Theo báo cáo của Bộ Giao thông vận tải, Vietnam Airlines và các cổ đông sáng lập đã hoàn thành việc thành lập Công ty CP hàng không SkyViet, vốn điều lệ là 300 tỉ đồng trên cơ sở tái cơ cấu Công ty bay dịch vụ hàng không Vasco.
Theo đó, Vietnam Airlines góp 51% vốn điều lệ bằng các tài sản của hãng này tại Vasco gồm các động cơ dự phòng máy bay và vật tư phụ tùng máy bay ATR72 và bổ sung thêm tiền mặt.
Giá trị tài sản định giá của Vietnam Airlines tại Vasco do Công ty CP định giá và dịch vụ tài chính Việt Nam thẩm định. Hai cổ đông lớn khác đến từ Ngân hàng góp vốn bằng tiền mặt là Công ty TNHH quản lý quỹ kỹ thương (Techcombank Capital) với 48% vốn điều lệ và Công ty CP phát triển dự án Techcomdeveloper 1% vốn điều lệ.
Ngày 10/3/2016, Sở Kế hoạch và Đầu tư TP.HCM đã cấp giấy phép thành lập Công ty CP hàng không SkyViet.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư không được tham vấn
Theo Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường, Bộ Giao thông vận tải đang trình Chính phủ xin cấp giấy phép kinh doanh vận chuyển hàng không cho SkyViet, theo quy định Văn phòng Chính phủ sẽ xin ý kiến các bộ ngành liên quan.
Tuy nhiên, trong văn bản trả lời việc lấy ý kiến của Văn phòng Chính phủ mới đây, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho hay cơ quan này đã không nhận được đề nghị tham gia ý kiến về quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nhà nước sau cổ phần hóa.
Máy bay ATR72 của Vasco tại sân bay Côn Đảo. ẢNH: HÙNG ĐỖ. |
Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Nghị định số 99 (về phân công, phân cấp thực hiện các quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của chủ sở hữu nhà nước với doanh nghiệp nhà nước (DNNN) và vốn nhà nước đầu tư vào doanh nghiệp) đã phân công cho các Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, có trách nhiệm tham gia ý kiến với bộ quản lý ngành về việc góp vốn, nắm giữ, tăng, giảm vốn đầu tư vào doanh nghiệp khác của tập đoàn kinh tế và tổng công ty sau cổ phần hóa.
Tuy nhiên, đề án góp vốn thành lập Hãng hàng không SkyViet của Vietnam Airlines đã không tham vấn ý kiến của cơ quan này.
Yêu cầu làm rõ nghi vấn Vietnam Airlines cố ý làm trái luật khi lập SkyViet(GDVN) - Đó là chỉ đạo của Phó Thủ tướng Trương Hòa Bình trước phản ánh của báo chí về nghi vấn làm trái pháp luật của Vietnam Airlines khi thành lập SkyViet. |
Ngoài kinh doanh vận tải hành khách và vận tải hàng hóa, Vasco còn có nhiều hoạt động kinh doanh khác như khai thác, bảo dưỡng máy bay nhỏ, dịch vụ bảo trợ khai thác máy bay và kinh doanh khách sạn, nhà nghỉ (Vasco đang kinh doanh nhà khách Vasco cách sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất gần 700 m, với 3 tầng, 30 phòng, khuôn viên 500 m2).
Do vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư đề nghị Bộ Giao thông vận tải làm rõ phương pháp xác định giá trị tài sản góp vốn, đảm bảo phù hợp với những phương pháp đã sử dụng khi xác định tài sản tương tự khi cổ phần hóa Vietnam Airlines; làm rõ căn cứ pháp lý để quyết định việc góp vốn thành lập công ty cổ phần mà không thực hiện theo quy định tại Nghị định 99.
“Bộ chủ quản cũng cần làm rõ việc xác định giá trị góp vốn của Hãng hàng không quốc gia Vietnam Airlines, bao gồm tài sản hiện hữu do Vasco đang quản lý và khai thác, kho phụ tùng vật tư ATR72-500 và động cơ dự phòng máy bay ATR72”, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ.
Đặc biệt, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng đề nghị làm rõ việc thay đổi tên doanh nghiệp từ Vasco sang SkyViet. Đó là vì, khi báo cáo Thủ tướng về kết quả tái cơ cấu Vietnam Airlines cũng như tại đề án thành lập Công ty cổ phần hàng không Vasco, tên gọi dự kiến của công ty thành lập mới là Công ty cổ phần hàng không Vasco. Thế nhưng, giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp do Sở KH-ĐT TP.HCM cấp hồi tháng 3/2016 thì tên công ty lại là Công ty cổ phần hàng không SkyViet.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cũng từ chối nêu ý kiến về việc hồ sơ xin giấy phép của Vietnam Airlines vì không nhận được hồ sơ.
Nên đấu thầu chọn nhà đầu tư
Trên thực tế, trước khi có văn bản chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, xung quanh câu chuyện cổ phần hóa Vasco, thành lập Công ty CP hàng không SkyViet còn nhiều vấn đề gây tranh cãi: Tại sao lại đổi tên sang SkyViet, định giá tài sản Vietnam Airlines tại Vasco có thấp so với thực tế?
Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải Nguyễn Hồng Trường cho biết: “Việc lựa chọn công ty thẩm định giá trị tài sản của Vietnam Airlines hoàn toàn đúng quy định, công ty cũng nằm trong danh mục các công ty thẩm định giá theo danh sách của Bộ Tài chính. Trong quá trình thành lập công ty cổ phần, Vietnam Airlines và Bộ Giao thông vận tải đã trình phương án góp vốn và được Chính phủ thông qua”.
Tuy nhiên, với một công ty đang hoạt động ổn định và có nhiều đường bay lợi thế như Vasco (sở hữu các đường bay ngắn bằng máy bay ATR đến Côn Đảo, Cà Mau, Điện Biên, Kiên Giang) gần như không có đối thủ cạnh tranh, các chỉ tiêu tài chính sau khi cổ phần hóa Vasco được đưa ra lại khá thấp.
Theo phương án kinh doanh được Vietnam Airlines đưa ra, SkyViet tiếp tục duy trì khai thác các máy bay ATR72 (Vietnam Airlines cho Vasco thuê lại 5 máy bay ATR), sản lượng vận chuyển từ tháng 1 - 9/2016 chỉ là 465.659 khách, tăng dần lên 645.445 khách năm 2017 và 650.338 khách vào năm 2018.
Đáng chú ý, dự kiến hiệu quả bay vận tải thường lệ lại đạt thấp, lỗ 7,033 tỉ đồng trong 9 tháng năm 2016, lỗ 9,95 tỉ đồng năm 2017 và 11,005 tỉ đồng năm 2018. Công ty chỉ có lãi nhờ các dịch vụ bổ trợ như quảng cáo, bán quà lưu niệm, thuê chuyến ATR, duy trì hàng không chung, dịch vụ tàu bay nhỏ… với mức lãi cũng rất khiêm tốn là 103 triệu đồng năm 2016, 592 triệu đồng năm 2017 và 1,254 tỉ đồng năm 2018.
Theo một chuyên gia trong ngành hàng không, để minh bạch, Bộ Giao thông vận tải cần làm rõ vấn đề mấu chốt tại sao việc xác định giá trị tài sản góp vốn của Vietnam Airlines tại SkyViet chỉ tương đương 153 tỉ đồng, cũng như tại sao lựa chọn 2 công ty con của Techcombank làm cổ đông chiến lược thay vì đấu thầu rộng rãi lựa chọn nhà đầu tư.