Sơn La kiến nghị Bộ GD sớm ban hành quy định về định mức GV/lớp dạy CTGDPT mới

07/01/2023 06:40
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN-  Sơn La đề nghị không thực hiện cắt giảm biên chế đối với giáo dục để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp theo quy định để thực hiện chương trình GDPT 2018.

Theo Nghị định 116/2020/NĐ-CP, sinh viên sư phạm sẽ được nhà nước hỗ trợ 2 khoản kinh phí là học phí và sinh hoạt phí. Trong đó, tiền đóng học phí bằng mức thu học phí của cơ sở đào tạo giáo viên nơi sinh viên sư phạm theo học; mức hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng để chi trả chi phí sinh hoạt trong thời gian học tập tại trường.

Tuy nhiên, Nghị định cũng chia 2 nhóm: Nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu và nhóm sinh viên sư phạm đào tạo theo nhu cầu xã hội (không thuộc đối tượng giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu).

Nhưng một số địa phương đang có những khó khăn nhất định khi đặt hàng đào tạo giáo viên.

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, ông Nguyễn Huy Hoàng – Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết: “Việc đặt hàng đào tạo giáo viên không đồng nghĩa với việc các em sẽ trở thành giáo viên sau khi ra trường. Tức là, các em vẫn phải trải qua kỳ thi tuyển dụng viên chức.

Theo đó, các em có thể trúng tuyển hoặc không trúng tuyển; trong khi Nghị định 116 và Nghị định số 115/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ "Quy định về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức" không có bất cứ điều khoản nào quy định chế độ tuyển dụng đặc cách với những sinh viên sư phạm tốt nghiệp bằng phương thức đào tạo đặt hàng.

"Đầu vào" và "đầu ra" vẫn chưa tương thích nên chưa có tiếng nói chung. Đây cũng là lý do việc triển khai đặt hàng đào tạo giáo viên vẫn còn khó khăn”.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cũng cho biết: “Khó khăn có ảnh hưởng lớn nhất và trực tiếp đến cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên của địa phương là vấn đề kinh phí.

Bởi nếu đấu thầu hoặc đặt hàng đào tạo giáo viên hằng năm sẽ cần một phần ngân sách không nhỏ của tỉnh trong khi địa phương vẫn còn gặp nhiều khó khăn, phải cân nhắc dành nguồn lực để ưu tiên đầu tư vào các lĩnh vực khác”.

Một trong những vấn đề khó khăn của việc đặt hàng theo Nghị định 116/2020 chính là nhu cầu của ngành giáo dục cao nhưng chỉ tiêu giao biên chế thấp.

Giáo viên ở Sơn La còn thiếu, nguồn tuyển cũng hạn chế. Ảnh minh họa: Lớp ghép tại huyện Sốp Cộp. Ảnh: LC

Giáo viên ở Sơn La còn thiếu, nguồn tuyển cũng hạn chế. Ảnh minh họa: Lớp ghép tại huyện Sốp Cộp. Ảnh: LC

Nói về vấn đề này, lãnh đạo Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết: “Về nhu cầu đào tạo, theo hướng dẫn tại Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo về việc hướng dẫn thực hiện phương thức giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu đào tạo giáo viên theo nhu cầu xã hội quy định tại Nghị định số 116/2020/NĐ-CP ngày 25/9/2020 của Chính phủ thì việc phối hợp để thực hiện giao nhiệm vụ, đặt hàng hoặc đấu thầu cần căn cứ vào số lượng chỉ tiêu giao nhiệm vụ, đặt hàng của địa phương và chỉ tiêu tuyển sinh các ngành đào tạo giáo viên của các cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên.

Tuy nhiên, việc sinh viên lựa chọn chỉ tiêu của địa phương nào hay tham gia tuyển sinh đào tạo tại cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên nào thì cả địa phương và cơ sở giáo dục đào tạo giáo viên không thể xác định được.

Theo Kết luận số 41-KL/TW ngày 18/7/2022 của Bộ Chính trị về nâng cao hiệu quả công tác quản lý biên chế của hệ thống chính trị giai đoạn 2022-2026 ít nhất tinh giản 10% biên chế viên chức hưởng lương từ ngân sách nhà nước.

