Sẽ có tỉnh không còn Sở Giáo dục

29/03/2018 07:40
Trinh Phúc
(GDVN) - Đó là quy định mới trong dự thảo nghị định quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh đang chuẩn bị đưa ra lấy ý kiến.

Ngày 26/3, tại phiên họp báo thường kỳ của Bộ Nội vụ, ông Nguyễn Tiến Thành Chánh văn phòng bộ thông tin cho báo chí về những nội dung mới của dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 24/2014/NĐ-CP - Quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương.

Đáng chú ý trong dự thảo lần này là việc nhiều sở ngành có thể bị hợp nhất hoặc sáp nhập với nhau.

Đặc biệt, theo dự thảo sở giáo dục và đào tạo sẽ không bắt buộc tỉnh nào cũng phải có.

Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ (ảnh Trinh Phúc)
Ông Nguyễn Tiến Thành, Chánh văn phòng Bộ Nội vụ (ảnh Trinh Phúc)

Theo ông Nguyễn Tiến Thành, về cơ cấu tổ chức của sở thì đối với 17 sở đang tổ chức thống nhất trong cả nước hiện nay, được chia thành 3 nhóm.

Nhóm 1: Các sở được tổ chức thống nhất trên phạm vi cả nước gồm 7 sở: Nội vụ; Tư pháp;

Tài nguyên và Môi trường; Lao động - Thương binh và Xã hội; Y tế; Thanh tra; Văn phòng Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Nhóm 2: Các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc hợp nhất.

Nhóm 3: Các sở được quy định theo hướng giao thẩm quyền cho Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập.

Đối với 4 sở đặc thù (không được tổ chức thống nhất giữa các địa phương) , giao Ủy ban nhân nhân cấp tỉnh trình Hội đồng nhân dân cùng cấp quyết định giữ ổn định hoặc sáp nhập; thành lập hoặc không thành lập (khi đáp ứng đủ các tiêu chí thành lập).

Thầy giáo Bùi Nam đề xuất giải tán Phòng giáo dục ở các quận, huyện

Chánh văn phòng Bộ Nội vụ cũng cho rằng: “Trên cơ sở phân nhóm các sở, dự thảo Nghị định quy định theo hướng giao cho địa phương quyết định thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bên trong của từng sở, bảo đảm phù hợp với quy định khung của Chính phủ và hướng dẫn của Bộ quản lý ngành về nhiệm vụ, quyền hạn quản lý nhà nước đối với ngành, lĩnh vực ở địa phương (các Bộ không hướng dẫn về cơ cấu tổ chức của sở).

Trong dự thảo lần này cũng quy định về khung số lượng các sở sau khi sắp xếp: Phương án 1: Quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm tổng số lượng sở sau khi sắp xếp không vượt quá số lượng sở hiện có.

Phương án 2: Quy định tổng số lượng sở sau khi thực hiện việc hợp nhất, sáp nhập, thành lập hoặc không thành lập, bảo đảm số lượng sở tối đa của từng địa phương theo phân loại đơn vị hành chính cấp tỉnh.

Như quy định về tiêu chí thành lập các tổ chức thuộc cơ cấu tổ chức của sở. Quy định số lượng cấp phó của sở và các tổ chức bên trong của sở.

Ông Phạm Văn Hòa đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (ảnh quochoi.vn).
Ông Phạm Văn Hòa đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp (ảnh quochoi.vn).

Có thể nhận thấy, với nhiều nội dung thay đổi dự thảo lần này được kỳ vọng sẽ là bước tiến mới trong việc tổ chức, sắp xếp lại bộ máy cấp tỉnh theo hướng tinh gọn.

Để có góc nhìn sâu hơn về vấn đề này, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa – Phó trưởng đoàn chuyên trách đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp.

Ông Phạm Văn Hòa cho rằng: “Về tổng quan dự thảo của Bộ Nội vụ, tôi thấy rất là phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay.

Thực tế, các sở ban ngành ở cấp tỉnh có quá nhiều nên trùng lặp chức năng, nhiệm vụ với nhau. Vì thế  tiến tới hợp nhất, sáp nhập một số sở ngành là phù hợp”.

Sẽ có tỉnh không còn Sở Giáo dục ảnh 3Hoàn toàn có thể sáp nhập Bộ Giáo dục với Bộ Khoa học và Công nghệ

Ông Phạm Văn Hòa góp ý thêm: “Trong Nghị định mới cần quy định mỗi tỉnh thành được tổng bao nhiêu sở ngành.

Ví dụ, tỉnh A có tổng số sở ngành là 15, trong đó có 7 sở là bắt buộc vậy còn lại các sở ngành khác buộc phải hợp nhất hoặc sáp nhập”.

Theo dự thảo, sở giáo dục có thể phải sáp nhập và hợp nhất với các sở ngành khác vị đại biểu này có ý kiến: “Quy định như vây khiến tôi còn băn khoăn.

Theo tôi, sở giáo dục và đào tạo cần phải độc lập. Bởi, nếu tiến hành hợp nhất hoặc sáp nhập với sở ban ngành khác thì không biết sẽ hợp nhất và sáp nhập với sở nào cho phù hợp?

Lĩnh vực giáo dục có đặc thù riêng nên việc sở giáo dục mà hợp nhất với sở ngành khác sẽ rất khó thực hiện.

Hai sở hiện nay có tính năng đặc thù cao đó là sở giáo dục và sở y tế. Do đó, đối với sở giáo dục ở địa phương nên cần cân nhắc, thận trọng khi tính toán sáp nhập hoặc hợp nhất”.

Cuối cùng Phó trưởng đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp nhấn mạnh: “Các sở ngành trùng lặp chức năng nhiệm vụ như sở tài chính với sở kế hoạch; sở giao thông với sở xây dựng;

sở văn hóa thông tin vớ sở truyền thông ... cần thiết phải sáp nhập hoặc hợp nhất lại.

Riêng sở giáo dục và đạo tạo cần thiết phải giữ nguyên như hiện nay thì mới hợp lý”.

Trinh Phúc