Sứ mệnh của nhà giáo qua “lăng kính” Đại biểu Quốc hội là giáo viên

20/11/2022 06:50
Mộc Trà
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Đứng trước yêu cầu của chương trình GDPT 2018 trong bối cảnh phát triển theo xu hướng công nghệ số, vai trò và sứ mệnh của nhà giáo ngày càng được đề cao.

Nhân dịp kỷ niệm 40 năm ngày Nhà giáo Việt Nam (20/11/1982-20/11/2022), Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam có cuộc trò chuyện về sứ mệnh nhà giáo qua “lăng kính” của một số Đại biểu Quốc hội đã và đang gắn bó với sự nghiệp “ươm mầm” tương lai.

Dịch COVID-19 là chất xúc tác chuyển đổi số trong giáo dục

Nhìn lại những kết quả bước đầu của giai đoạn đổi mới giáo dục, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ đánh giá: “Có thể thấy năm học 2020-2021 là năm đầu tiên áp dụng chương trình giáo dục phổ thông mới với học sinh lớp 1, lại đúng thời điểm đại dịch COVID-19 diễn ra phức tạp khiến việc triển khai thực hiện ở các trường gặp nhiều khó khăn trong bối cảnh việc dạy học phải diễn ra trên nền tảng trực tuyến.

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Bên cạnh đó, ban đầu, tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn về vấn đề cơ sở vật chất, thiết bị dạy học, yếu tố con người… để đáp ứng việc dạy học chương trình giáo dục phổ thông mới. Nhưng nhờ sự quan tâm của cả hệ thống chính trị và Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có những chỉ đạo sát sao, điều chỉnh, đưa ra các phương án, giải pháp để việc thực hiện chương trình này đạt hiệu quả.

Tổng hợp kết quả từ các địa phương về kết quả đánh giá cuối năm học 2020-2021 cho thấy, tất cả các trường tiểu học đã hoàn thành chương trình theo đúng kế hoạch, chất lượng học sinh lớp 1 đảm bảo theo chuẩn đầu ra, yêu cầu cần đạt của chương trình, có một số mặt nổi trội hơn so với chương trình hiện hành. Học sinh mạnh dạn, tự tin hơn, dám thể hiện quan điểm của mình, biết nêu quan điểm qua tiết học. Các em cơ bản đã đọc thông viết thạo ngay trong học kỳ I và được củng cố tăng cường bền vững ở học kỳ II.

Đặc biệt là sự chủ động, đổi mới sáng tạo của các thầy cô giáo, ngành giáo dục đã biến nguy thành cơ, biến thách thức thành cơ hội, vừa chống dịch nhưng vừa hoàn thành các nhiệm vụ đặt ra.

Bản thân là một cô giáo vùng cao, tôi cảm nhận rất rõ những chuyển biến tích cực này ở địa phương mình - nơi còn gặp phải nhiều khó khăn về yếu tố địa lý, kinh tế - xã hội”.

Một lớp học giữa “đỉnh trời” ở Điện Biên chỉ vỏn vẹn 4-5 học sinh. Ảnh: Mộc Trà.

Một lớp học giữa “đỉnh trời” ở Điện Biên chỉ vỏn vẹn 4-5 học sinh. Ảnh: Mộc Trà.

“Điều đặc biệt ấn tượng trong tôi khi nhắc đến giai đoạn vừa qua, chính là chuyển đổi số trong giáo dục. Đại dịch COVID-19 giống như chất xúc tác khiến cho quá trình này diễn ra nhanh hơn, không phải chỉ ở giáo viên mà còn là sự thích ứng nhanh nhạy ở phụ huynh và các em học sinh.

Qua đó, bản thân tôi cũng học được nhiều kỹ năng dạy học và quản lý trực tuyến, hiểu về học sinh của mình hơn… Nhiều em học sinh của tôi cũng chia sẻ rằng, trải qua thời gian học trực tuyến, đều cảm thấy trân quý những tiết học trực tiếp ở trường hơn”, nữ Đại biểu nhấn mạnh.

