Nên chi trả hỗ trợ cho sinh viên sư phạm diện NĐ 116 theo học kỳ hay theo tháng?

23/11/2022 06:46
Ngân Chi
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chi trả hỗ trợ cho sinh viên thuộc diện dặt hàng chậm hơn nhu cầu xã hội, do nhà trường cần gửi kết quả học tập, địa phương mới chuyển kinh phí.

Rà soát thường xuyên, phòng trường hợp nhận hỗ trợ kiểu vụ lợi

Trao đổi với phóng viên Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Thạc sĩ Phương Hà Xuyên - Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên (Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương) cho biết: “Năm đầu tiên triển khai thực hiện Nghị định 116 cho khóa sinh viên K21 - tức là năm học phải dừng đến trường do dịch bệnh Covid-19, tuyển sinh online, học online... nên rất khó khăn.

Bởi, nếu sinh viên đi học trực tiếp, thì nhà trường có thể trực tiếp hướng dẫn sinh viên làm các thủ tục, cần chuẩn bị những gì, thực hiện ra sao... thì sẽ không vất vả. Nhưng vì sinh viên nghỉ học trực tiếp tại trường, cho nên, để giúp các em hiểu được về Nghị định 116, thực hiện theo các bước hướng dẫn, chuẩn bị hồ sơ như thế nào, truy cập trang web ra sao, thời hạn quy định như thế nào, thủ tục mở tài khoản online..., chúng tôi phải tổ chức các buổi họp online cho 100% sinh viên tham dự. Với khoảng 1.300 sinh viên, chúng tôi phải chia sinh viên thành 2 buổi hướng dẫn khác nhau.

Đồng thời, do trong năm học vừa rồi, nhà trường tiếp nhận hồ sơ qua chuyển phát nhanh trong bối cảnh dịch bệnh, nên sẽ phải căn chỉnh thời gian để đảm bảo thời hạn cho sinh viên”.

Thạc sĩ Phương Hà Xuyên - Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên (Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương). Ảnh: NVCC.

Thạc sĩ Phương Hà Xuyên - Trưởng phòng Công tác Học sinh, sinh viên (Trường Cao đẳng Sư phạm trung ương). Ảnh: NVCC.

“Hiện tại, Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương thực hiện cho sinh viên nhận hỗ trợ theo học kỳ, bởi thực tế, nếu nhận hỗ trợ theo tháng, sẽ gặp rất nhiều khó khăn trong việc kiểm soát số lượng sinh viên nghỉ học và đang theo học, nhất là đối với sinh viên đào tạo theo tín chỉ.

Mà có những sinh viên nghỉ thường xuyên, nghỉ nhiều, sẽ có thể xảy ra chuyện thất thoát số tiền hỗ trợ, rất khó để truy hồi.

Có những sinh viên đang hưởng chế độ, nhưng lại xin nghỉ học, xin bảo lưu vì một lý do nào đó, chẳng hạn gia đình có hoàn cảnh, có lý do chính đáng... thì khi có quyết định bảo lưu, các em sẽ không được hưởng chế độ. Đến khi sinh viên quay trở lại học tập, khi phòng đào tạo đã có quyết định tiếp nhận sinh viên học tập tại lớp nào cụ thể, thì sinh viên đó sẽ tiếp tục được hưởng chế độ như bình thường.

Nhưng cũng có những trường hợp sinh viên bảo lưu xong lại nghỉ hẳn, vượt quá thời hạn tối đa được bảo lưu. Đối với phần hỗ trợ các em đã hưởng trong thời gian học tập trước đó, địa phương sẽ xem xét, tùy vào điều kiện hoàn cảnh, nếu thực sự các em có lý do chính đáng không cho phép tiếp tục học tập, thì sẽ xem xét về mức bồi thường. Đó là chính sách nhân văn của Nhà nước. Việc truy hồi lại khoản tiền hỗ trợ này là trách nhiệm của các địa phương và nhà trường. Nhà trường sẽ phối hợp qua việc thống kê số lượng sinh viên cả địa phương học tập tại trường được hưởng chế độ này.

