Mâu thuẫn từ việc “cốc mò, cò xơi”
Không phải đến khi HLV trưởng đội bơi Việt Nam - ông Đặng Anh Tuấn tố cáo Quý Phước chểnh mảng tập luyện, mắc bệnh sao và HLV Nguyễn Tấn Quảng không đôn đốc học trò người ta mới thấy mâu thuẫn giữa 2 ông này, mà thật sự giữa 2 người đã ở tình trạng bằng mặt không bằng lòng từ lâu. Ông Tuấn là HLV ĐTQG, trong khi đó ông Quảng là HLV của đơn vị Đà Nẵng, người trực tiếp đào tạo Phước thành tài. Dù mang tiếng là HLV trưởng nhưng ông Tuấn không có bất cứ đóng góp gì cho thành công của Phước bởi mọi việc tập luyện của Phước đều do ông Quảng lên kế hoạch. Ở môi trường đội tuyển nhưng giữa Phước và ông Quảng gần như là 1 thế giới riêng biệt với phần còn lại.
Không có ông Quảng sẽ không có Phước như ngày hôm nay |
Mâu thuẫn bắt đầu từ những va chạm giữa người “địa phương” và người của “cấp trên” từ những chuyến tập huấn thi đấu và được đẩy lên đỉnh điểm vào cuối năm 2011 sau cuộc bầu chọn HLV, VĐV tiêu biểu năm 2011. Dù là người trực tiếp dẫn dắt Phước giành HCV SEA Games 26 nhưng HLV Nguyễn Tấn Quảng bị “quên đưa vào danh sách bầu chọn”, như giải thích của Ban tổ chức. Ngược lại, HLV Đặng Anh Tuấn, dù chưa có một ngày huấn luyện nhà vô địch SEA Games song lại được đưa vào danh sách bình chọn.
Vì thế, đầu năm nay khi Hoàng Quý Phước nhất quyết đòi đưa ông Quảng sang Mỹ, những mâu thuẫn hậu trường giữa hai bên đã đẩy lên cao trào. Không phải ngẫu nhiên mà thầy trò HLV Nguyễn Tấn Quảng - Hoàng Quý Phước bị một số người cô lập ngay những ngày đầu tiên đến Mỹ. Điều đáng nói là lãnh đạo Tổng cục TDTT chỉ lắng nghe ý kiến 1 chiều từ báo cáo của ông Tuấn đã vội đi đến kết luận Phước mắc bệnh “sao”, không cho Phước và ông Quảng lên tiếng. Bên cạnh đó, cũng không thấy trong báo cáo ý kiến của HLV Sergio Gomez, người trực tiếp huấn luyện Phước trên đất Mỹ. Đó mới là ý kiến khách quan nhất, chính xác nhất.
Mất tiền tỷ, lỡ chuẩn A
Dù ai là người có lỗi trong chuyện này thì hệ quả trước mắt là thiệt hại rất lớn về mặt vật chất cũng như cơ hội lấy chuẩn A của Hoàng Quý Phước. Kinh phí mà Đà Nẵng và Hiệp hội thể thao dưới nước bỏ ra cho Phước tập huấn tại Mỹ là khoảng 50.000 USD (hơn 1,1 tỷ đồng). Vì thế, nếu “đuổi Phước về nước” như ý kiến của ông Tuấn thì số tiền đó chẳng khác gì vất qua cửa sổ.
Bên cạnh đó, hiện tại Phước mới đạt chuẩn B còn đang nằm trong danh sách xét duyệt của Liên đoàn bơi thế giới FINA dự Olympic. Muốn chắc suất anh cần phải đạt chuẩn A. Nhưng với mâu thuẫn trong thời gian gần đây, Phước chẳng còn tâm trí đâu mà tập luyện. Nên nhớ cuộc thi lấy chuẩn Olympic đầu tiên mà đội tuyển bơi Việt Nam sẽ tham dự trên đất Mỹ là Grand Prix Indianapolis, diễn ra từ ngày 29 đến 31/3 tới trong khuôn viên của trường Indiana University Natatorium. Đây là cuộc thi trong top 5 của hệ thống Grand Prix Series do Liên đoàn bơi lội Mỹ quản lý. Từ mâu thuẫn giữa các cá nhân làm ảnh hưởng đến sự thăng tiến của một tài năng thể thao cũng như bộ mặt của một thể thao ở tầm quốc gia là cái giá quá đắt.
Phước có mắc bệnh sao hay không chưa thể nói trước nhưng việc người lớn đấu đá khiến anh gặp nhiều khó khăn trong việc lấy chuẩn A |
Hiện tại, thành tích tốt nhất ở nội dung 100m bơi bướm mà Phước đã đạt chuẩn B là 53’07, còn kém chuẩn A là 52’35’’. Khoảng cách tưởng chừng nhỏ này sẽ không dễ dàng được san lấp nếu như VĐV không có thời gian được tập luyện, thi đấu đỉnh cao liên tục. Phước vốn đã sang Mỹ trễ hơn 10 ngày so với đồng đội giờ lại vướng vào rắc rối mới, anh sẽ mất rất nhiều thời gian để thích ứng kịp trong khi hạn cuối để FINA xét chuẩn A là 30/6 tới. Thời gian không còn nhiều cho Phước và cả bơi lội Việt Nam.
Đà Nẵng không bỏ rơi
Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Nguyễn Xuân Anh mới đây đã khẳng định, Đà Nẵng sẽ đứng bên cạnh và ủng hộ hết mình đối với Hoàng Quý Phước. Trước mắt, họ sẽ chờ kết quả từ chuyến đi của ông Kiều Việt Hùng, Tổng thư ký Hiệp hội thể thao dưới nước sang Mỹ ngày 24/3 trước khi có những hành động tiếp theo.
Thực ra trước khi Phước sang Mỹ tập huấn trung tâm huấn luyện đào tạo VĐV Đà Nẵng đã chủ động làm việc cùng những HLV nổi tiếng như Michael Bottom, trực tiếp đào tạo Feng Wu (giành HCĐ 200 mét bướm tại giải Vô địch Thế giới); Michael Bohl - HLV trưởng đội tuyển Australia (trực tiếp huấn luyện cho Park Tae Hwan, vô địch Olympic và vô địch thế giới 400 mét tự do), Peter Gartrell - thành viên BHL đội tuyển Australia. Vì thế, nếu có “bất trắc” Đà Nẵng cũng sẽ làm những điều tốt nhất cho VĐV của mình. Chỉ đáng tiếc, có vẻ như sự việc của Phước là ẩn chứa những “toan tính” cá nhân của một số người không vì cái chung cho bơi Việt Nam
Nguyễn Đăng (Infonet)