SCMP: Trung Quốc có thể phải "suy nghĩ lại" khi quan hệ Việt - Mỹ gần gũi hơn

30/05/2016 11:02
Hồng Thủy
(GDVN) - Townshend thì nhận xét, Bắc Kinh đã có vài lựa chọn để đối phó với việc Việt Nam theo đuổi quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Mỹ

South China Morning Post ngày 30/5 dẫn lời một số học giả bình luận, quan hệ ấm áp "bất ngờ" giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đang trở thành mối quan tâm của Trung Quốc. Và Bắc Kinh có thể phải suy nghĩ lại về cách tiếp cận của mình trong quan hệ với láng giềng.

Giáo sư Trương Minh Lượng, Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: walmtus.fwangyamei.cn.
Giáo sư Trương Minh Lượng, Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu, Trung Quốc. Ảnh: walmtus.fwangyamei.cn.

Theo các nhà phân tích, mặc dù Việt Nam chưa thể mua ngay các vũ khí tiên tiến của Hoa Kỳ sau khi Tổng thống Obama tuyên bố dỡ bỏ hoàn toàn cấm vận vũ khí sát thương, nhưng Bắc Kinh vẫn xem những diễn biến mới nhất này là điều "đáng lo ngại" đối với họ.

Ashley Townshend, một nhà nghiên cứu từ Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ thuộc Đại học Sydney cho biết: "Điều Bắc Kinh lo ngại là viễn cảnh của quan hệ đối tác chiến lược ngày càng chặt chẽ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam. Việc dỡ bỏ lệnh cấm vận vũ khí là một biểu tượng sâu sắc về điều này.

Đó cũng là một dấu hiệu cho thấy, quan hệ Việt - Mỹ đã phát triển đến mức nào trong những năm gần đây". Townshend nhận định, Việt Nam đã không thể trở thành một đồng minh của Mỹ, nhưng Bắc Kinh vẫn lo lắng về mối quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ.

Trung Quốc và Việt Nam có mối quan hệ chính trị và kinh tế mật thiết, trong những năm gần đây tổng kim ngạch thương mại song phương giữa hai nước lên tới 60 tỉ USD. Tuy nhiên quan hệ Việt -  Trung đã có lúc trở nên căng thẳng vì các tranh chấp (lãnh thổ và hàng hải, do Trung Quốc tạo ra) trên Biển Đông.

Học giả Phương Nguyễn từ Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) Hoa Kỳ được South China Morning Post dẫn lời bình luận, Việt Nam không thể quay lưng lại với Trung Quốc, nhưng Bắc Kinh sẽ vẫn xem xét kỹ lưỡng xu hướng phát triển của quan hệ hợp tác quốc phòng Việt - Mỹ. Bắc Kinh có thể phải suy nghĩ thận trọng hơn khi xử lý các tranh chấp.

"Tôi hiểu là Bắc Kinh đang tin rằng Việt Nam sẽ không bao giờ đi xa hơn trong quan hệ với Hoa Kỳ vì sự khác biệt về chính trị và nhân quyền", học giả Phương Nguyễn nói.

Tuy nhiên theo bà, Việt Nam đã nhận ra rằng phải cải thiện quan hệ với Washington sau khủng hoảng giàn khoan 981 mà Trung Quốc hạ đặt bất hợp pháp xuống vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam năm 2014.

Trong cuộc khủng hoảng này, Việt Nam đã thấy các cơ chế giao thiệp với Trung Quốc nhằm chống leo thang căng thẳng đã thất bại (bởi Trung Quốc không có thiện chí và đóng mọi cánh cửa đối thoại). Việt Nam nhận ra rằng mình không thể kích hoạt các cơ chế đối thoại mặc dù đã đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng quan hệ hữu nghị với Trung Quốc.

Giáo sư Trương Minh Lượng từ Đại học Kỵ Nam, Quảng Châu cho rằng, chính những lo ngại về các hoạt động hiện diện và xây dựng, quân sự hóa (bất hợp pháp) của Trung Quốc ở Biển Đông đã đẩy Việt Nam về phía Mỹ. Đã đến lúc Bắc Kinh cần đánh giá lại cách tiếp cận của mình với láng giềng.

Nhà nghiên cứu Townshend thì nhận xét, Bắc Kinh đã có vài lựa chọn để đối phó với việc Việt Nam theo đuổi quan hệ hợp tác gần gũi hơn với Mỹ, khác với việc sử dụng các đòn bẩy về kinh tế - thương mại - đầu tư trong quan hệ với Việt Nam.

Tuy nhiên, trừ phi Bắc Kinh kiềm chế được các hành vi (leo thang bành trướng, phiêu lưu quân sự) của mình ở Biển Đông, nếu không Trung Quốc sẽ không thể thay đổi được nỗ lực của cả khu vực ngả về phía Mỹ để cân bằng ảnh hưởng với Trung Quốc.

Hồng Thủy