Tôi lẩn thẩn đọc những ý kiến đó trên cả báo viết, báo mạng và cả những diễn đàn blog để rồi thực sự hoang mang không biết nên nghiêng về ý kiến nào. Ý kiến nào cũng có cái lí của nó. Mà đã có lí thì ắt hẳn trong một chừng mực, bối cảnh, trạng huống nào đó nó đều có thể tồn tại. Tại sao không?
Dẫu có hoang mang nhưng thú thực trong thẳm sâu tôi mừng. Mừng bởi từ khoá “Lịch sử Quốc gia” luôn thu hút sự quan tâm và luôn đánh thức tinh thần tự cường tự hào và yêu nước của mỗi con dân đất Việt, nhất là trong thời điểm chủ quyền quốc gia đang nóng từng ngày trên Biển Đông. Mừng bởi, trong khi các kì thi tốt nghiệp trung học phổ thông, khối C đại học, môn sử luôn là thảm hoạ và bội thu điểm 0, thì lúc này đây, những người vẫn đang đau đáu ngành sử học có thể ấm lòng. Mừng bởi, đáng lẽ ra, một đại công trình lớn lao về cả ý tưởng, quy mô và tiền bạc như thế nên trưng cầu ý kiến dân chúng, mặc dù động tác ấy chưa hay không diễn ra nhưng, những công dân Việt Nam đã vô tư bình, bàn như chuyện của nhà mình, như chuyện miếng cơm manh áo. (Liệu có bị phê là “nhanh nhẩu đoảng”, là “Cầm đèn chạy trước ô tô” quá chăng?).
Thú thực, tôi mất phương hướng khi lạc vào ma trận của những lập lí qua lại nên hay không nên, nên lúc nào? Cùng với đó là cơ man nào ví dụ, dẫn chứng. Người ta đưa ra hàng chục, có khi hàng trăm bảo tàng cấp tỉnh, cấp ngành, có khi đến cả cấp thôn, cấp xã với cách gọi khác là nhà văn hoá đang ngủ yên, đắp chiếu mà có người gọi rằng, những mô hình bảo tàng đó đang đi vào giấc ngủ ngàn thu. Người ta còn cho rằng, cần khẩn cấp có bảo tàng để đưa những bảo tàng kia vào bảo tàng.
Lại có ý kiến các di tích lịch sử, văn hoá xứ mình cái gì cũng bé tin hin, như là mô hình đồ chơi. Một chùa Một Cột nhỏ xíu. Một Tháp Rùa tí hon. Một cầu Thê Húc bé tẹo… thì lúc này đây, cần phải có một công trình để cho muôn sau nên tấm, nên món…
Thoát ra khỏi những tranh biện kia, tôi thả bộ đến bảo tàng Hà Nội, công trình chào mừng Một ngàn năm Thăng Long. Toà nhà “thượng thếch, hạ thu” được đầu tư hơn 2.000 tỷ. Tôi tìm hoài Hà Nội ẩn náu đâu đây trong ngổn ngang hiện vật bày biện mà có người nói “theo tư duy bày hàng xén”? Cứ có cảm giác lành lạnh trong cái gió heo may đầu mùa. Có cái chống chếnh, chênh vênh như thể Hà Nội bị cắt rời ra hỗn độn, đông lạnh và tê dại. Đâu rồi dòng chảy ngàn năm? Đâu rồi trục tư tưởng cũng như sức sống vững bền nguyên khối của đất Thăng Long?
Thưa thớt bóng người và đứt đoạn dấu xưa!...
Bạn tôi là một tay kinh doanh địa ốc. Thời bất động sản chưa vào cơn hấp hối và bước sang giai đoạn chết lâm sàng như hiện nay thì hắn là một đại gia có máu mặt. Khi hắn hay tin có dự án Bảo tàng lịch sử Quốc gia hơn 11.000 tỷ, đang ủ rủ bỗng nhiên mắt hắn sáng long lanh và phán xanh rờn: Đắn đo gì nữa! Đầu tư. Rẻ chán!
Tôi ngạc nhiên hỏi hắn: Cái gì rẻ? Hắn buông giọng đầy thuật ngữ kinh tế: Tỷ suất đầu tư như thế là rẻ. Tôi lắc đầu chưa hiểu, hắn giải thích: 11.000 tỷ để làm sống lại lịch sử 4.000 năm. Phục dựng lịch sử một dân tộc mỗi năm đầu tư chưa đến 3 tỷ, chỉ ngang một căn hộ hạng trung thôi không rẻ là gì?
Tôi chẳng biết hắn nói thế có đúng không nữa! Lúc đó trong tôi rõ lắm, Bảo tàng Hà Nội chênh vênh, thưa thớt bóng người…