Tất cả thông tin được nhà trường rà soát thường xuyên vào ngày 25 hằng tháng, đặc biệt để phòng trường hợp có sinh viên đi học theo kiểu nửa vời, ý thức kém, đến điểm danh xong về hoặc đi học một vài buổi lại nghỉ... cần phải theo dõi để phản ánh kịp thời, xem xét chế độ của những em này. Bởi vì, chế độ hỗ trợ của Nhà nước là “mồ hôi công sức”, nếu các em không biết trân trọng, mà hưởng chế độ theo kiểu vụ lợi thì không được” - Thạc sĩ Phương Hà Xuyên thông tin thêm.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Trần Đình Tuấn - Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương cho biết: “Trường triển khai tốt do trực thuộc Bộ, nên có nguồn kinh phí gửi về kịp thời. Trong năm học 2021-2022, cơ bản có khoảng 90% sinh viên hưởng hỗ trợ từ Nghị định 116. Và những sinh viên đã làm đơn đều được nhận hỗ trợ 100%. Năm học 2022-2023, toàn trường có khoảng 1.000 sinh viên sư phạm, và cũng có rất ít sinh viên không đăng ký nhận hỗ trợ”.

Về nội dung này, đại diện phòng Kế hoạch - Tài chính (Trường Cao đẳng Sư phạm Trung ương) cho biết: “Đối với một số trường sư phạm có sinh viên thuộc diện đặt hàng của các địa phương, có thể sẽ gặp vướng mắc trong quá trình chi trả hỗ trợ.

Riêng đối với nhà trường, là một trong ba trường cao đẳng trực thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, không có sinh viên thuộc diện đặt hàng, toàn bộ sinh viên đào tạo theo nhu cầu xã hội, nên được bố trí kinh phí trực tiếp từ phía Bộ. Phần kinh phí này được chi trả rất kịp thời cho sinh viên sư phạm của nhà trường”.

Trường ứng kinh phí chi trả hỗ trợ cho sinh viên

Trao đổi với phóng viên, Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc - Trưởng phòng Tài vụ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2) cho biết: “Việc chi trả hỗ trợ cho sinh viên sư phạm theo đơn đặt hàng của các địa phương hiện nay, dựa trên việc phải có kết quả học tập từ nhà trường gửi về, địa phương mới chuyển được kinh phí, cho nên việc chi trả sẽ chậm hơn của nhu cầu xã hội.

Tuy nhiên, theo cá nhân tôi, việc chi trả hỗ trợ này được thực hiện vào lúc kết thúc học kỳ, cùng thời điểm với trao học bổng cho sinh viên, cũng là điều hết sức hợp lý”.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc - Trưởng phòng Tài vụ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: hpu2.edu.vn.

Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc - Trưởng phòng Tài vụ (Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2). Ảnh: hpu2.edu.vn.

“Đối với năm học 2021-2022, nhà trường thậm chí còn ứng cả kinh phí ra để chi trả hỗ trợ cho sinh viên trước khi địa phương gửi về, để các em đảm bảo sinh hoạt, đảm bảo việc học tập.

Hiện tại, về nhu cầu kinh phí, nhà trường cũng đang trình Nhà nước cấp bổ sung, vì đầu năm giao chỉ là dự kiến. Tất nhiên, nhà trường cũng đã bố trí nguồn kinh phí để ứng trước chi trả cho các em. Hoàn toàn bình thường về góc độ tài chính. Các địa phương đặt hàng thì phải có kết quả học tập từ cơ sở đào tạo gửi về thì mới có thể gửi kinh phí.

Tất nhiên, cũng có những sinh viên không muốn nhận hỗ trợ vì những ràng buộc sau khi ra trường”.

“Không thấy vướng mắc ở việc tiếp nhận và chi trả. Nhưng lại rất băn khoăn ở trách nhiệm thu hồi kinh phí hỗ trợ của các sinh viên thôi học, chuyển trường khác. Trong các hội nghị, chúng tôi cũng thấy các Sở Giáo dục và Đào tạo than khó về khâu này, như vậy rất vất vả cho các địa phương.

Theo tôi, chính sách rất tích cực, tuy nhiên, trong quá trình triển khai, vẫn có những điểm, những khâu vướng mắc, cần được góp ý và điều chỉnh” - Thạc sĩ Nguyễn Hoàng Ngọc chia sẻ.

Ngân Chi