Mặt khác, hiện nay Ban Tổ chức Trung ương đã thực hiện giao biên chế theo giai đoạn, các tỉnh có lộ trình, giải pháp đến năm 2026 giảm số lượng viên chức theo đúng quy định.

Tại tỉnh Sơn La giảm từ 27.775 xuống 24.988, tương ứng giảm 2.777 người.

Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cũng cho rằng: “Nghị định 116/2020/NĐ-CP của Chính phủ ban hành là chủ trương đúng đắn của Đảng, Nhà nước và Chính phủ nhằm khuyến khích, hỗ trợ sinh viên theo học sư phạm (nhất là đối với sinh viên có hoàn cảnh khó khăn) được hỗ trợ sinh hoạt phí để tham gia học tập; tuy nhiên việc triển khai thực hiện vẫn còn gặp một số khó khăn, vướng mắc về cơ chế, chính sách như đã nêu trên”.

Một vấn đề khiến các địa phương khá đau đầu chính là vấn đề bồi hoàn kinh phí, nêu quan điểm về vấn đề bồi hoàn kinh phí, ông Nguyễn Huy Hoàng cho rằng:

Về bồi hoàn kinh phí: Theo hướng dẫn tại Công văn số 1891/BGDĐT-GDĐH ngày 11/5/2021 của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các sinh viên sư phạm không phải bồi hoàn là sinh viên sư phạm công tác trong ngành giáo dục và có thời gian công tác tối thiểu gấp 02 lần thời gian đào tạo tính từ ngày tuyển dụng trong thời hạn 02 năm kể từ ngày có quyết định công nhận tốt nghiệp.

Như vậy, sinh viên sư phạm do tỉnh Sơn La đặt hàng có thể công tác trong ngành giáo dục tại các tỉnh khác, từ đó việc tính bồi hoàn kinh phí sẽ khó thực hiện khi chưa rõ ràng về đơn vị thực hiện tính toán, thu hồi tiền bồi hoàn”.

Từ thực tiễn đặt ra, vấn đề ưu tiên đào tạo giáo viên mầm non, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo Sơn La cho biết:

“Đối với đào tạo giáo viên mầm non, Ủy ban nhân dân tỉnh Sơn La thực hiện việc giao nhiệm vụ cho Trường Cao đẳng Sơn La thực hiện việc đào tạo giáo viên mầm non theo quy định tại Nghị định 116/2020/NĐ-CP và hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

Về cơ chế đặt hàng đào tạo giáo viên, Sở Giáo dục và Đào tạo đã có văn bản đề nghị Ủy ban nhân dân các huyện/thành phố rà soát nhu cầu phát triển giáo dục của địa phương giai đoạn 2023-2026 và nhu cầu biên chế giáo viên để làm căn cứ tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh triển khai việc đặt hàng đào tạo giáo viên theo quy định.

Sơn La đề nghị không thực hiện cắt giảm biên chế đối với viên chức sự nghiệp giáo dục để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp theo quy định để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC

Sơn La đề nghị không thực hiện cắt giảm biên chế đối với viên chức sự nghiệp giáo dục để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp theo quy định để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018. Ảnh minh họa: LC

Trên cơ sở những khó khăn, vướng mắc khi triển khai nghị định Nghị định 116/2020/NĐ-CP, ngành Giáo dục và Đào tạo Sơn La đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo sớm ban hành văn bản quy định về định mức giáo viên/lớp để thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông 2018, trong đó quan tâm đối với định mức giáo viên các môn học mới.

Bên cạnh đó, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Nội vụ có cơ chế tuyển dụng đối với các sinh viên được đào tạo theo hình thức đặt hàng của các địa phương.

Mặt khác, đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo có văn bản hướng dẫn cụ thể về đơn vị thực hiện tính toán và thu hồi tiền bồi hoàn của sinh viên.

Đề nghị không thực hiện cắt giảm biên chế đối với viên chức sự nghiệp giáo dục để đảm bảo đủ giáo viên đứng lớp theo quy định để thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Lại Cường