Sinh viên Việt Nam tham dự Hội nghị dân chủ thế giới vì hòa bình và thịnh vượng

08/12/2018 10:50
Jenna Truong
(GDVN) - Hội nghị thường niên được tổ chức hàng năm để thanh niên trên toàn thế giới có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và cùng thảo luận những vấn đề có tính toàn cầu.

Hai sinh viên Việt Nam xuất sắc, em Nguyễn Tuấn Anh sinh viên năm thứ 4 Khoa Luật, Trường đại học Quốc gia Hà Nội và Lê Huyền Trang, sinh viên năm thứ 4 Học viện Ngoại giao vừa được Đại sứ quán nước Cộng hòa Indonesia tại Hà Nội mời tham dự Hội nghị ''Thanh niên thúc đẩy dân chủ Bali'' diễn ra lần thứ II vào 6-7/12/2018 tại Bali, Indonesia.

Tham dự hội nghị có 138 thanh niên đến từ 57 quốc gia, là những sinh viên và nhà lãnh đạo trẻ tài năng đến từ năm châu lục.

Đây là Hội nghị thường niên được tổ chức hàng năm để thanh niên trên toàn thế giới có cơ hội giao lưu, gặp gỡ và cùng thảo luận những vấn đề có tính toàn cầu như: thúc đẩy dân chủ trong bình đẳng giới, quyền được học tập và chăm sóc của trẻ em, đẩy mạnh áp dụng công nghệ 4.0 trong giáo dục nhằm thay đổi cuộc sống…

“Thanh niên có thể làm gì để thay đổi thế giới? Chúng ta là những nhà lãnh đạo tương lai và hơn thế nữa, sẽ là những người lớn trưởng thành làm cha, làm mẹ.

Vậy chúng ta sẽ làm thế nào để chuẩn bị cho cuộc sống của con cái và thế hệ tương lai trở nên tốt đẹp hơn so với chính cuộc sống của chúng ta bây giờ?”. Đây chính là câu hỏi thảo luận được đặt ra trong ngày đầu tiên của Hội nghị.

Hội nghị dân chủ thế giới vì hòa bình và thịnh vượng.
Hội nghị dân chủ thế giới vì hòa bình và thịnh vượng.

Diễn giả xuất sắc đến từ Argentina, Mateo Nicolás Salvatto là một Giám đốc điều hành mới 19 tuổi.

Em là người đã sáng lập ra phần mềm Hablalo -  ứng dụng được thiết kế để giúp người câm điếc giao tiếp với nhau trên nền tảng điện thoại thông minh.

Có mẹ là một cô giáo dạy ngôn ngữ cho người câm điếc, Mateo đã rất đồng cảm với hoàn cảnh của họ và tìm cách hỗ trợ để giúp người câm điếc giảm bớt khó khăn trong cuộc sống.

Trong phiên thảo luận ngày thứ 2 của hội nghị, vấn đề giáo dục được nhấn mạnh. Diễn giả tới từ Trung Quốc đã có bài tham luận ấn tượng với quan điểm ''tiếp cận bình đẳng với giáo dục là một vấn đề rất quan trọng'', nhất là đối với đối tượng là phụ nữ và trẻ em ở những quốc gia chậm và đang phát triển.

Về vấn đề tiếp cận công nghệ trong giới trẻ, diễn giả tới từ Singapore cho rằng công nghệ đóng vai trò hết sức quan trọng, cho phép thanh niên trên toàn thế giới có cơ hội tiếp cận nguồn tri thức một cách ''dân chủ'' và bình đẳng như nhau.

Tuy nhiên, cần có sự nhận thức đúng đắn để không bị ảnh hưởng bởi những nguồn thông tin nhiễu loạn, chưa được kiểm chứng.

Hoạt động bên lề của Hội nghị diễn ra trong hai ngày là chuyến thăm làng cổ Penglipuran, ngôi làng có hàng trăm năm tuổi, nằm trên núi với độ cao 600m so với mực nước biển. Các sinh viên có cơ hội trải nghiệm cuộc sống và sinh hoạt cộng đồng của người bản địa nơi đây.

“Tôi thực sự rất ấn tượng vào những bạn trẻ tài năng đến dự Hội nghị ngày hôm nay”, bà Retno Marsudi, Bộ trưởng Bộ ngoại giao nước Cộng hòa Indonesia phát biểu, “họ là những bạn trẻ có kiến thức, có tầm nhìn và tư tưởng vượt xa tuổi, và tôi kỳ vọng vào họ vì sự thúc đẩy dân chủ trong tương lai”.

Jenna Truong