Đồng tình với ý kiến trên, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị cũng chia sẻ: “Nhìn lại sau hai năm đại dịch COVID-19, nền giáo dục của Việt Nam phải đối mặt với những khó khăn, thách thức nhất định, nhưng vẫn có thành tựu, những bước ngoặt đáng ghi nhận.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá cao những thành tựu, những bước ngoặt đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong hai năm qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Trị đánh giá cao những thành tựu, những bước ngoặt đáng ghi nhận của ngành giáo dục trong hai năm qua. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo kết quả xếp hạng các quốc gia tốt nhất về giáo dục năm 2021 của USNEWS, Việt Nam xếp thứ 59, tăng 5 bậc so với năm 2020. Đây là chuyển biến tích cực của ngành giáo dục Việt Nam được tổ chức quốc tế công nhận và xếp hạng.

Mặc dù đâu đó vẫn có tình trạng sách không đáp ứng được cho người học, tuy nhiên, trong đổi mới, giai đoạn ban đầu có thể còn gặp nhiều khó khăn, nhưng ít nhiều, những “hạt sạn” của sách giáo khoa về cơ bản đã được khắc phục dần qua từng năm.

Một mặt tích cực nữa, trải qua đại dịch COVID-19, hệ thống học trực tuyến hiện vẫn được duy trì, mở rộng kết nối, thậm chí tạo ra những “lớp học không biên giới”, học tập, trao đổi và sẻ chia cùng thầy cô và học sinh của các nước trên thế giới. Vai trò của người thầy cũng ngày càng được nâng lên trong bối cảnh công nghệ số như hiện nay...”.

Bên cạnh những “điểm sáng” của ngành giáo dục, Đại biểu Hồ Thị Minh cũng chỉ ra một số hạn chế trong giai đoạn vừa qua: Đến nay, vẫn có rất nhiều trường học ở vùng sâu, vùng xa không có máy tính phục vụ môn Tin học, phải huy động xã hội hóa, phải kêu gọi tài trợ từ các nhà hảo tâm... Việc trang bị một cách đồng bộ, để học sinh học Tin học và tiếp cận với máy tính, với công nghệ số còn đang rất khó khăn đối với vùng khó. Khi học trò không có máy tính để học, thầy cô cũng bị hạn chế trong tiếp cận, giảng dạy và truyền đạt cho học sinh. Đây là việc cần phải được khắc phục ngay để đáp ứng nhu cầu giáo dục trong bối cảnh công nghệ số.

Sứ mệnh của nhà giáo trong bối cảnh mới

Chia sẻ quan điểm về sứ mệnh nhà giáo trong bối cảnh hội nhập và phát triển, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng bày tỏ: “Đối với tôi, chương trình giáo dục phổ thông 2018 nếu muốn đạt được mục tiêu phát triển các năng lực và phẩm chất toàn diện ở người học, người thầy cần đóng nhiều vai trò hơn, khi là người hướng dẫn, khi là huấn luyện viên, khi là bạn, một người cố vấn, một thành viên gia đình, đôi lúc còn là học sinh…

Điều đó đòi hỏi sự chủ động, sáng tạo, kiên trì phát triển chuyên môn ở người dạy, luôn phải cập nhật các kiến thức, kỹ năng và những vấn đề liên quan đến người học để việc dạy và học đạt hiệu quả cao hơn”.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nhận định, trong lúc ngành giáo dục cũng như các lĩnh vực khác đang phải đương đầu với dịch bệnh COVID-19, đội ngũ giáo viên đã nỗ lực thích ứng và bước qua giai đoạn này với nhiều dấu ấn đáng kể.

“Các thầy cô giáo dù ở lứa tuổi nào, mới ra trường hay công tác lâu năm đều cập nhật ứng dụng công nghệ thông tin vào giảng dạy, kết hợp sáng tạo nhiều ứng dụng công nghệ vào việc truyền thụ kiến thức, giao bài tập, kiểm tra, đánh giá và khích lệ học sinh.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, khi dạy học trực tuyến, nhiều thầy cô cũng đã “chuyển mình” từ cách dạy truyền thụ một chiều sang “lấy học sinh làm trung tâm”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Theo Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà - Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh, khi dạy học trực tuyến, nhiều thầy cô cũng đã “chuyển mình” từ cách dạy truyền thụ một chiều sang “lấy học sinh làm trung tâm”. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

Khi dạy học trực tuyến, nhiều thầy cô cũng đã “chuyển mình” từ cách dạy truyền thụ một chiều sang “lấy học sinh làm trung tâm” bằng cách tạo ra nhiều hoạt động cặp, nhóm để việc học bớt nhàm chán. Theo góc nhìn tích cực, học sinh cũng được rèn luyện tính chủ động, tự giác trong học tập, tìm kiếm tài liệu học tập”, Đại biểu Nguyễn Thị Hà phân tích.

