tạo báo cáo Thủ tướng cho phép điều chỉnh quy hoạch phân khu 1/2000 để tập trung triển khai thực hiện trên phần diện tích khoảng 50ha.

Phần diện tích còn lại loại ra khỏi ranh giới dự án để tỉnh lập quy hoạch chỉnh trang, đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội thiết yếu phục vụ người dân, đồng thời hình thành khu đô thị vệ tinh phục vụ Làng đại học Đà Nẵng.

Phía Đại học Đà Nẵng cho biết cũng đã kiến nghị bộ, ngành trung ương bố trí vốn, đồng thời mong muốn Đà Nẵng và Quảng Nam tiếp tục đồng hành, hỗ trợ giải phóng mặt bằng, tái định cư để dự án được triển khai đúng tiến độ.

Dù chưa hoàn thiện nhưng hiện có ba đơn vị sinh hoạt trong Làng đại học Đà Nẵng gồm Trường đại học Công nghệ thông tin và truyền thông Việt - Hàn, Trung tâm giáo dục quốc phòng, Khoa y dược.

Tài liệu tham khảo:

[1]: https://vietnamnet.vn/sau-20-nam-sieu-du-an-dh-quoc-gia-ha-noi-chinh-thuc-chuyen-den-hoa-lac

[2]: https://thanhtra.com.vn/kinh-te/bat-dong-san/khu-dai-hoc-nam-cao-diem-den-xay-dung-mo-hinh-dao-tao-nguon-nhan-luc-chat-luong-cao

[3]: https://tuoitre.vn/sot-ruot-voi-du-an-lang-dai-hoc-keo-dai-25-nam

Mạnh Đoàn