Ngày 29/3 vừa qua, tại trường Đại học Thăng Long, Hiệp hội Hữu nghị quốc tế Nhật Bản – Châu Á tổ chức buổi trao đổi, giới thiệu về 4 khách sạn truyền thống và hiện đại tại khu du lịch suối nước nóng thuộc 2 tỉnh Fukui và Ishikawa của Nhật Bản giúp học sinh Việt Nam hiểu rõ hơn về dịch vụ du lịch khách sạn tại quốc gia này.
Theo đó, đại diện 4 khách sạn (Grandea Housen; Mimatu; Matuyasensen; Hosoutei) đã có buổi giới thiệu, trao đổi với hơn 30 sinh viên năm thứ 3 khoa ngôn ngữ Nhật của trường Đại học Thăng Long và Đại học Quốc gia Hà Nội trước khi các em tham gia chương trình thực tập 1 năm sắp tới tại Nhật.
Tại buổi trao đổi, ông Inoue Toshihide - đại diện Hiệp hội Hữu nghị quốc tế Nhật Bản – Châu Á cho hay:
Trong quá trình thực tập mọi hoạt động, công việc sinh viên đều phải đối ứng với khách hàng bằng tiếng Nhật.
Do đó thời gian đầu một số sinh viên Việt có thể sẽ cảm thấy khó khăn vì khả năng ngôn ngữ còn hạn chế tuy nhiên qua thời gian các em sẽ dần dần được cải thiện và nâng cao khả năng ngôn ngữ trong quá trình thực tập.
“Nếu bạn nào luôn mong muốn học hỏi nhiều điều ở Nhật thì dịp thực tập này các bạn sẽ học được rất nhiều bằng sự cố gắng, lắng nghe và đặt các câu hỏi”, vị này nhấn mạnh.
Đại diện các khách sạn đã có buổi giới thiệu, trao đổi với sinh viên Việt Nam (Ảnh: Linh Hương) |
Thông qua một tiểu phẩm, đại diện các khách sạn muốn sinh viên cần ghi nhớ một nguyên tắc tối thượng khi tiễn khách, đó là “cần vẫy tay đến khi nào không còn nhìn thấy hình bóng của vị khách đó nữa mới thôi”.
Tham dự buổi trao đổi còn có một số cựu sinh viên từng thực tập ở đất nước Mặt trời mọc, chia sẻ với phóng viên một cựu sinh viên từng thực tập ở khách sạn Matuyasensen tâm sự:
“Ban đầu khi sang thực tập em đã gặp nhiều khó khăn đặc biệt nội quy của khách sạn thì nhân viên tuyệt đối không được tự ý quyết định việc gì khi xảy ra và lúc nào cũng phải báo cáo, liên lạc thường xuyên”.
Tuy nhiên, do bản thân là một người luôn thích tự ý làm theo ý mình nên em đã bị mắng rất nhiều, thực sự nhiều lúc em rất buồn.
Nhưng sau khi bị mắng thì họ sẽ giải thích cho em hiểu vì sao không được tự quyết định việc này, nếu tự ý thì sẽ gây ra hậu quả nghiêm trọng ra sao và nếu mắc lỗi nhiều lần về điều này thì sẽ làm phá vỡ “chuẩn” văn hóa của người Nhật.
Chính sự nghiêm khắc đó đã làm thay đổi con người em và giờ đây, khi đang làm tại một công ty của Nhật Bản tại Việt Nam, em thấy những quy tắc mà em đã học được sau khi bị mắng đã giúp công việc trơn tru và thuận lợi rất nhiều”.
Ngoài việc khuyên các em sinh viên khi đi thực tập cần nghiêm túc chấp hành về mặt thời gian, gương mặt luôn tươi tắn vì đây là ngành dịch vụ thì cựu sinh viên này còn nhắn nhủ:
“Các em cần năng động, xông xáo hơn trong mọi việc. Các cô chú bảo làm việc gì thì cũng nỗ lực hết sức để thực hiện, nhất định không được ngại khó, ngại khổ.
Bởi chính điều này, các cô chú mới thấy các em có thực sự muốn làm việc hay không để giao việc. Còn nếu, các em ngại làm thì chắc chắn họ sẽ không bao giờ tin dùng và chắc chắn khi đó, các em mãi mãi ở một vị trí thấp”.
Sau khi được lắng nghe những thông tin tới từ đại diện 4 khách sạn và lời chia sẻ gan ruột của cựu sinh viên, em Vũ Thục Trinh – sinh viên năm 3, Đại học Thăng Long tâm sự:
“Qua buổi trao đổi, tinh thần muốn sang Nhật của em đã mạnh mẽ hơn rất nhiều.
Mặc dù trước đó em có hơi lo lắng nhưng khi được mọi người chia sẻ thì em đã thấy an tâm hơn và nghĩ rằng bản thân cần phải trau dồi thêm về ngôn ngữ hơn nữa để dần cải thiện thì mới có thể hi vọng cuộc sống khi bên đó sẽ dễ dàng hơn.
Và chắc chắn rằng, trước khi sang Nhật, em sẽ tìm hiểu kỹ càng hơn nữa về văn hóa nước Nhật, bản thân sẽ cố gắng trau dồi vốn từ nhiều hơn để bớt đi những bỡ ngỡ và tránh được những sai lầm mà các anh chị khóa trên từng chia sẻ”.
Tham dự cuộc trao đổi, một số sinh viên cảm thấy lo lắng vì sợ rằng không đạt yêu cầu để được sang Nhật thực tập nhưng nhờ có buổi tư vấn đã giúp các em có thêm nhiều thông tin về một số khách sạn của Nhật Bản để có động lực tìm hiểu thêm về dịch vụ khách sạn này. (Ảnh: Linh Hương) |
Trước khi tham dự cuộc trao đổi, một số sinh viên cảm thấy lo lắng vì sợ rằng không đạt yêu cầu để được sang Nhật thực tập nhưng nhờ có buổi tư vấn đã giúp các em có thêm nhiều thông tin về một số khách sạn của Nhật Bản để có động lực tìm hiểu thêm về dịch vụ khách sạn này.