Thời gian qua, câu chuyện sáp nhập một số bộ ngành, tỉnh thành được nhiều chuyên gia, đại biểu Quốc hội đặt ra vì lý do hiện nay Bộ máy tổ chức của nước ta còn cồng kềnh.
Đơn cử, ngày 29/11, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc về học tập, quán triệt các nghị quyết Trung ương 6 khóa 12, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính đã giới thiệu, quán triệt Nghị quyết số 18-NQ/TW “Một số vấn đề về tiếp tục đổi mới, sắp xếp tổ chức bộ máy của hệ thống chính trị tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả”.
Đề cập đến thực trạng tổ chức bộ máy hành chính ở nước ta, ông Phạm Minh Chính cho biết: “Các nước trên thế giới trung bình có 12-16 bộ, trong khi Việt Nam hiện có 22 bộ, cơ quan ngang bộ.
Nếu so sánh trong số những nước có điều kiện tương đồng về dân số, quy mô lãnh thổ, nước ta vẫn là nước có số đầu mối bộ, ngành cao nhất” [1].
Phải lập bản đồ công chức quốc gia để chống tham nhũng biên chế |
Cũng liên quan đến vấn đề này, trả lời trên báo Tiền Phong, ông Vũ Mão nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: “Hơn 10 năm qua, việc tổ chức bộ máy của các bộ trong Chính phủ được thực hiện theo phương án tổ chức bộ đa ngành.
Ngoài một số kết quả vẫn còn nhiều hạn chế như phân công một số chức năng, nhiệm vụ giữa các bộ chưa hợp lý, còn chồng chéo”.
Ông Vũ Mão cho rằng: “Có thể nghiên cứu theo hướng thành lập Bộ Kế hoạch và Tài chính trên cơ sở nhập Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài Chính;
Đồng thời thành lập Bộ Đất đai – Thủy lợi – Xây dựng – Môi trường; Bộ Giáo dục và Khoa học trên cơ sở nhập Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Khoa học và Công nghệ” [2].
Ông Phạm Văn Hòa Phó trưởng Đoàn Đại biểu chuyên trách tỉnh Đồng Tháp (ảnh quochoi.vn). |
Trước những đề xuất sáp nhập một số bộ ngành nhằm tinh gọn bộ máy, trong đó có đề xuất sáp nhập Bộ Giáo dục và Đào tạo với Bộ Khoa học và Công nghệ, phóng viên Báo Điện tử Giáo dục Việt Nam đã trao đổi với đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa, Phó đoàn đại biểu chuyên trách tỉnh Đồng Tháp.
Theo ông Phạm Văn Hòa: “Hiện nay, chủ trương sáp nhập tỉnh, Bộ trong Nghị quyết TW6 với Nghị Quyết Quốc hội chưa có.
Tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội khóa 14, tôi có đề xuất, hiện nay có chủ trương sáp nhập cấp xã rồi. Tới đây, hành chính cấp xã sẽ ít đi đương nhiên ảnh hưởng tới đơn vị hành chính cấp huyện.
Trên cơ sở sáp nhập đơn vị hành chính cấp xã sẽ căn cứ để sáp nhập đơn vị hành chính cấp huyện. Những huyện không đủ tiêu chí đề ra sẽ sáp nhập lại.
Tuy chưa có nghị quyết sáp nhập tỉnh, chưa có nghị quyết sáp nhập bộ nhưng xét thấy huyện đã sáp nhập lại thì những tỉnh dân số ít cần thiết có chủ trương nhập lại”.
Ông Phạm Văn Hòa cũng cho rằng: “Tôi bảo lưu ý kiến, các tỉnh chưa đảm bảo dân số, quy mô nhất quyết phải nhập lại.
Trên cơ sở nhập tỉnh để rút gọn lại bộ máy hành chính cấp tỉnh sẽ xem xét nghiên cứu nhập lại những bộ mà trùng chức năng.
Ví dụ như Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo Dục và Đào tạo, Bộ Tài Chính với Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Xây dựng với Bộ Giao thông Vận tải đó là những bộ trùng nhiệm vụ chức năng nên cần cải cách”.
Phình to biên chế là do trên nói dưới không nghe, coi thường kỷ cương phép nước |
Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đại biểu Quốc hội của tỉnh Đồng tháp lý giải thêm: “Nhập những Bộ trùng chức năng nhiệm vụ với nhau hết sức cần thiết nhằm giảm được bộ máy tổ chức, tinh giản biên chế nhà nước.
Mà khi giảm bộ máy biên chế hành chính không chỉ giúp đề án tăng lương theo lộ trình được thực hiện dễ dàng hơn, lương cán bộ công chức được nâng lên mà còn đỡ được những đóng góp, gồng gánh của người dân về chi phí của bộ máy, biên chế hành chính nhà nước”.
Đại biểu Quốc hội Phạm Văn Hòa còn cho rằng: “Ý tưởng sáp nhập Bộ Khoa học và Công nghệ với Bộ Giáo dục và Đào tạo là có tính khả thi.
Hai bộ này hiện nay có những chức năng, nhiệm vụ chồng chéo với nhau nên nhất thiết phải nghiên cứu để thực hiện. Được biết, ở cấp tỉnh, theo đề án một số sở ngành sẽ nhập lại”.
Để tiến hành thành công, vị đại biểu Quốc hội Đoàn tỉnh Đồng Tháp cho rằng: “Để sắp sếp cần từng bước nghiên cứu.
Từ đây đến năm 2020 – 2021 lội trình sẽ sắp xếp bộ máy cấp xã, cấp huyện. Tôi nghĩ từ sau năm 2021 phải sắp xếp bộ máy hành chính của cấp tỉnh, các bộ có chồng chéo với nhau về chức năng nhiệm vụ.
Có như vậy, Bộ máy mới giảm được đầu mối, tinh gọn bộ máy, biên chế, tiết kiệm được ngân sách”.
Tài liệu tham khảo
1. http://giaoduc.net.vn/Xa-hoi/Sap-nhap-cac-tinh-thanh-bo-nganh-voi-nhau-se-giam-duoc-bien-che-rat-lon-post181828.gd
2. https://www.tienphong.vn/xa-hoi/hop-nhat-giai-the-co-the-giam-tu-18-xuong-15-bo-1217283.tpo