“Đặc biệt, trong chương trình giáo dục phổ thông 2018, có môn tích hợp là môn học mới, đòi hỏi sự kết hợp kiến thức, kỹ năng của 2-3 môn khác nhau.

Để nói về môn học này, trước hết, việc giảng dạy các môn tích hợp là phù hợp với xu thế đào tạo tối ưu hoá lý luận, giúp học sinh phát triển năng lực toàn diện.

Tuy nhiên, do đa phần giáo viên hiện nay chỉ được đào tạo bài bản ở một phân môn, nên khi đưa môn học tích hợp vào giảng dạy, giáo viên còn bỡ ngỡ, chưa tự tin khi dạy kiến thức nhiều lĩnh vực trong một tiết dạy. Để tháo gỡ “nút thắt” này, cần một lộ trình đào tạo giáo viên bài bản, nội dung yêu cầu chương trình hợp lý.

Nhưng trước mắt, các tổ bộ môn trong tổ hợp môn tích hợp cần tăng cường giao lưu, sinh hoạt chuyên môn để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm, bổ trợ kiến thức cho nhau”, nữ Đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Ninh nêu quan điểm.

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu được khoảng 3 tháng, song, khó khăn lớn nhất của các nhà trường vẫn là thiếu giáo viên, đặc biệt trong việc bố trí giáo viên dạy các môn tích hợp.

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu được khoảng 3 tháng, song, khó khăn lớn nhất của các nhà trường vẫn là thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu được khoảng 3 tháng, song, khó khăn lớn nhất của các nhà trường vẫn là thiếu giáo viên. Ảnh minh họa: Mộc Trà.

Về vấn đề này, Đại biểu Quốc hội Hồ Thị Minh bày tỏ: “Tôi không biết đối với các tỉnh thành lớn việc triển khai giáo viên dạy các môn tích hợp ra sao, nhưng đối với một tỉnh nghèo như Quảng Trị, đặc biệt là ở các huyện miền núi khó khăn, thì việc triển khai gặp rất nhiều thách thức.

Thực tế hiện nay, chúng ta chưa có giáo viên được đào tạo để dạy tích hợp, mà mới chỉ tập huấn cho giáo viên vào dịp hè để có thể dạy theo chương trình đổi mới sách giáo khoa. Kết quả, dẫn đến hầu hết các thầy cô bị cuốn theo chương trình mới mà không có thời gian để hài hòa công việc. Trong khi đó, có một bất cập lớn là công việc nhiều lên nhưng lương vẫn thấp, buộc giáo viên phải xao nhãng công việc gia đình để tập trung chuyên môn, dẫn đến muôn vàn áp lực”.

“Chính vì thế, tôi cho rằng, hiện nay, khi chương trình giáo dục phổ thông 2018 đã đòi hỏi một đội ngũ giáo viên đáp ứng, thì phía các trường đào tạo sư phạm cần chủ động hơn nữa trong công tác tuyển sinh và đào tạo giáo viên tương lai.

Bản thân các trường đào tạo sư phạm phải nhìn thấy được ở ngành có những chuyển biến như thế nào, đòi hỏi đầu ra ra sao,... để có phương án tuyển sinh phù hợp, chọn lựa thí sinh theo những tiêu chí riêng và đổi mới kế hoạch đào tạo, đáp ứng nhu cầu đào tạo.

