Sở GD Hòa Bình: Trường học xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ cần bám sát quy định

06/03/2024 06:32
Mạnh Đoàn
0:00 / 0:00
0:00

GDVN - Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình yêu cầu cơ sở giáo dục có nguồn thu từ cho thuê cơ sở vật chất phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ thuế...

Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình đã ban hành văn bản thực hiện kiến nghị tại kết luận của Thanh tra Sở Tài chính về công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu trong các đơn vị, trường học trực thuộc.

Thực hiện Kết luận số 11/KL-TTr ngày 01/2/2024 của Thanh tra Sở Tài chính về công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu năm 2022 của Sở Giáo dục và Đào tạo Hoà Bình, Sở Giáo dục và Đào tạo đề nghị các đơn vị, trường học trực thuộc tăng cường công tác quản lý, điều hành, sử dụng ngân sách nhà nước và các nguồn thu theo kiến nghị tại kết luận của Thanh tra Sở Tài chính.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, về việc quản lý, sử dụng ngân sách nhà nước, các đơn vị, trường học phải xây dựng Quy chế chi tiêu nội bộ bám sát vào các văn bản quy định về chế độ, chính sách đang có hiệu lực thi hành;

Các mức chi phải được qui định chi tiết, cụ thể, đúng chế độ, tiêu chuẩn, định mức quy định của văn bản nhà nước và phù hợp khả năng nguồn kinh phí đã được giao.

Hạch toán chi các hoạt động phúc lợi (như ngày lễ, tết, hiếu, hỷ, …) theo quy định.

lac-thuy.jpg
Hình ảnh minh họa. (Ảnh: Báo Hòa Bình)

"Đối với các nguồn thu từ cho thuê cơ sở vật chất yêu cầu các đơn vị thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ thuế và thiết lập các chứng từ thu – chi đảm bảo tính hợp pháp, hợp lệ", Sở Giáo dục và Đào tạo Hòa Bình chỉ đạo.

Đối với việc quản lý, sử dụng kinh phí bảo dưỡng tài sản, mua sắm trang thiết bị dạy học được thực hiện theo đúng quy định tại Thông tư 65/2021/TT-BTC ngày 29/7/2021 của Bộ Tài chính quy định về lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí bảo dưỡng, sửa chữa tài sản công.

Việc lập chi phí sửa chữa công trình, thiết bị công trình thực hiện theo điểm a, khoản 4, Điều 35 Nghị định số 06/2021/NĐ-CP ngày 26/01/2022 của Chính phủ quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng, thi công xây dựng và bảo trì công trình xây dựng.

Khi lập dự toán sửa chữa, bảo dưỡng cơ sở vật chất tên danh mục đề xuất phải đúng với tên tài sản trong sổ sách kế toán, phần mềm quản lý tài sản công. Kiểm kê, thu hồi tài sản tháo dỡ từ công trình khi thực hiện sửa chữa bảo dưỡng và thực hiện thanh lý, xử lý theo quy định.

Sau khi hoàn thành công tác sửa chữa bảo dưỡng, thực hiện ghi tăng tài sản các hạng mục theo dự toán, thiết kế được duyệt.

Theo Sở, quy trình mua sắm tài sản, hàng hóa, sửa chữa có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 100 triệu thực hiện theo quy định tại Thông tư số 58/2016/TT-BTC ngày 29/3/2016 của Bộ Tài chính.

Đối với dự toán mua sắm từ 100 triệu đồng trở lên thực hiện theo đúng quy định của Luật Đấu thầu và các văn bản quy định của cơ quan quản lý nhà nước.

Hạch toán đầy đủ các số liệu vào sổ kế toán, Báo cáo quyết toán và Báo cáo tài chính; rà soát các tài sản mua sắm, tài trợ viện trợ, cho tặng trong năm, hạch toán bổ sung tăng tài sản cố định vào sổ sách kế toán của đơn vị. Quản lý, tính hao mòn, khấu hao tài sản theo quy định tại Thông tư số 23/2023/TT-BTC ngày 25/4/2023 của Bộ Tài chính.

Mạnh Đoàn