Hiện, vẫn có một số doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đang bán sữa dành cho trẻ em vượt quá mức trần.
Theo Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), hầu hết các mặt hàng sữa bột đang tiếp tục bán theo mức giá trần đã công bố từ giữa năm 2014. Gần 60 sản phẩm mới được giảm giá cũng đã công khai tên sản phẩm và mức giảm.
Tuy nhiên, ghi nhận mới nhất của phóng viên cho thấy, vẫn có doanh nghiệp, siêu thị, cửa hàng bán lẻ đang bán sữa dành cho trẻ em vượt quá mức trần.
Điển hình là sản phẩm sữa Similiac Gain Plus IQ. Giá niêm yết sản phẩm này trong siêu thị là 790.000 đồng/hộp/1,7kg, nhưng mức trần bán lẻ được cho phép chỉ 712.000 đồng/hộp/1,7kg.
Dễ thấy, mỗi đứa trẻ ăn 1 hộp sữa này người bán hàng đương nhiên thu lợi 78.000 đồng, chưa kể phần chiết khấu mà họ được hưởng.
Giá bán lẻ và giá trần dòng sữa Similac Gain Plus IQ chênh nhau đến 78.000 đồng/hộp. |
Tại một đại lý sữa ở Hà Nội, cũng loại sữa Similiac Gain Plus IQ hộp 1,7 kg không niêm yết giá, phóng viên hỏi thì được chủ cửa hàng cho biết, giá hộp sữa này là 750.000 đồng, không tính VAT… So với mức giá trần đã bao gồm 10% VAT, mức giá này đắt hơn đến 38.000 đồng/hộp.
Trong khi đó, nhiều người thường xuyên mua mặt hàng sữa qua mạng vẫn cho rằng, giá bán trên mạng sẽ rẻ hơn so với cửa hàng vì không phải tốn chi phí thuê mặt bằng, nhân công. Nhưng sự thật, cách suy nghĩ trên cũng là sai lầm lớn.
Thử vào một website bán hàng trên mạng, khảo sát giá sữa Dumex Dugrow Gold 3 hộp 1,5kg cho thấy giá bán là 661.000 đồng/hộp trong khi mức giá trần bán lẻ sản sản phẩm này chỉ 557.000 đồng/hộp.
Chị Thanh Vân (Hà Đông, Hà Nội) phân trần: Bản thân chị cũng biết có quy định giá trần đối với các mặt hàng sữa và chị đã đi khảo sát giá tại rất nhiều đại lý nhưng không tìm đâu ra cửa hàng nào bán giá rẻ bằng hoặc tương đương với mức giá trần.
Chị Vân cho biết, thường các cửa hàng chị hỏi đều có giá cao hơn từ 10.000-50.000 đồng/sản phẩm.
Còn chị Huế (Đống Đa, Hà Nội) lại cho rằng, tâm lý người đi mua sữa như chị luôn đặt hoàn toàn niềm tin vào cửa hàng. Cửa hàng nói giá nào thì mua giá đấy vì giá cả đã được quản lý rồi nên không so sánh giữa các cửa hàng thế nào.
Qua đó có thể thấy, mức giá trần các sản phẩm sữa dường như không tồn tại ở các đại lý hay siêu thị bán lẻ sản phẩm này. Và như thế, hẳn nhiên số tiền chênh lệch không nhỏ giữa giá bán lẻ và giá trần đều rơi vào túi đơn vị kinh doanh sản phẩm sữa trong khi người tiêu dùng bị "móc túi" công khai mà không biết hoặc có biết cũng không biết kêu ai.