Bởi lẽ, đội ngũ giáo viên đã và đang được đào tạo vẫn chỉ theo chương trình cũ, mô hình cũ, tinh thần cũ..., có tập huấn cũng chỉ mang tính “đối phó”, chỉ là giải pháp tình thế. Về lâu dài, chúng ta cần đội ngũ cán bộ quản lý và đội ngũ giáo viên chuẩn hóa. Câu chuyện này, nếu bây giờ mới bắt đầu bàn đến, thì cũng đã là muộn, nhưng thà muộn còn hơn không làm”, vị Đại biểu nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà lại cho rằng: “Các trường đào tạo khối ngành sư phạm nếu cần xét những yếu tố ngoài bài thi các môn văn hoá, cũng có thể thêm các tiêu chí phụ trong xét tuyển hoặc tổ chức khảo sát hoặc sát hạch năng lực đặc thù mà ngành đó cần. Việc tổ chức một kỳ thi riêng cần phải cân nhắc kỹ lưỡng vì nó đòi hỏi sự thống nhất, phối hợp nhịp nhàng của nhiều bên liên quan.

Để đáp ứng yêu cầu của chương trình mới, các trường đại học đào tạo sư phạm nên xây dựng chương trình có các môn học mới trang bị cho sinh viên các kiến thức, kỹ năng để có thể thích ứng và chủ động trước những phát triển của thế giới và trong nước”.

Chăm lo cho nhà giáo để yên tâm với sứ mệnh

Bên cạnh những sứ mệnh của nhà giáo với những yêu cầu đổi mới đáp ứng chương trình giáo dục phổ thông 2018, vấn đề “sức sống” của nghề giáo cũng trở thành “tâm điểm” của dư luận trong thời gian qua. Thông tin trên báo chí đã đề cập đến không ít giáo viên phải nghỉ việc, chỉ vì “lương không đủ sống”, khiến giáo viên ở các nhà trường, các địa phương lâm vào tình trạng thiếu càng thêm thiếu.

Giáo viên vùng khó vừa kiêm luôn vai trò “cô nuôi” tại điểm bản, vừa kết hợp dạy kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà.

Giáo viên vùng khó vừa kiêm luôn vai trò “cô nuôi” tại điểm bản, vừa kết hợp dạy kỹ năng sống cho học sinh. Ảnh: Mộc Trà.

Liên quan đến nội dung này, chia sẻ với phóng viên, Đại biểu Quốc hội Hà Ánh Phượng cho biết: “Tôi đã nhận được những phản ánh từ phía cử tri về vấn đề này, không chỉ những thầy cô đứng lớp mà còn là đội ngũ nhân viên trường học đang công tác tại khu vực khó khăn, vùng núi như chúng tôi.

Khi lắng nghe những tâm tư đó, tôi rất thấu hiểu những suy nghĩ của họ. Trên thực tế, có nhiều thầy cô, nhân viên nhà trường, mức lương chưa đảm bảo cuộc sống, sau giờ làm họ lại về nhà chăn nuôi, tăng gia sản xuất, người thì bán hàng online kiếm thêm thu nhập... Trong điều kiện địa lý, kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn như vậy với một số thầy cô rất khó để chuyên tâm việc dạy và phát triển chuyên môn.

Niềm vui của giáo viên “cắm bản” là được chăm sóc những mầm non. Ảnh: Mộc Trà.

Niềm vui của giáo viên “cắm bản” là được chăm sóc những mầm non. Ảnh: Mộc Trà.

Họ mong muốn được có những chế độ đãi ngộ tốt hơn để chuyên tâm công tác. Vấn đề này cũng đã được tôi cũng như nhiều đại biểu hội đưa ra kiến nghị trong các kỳ họp của Quốc hội.

Bản thân tôi cũng thật sự mong muốn, không chỉ giáo viên ở vùng núi mà giáo viên, nhân viên đang công tác trong ngành giáo dục có thể “sống được bằng lương”, có thể yên tâm công tác, yên tâm cống hiến”.

“Nhân ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11, tôi xin chúc các đồng nghiệp trên mọi miền Tổ quốc luôn dồi dào sức khỏe, để hằng ngày dìu dắt các em học sinh thân yêu. Chúc các thầy cô dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng vẫn giữ được tâm sáng và vững vàng trong sự nghiệp trồng người”, Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Hà nhắn nhủ.

Mộc Trà