Cho đến cuối thế kỷ 19, khi hệ thống giáo dục công lập chưa hình thành, thì ở mọi quốc gia trên thế giới, dạy học được quan niệm là công việc ai cũng có thể làm được miễn là người đó có trình độ văn hóa nhất định. Dạy học là một công việc mang nặng tính nghiệp dư và giáo viên được quan niệm thuần túy là người lao động, tuân theo một số hướng dẫn về những việc phải làm. Tuy nhiên, về phương diện xã hội, trong bối cảnh giáo dục chưa phát triển, nhà giáo thuộc top 5% những người biết chữ trong dân cư nên nhà giáo được xã hội tôn kính vì sự thông thái và đức độ.
Bước sang thế kỷ 20, với sự hình thành của hệ thống giáo dục công lập, quan điểm về nhà giáo có sự thay đổi. Nhà giáo trường công lập ở hầu như mọi nước trên thế giới được coi là viên chức với những nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của người ăn lương nhà nước. Về phương diện xã hội, dù rằng tỷ lệ biết chữ trong dân cư ngày càng gia tăng, nhưng nhà giáo cùng với sách báo vẫn được coi là trung tâm của tri thức và được xã hội tôn trọng.
Vị thế nhà giáo được xác định từ hai góc độ: Một mặt là sự đánh giá cao của Nhà nước và xã hội đối với tầm quan trọng của giáo dục và sự trọng thị của Nhà nước và xã hội đối với vai trò của nhà giáo trong việc thực thi giáo dục. Ảnh minh họa |
Trong bối cảnh nói trên, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hoá Liên Hợp Quốc (UNESCO) cùng với Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO) đã ban hành Khuyến nghị năm 1966 về vị thế giáo viên và tiếp đó là Khuyến nghị năm 1997 về vị thế của giáo chức đại học.
Theo đó, vị thế nhà giáo được xác định từ hai góc độ: Một mặt là sự đánh giá cao của Nhà nước và xã hội đối với tầm quan trọng của giáo dục và sự trọng thị của Nhà nước và xã hội đối với vai trò của nhà giáo trong việc thực thi giáo dục; mặt khác là các điều kiện làm việc, sự đãi ngộ và những lợi ích vật chất khác mà Nhà nước và xã hội cần bảo đảm để nhà giáo thực thi nhiệm vụ của mình.
Những khuyến nghị nêu trên xác lập quan điểm cơ bản về vai trò to lớn của giáo dục đối với sự phát triển cá nhân, tăng trưởng kinh tế và tiến bộ xã hội. Từ đó xác lập quan điểm về nhà giáo tại Điều 5 của Khuyến nghị năm 1966 như sau: “Vị thế của nhà giáo phải tương xứng với các nhu cầu được thể hiện ở mục đích, mục tiêu giáo dục; do vậy, vị thế thích hợp của nhà giáo và sự tôn trọng của công chúng đối với nghề dạy học có tầm quan trọng thiết yếu trong việc thực thi mục tiêu, mục đích giáo dục”.
Quan điểm về nhà giáo khi bước sang thế kỷ 21
Vào hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, dưới tác động của toàn cầu hóa, kinh tế tri thức và cách mạng công nghệ thông tin, thì quan điểm về vai trò của giáo dục được tăng cường: Giáo dục được coi là một trong bốn cột đỡ chính tạo nên nền kinh tế tri thức, giáo dục vừa là động lực của phát triển kinh tế vừa là chìa khoá để giải quyết các vấn đề xã hội. Tuy không chính thức tuyên bố, nhưng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của các quốc gia, giáo dục luôn được coi là quốc sách hàng đầu.
Đặc biệt khi bước sang thế kỷ 21, trước các cơ hội và thách thức của cách mạng công nghiệp lần thứ tư, giáo dục được coi là nền tảng chuẩn bị cho thế hệ tương lai những năng lực cần thiết để sẵn sàng với những việc làm chưa hề có, ứng phó với những đổi mới công nghệ chưa từng biết đến. Chìa khóa mở cánh cửa giáo dục đó nằm trong tay nhà giáo và vì thế, nhà giáo trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ảnh minh họa |
Tiếp sau các Khuyến nghị của UNESCO/ILO rất nhiều nghiên cứu khoa học về vai trò và tầm quan trọng của nhà giáo đã được các tổ chức quốc tế như Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Ngân hàng Thế giới (WB), Viện Học tập suốt đời của UNESCO (UIL), Tổ chức các Chỉ báo Giáo dục Thế giới (WEI), Tổ chức Quốc tế Giáo dục (EI) công bố. Đáng quan tâm là Hội nghị thượng đỉnh quốc tế về nghề dạy học được tổ chức thường niên, kể từ năm 2011 ở New York, để chia sẻ kinh nghiệm và kết quả nghiên cứu khoa học về mọi khía cạnh liên quan đến nhà giáo và nghề dạy học đã góp phần làm rõ những quan điểm về nhà giáo mà mọi quốc gia có thể tham khảo, học tập.
Về cơ bản các quan điểm đó bao gồm:
Một là, không có hệ thống giáo dục nào vượt qua được chất lượng đội ngũ nhà giáo trong hệ thống đó [1].
Hai là, chất lượng của một hệ thống giáo dục phụ thuộc vào chất lượng đội ngũ nhà giáo; nhưng chất lượng của nhà giáo không thể vượt quá chất lượng của các chính sách định hình môi trường làm việc của họ trong trường và quy định cách thức lựa chọn, tuyển dụng và phát triển họ [2].
Ba là, tính đặc thù trong lao động của nhà giáo được nhận dạng theo phân loại sau về các nhiệm vụ. Nhiệm vụ đơn giản là nhiệm vụ mà việc thực thi dựa vào một lời giải hoặc quy trình đã có sẵn. Nhiệm vụ phức tạp là nhiệm vụ mà việc thực thi đòi hỏi nhiều công sức trong việc tìm lời giải, nhưng một khi lời giải đã tìm được thì có thể vận dụng thành công trong mọi trường hợp tương tự. Nhiệm vụ phức hợp là nhiệm vụ mà việc thực thi đòi hỏi luôn luôn tìm lời giải dù rằng các trường hợp là tương tự. Theo nghĩa đó, lao động nhà giáo là lao động phức hợp bởi lẽ việc giảng dạy thành công cho một học sinh nào đó, lớp học nào đó, không có gì bảo đảm để việc đó tiếp tục thành công cho học sinh khác, lớp học khác [3].
Bốn là, nhà giáo trong các nhà trường công lập không chỉ là viên chức nhà nước mà còn là nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục. Quản lý nhà giáo không chỉ theo mô hình quản lý nhân sự mà còn phải theo mô hình quản lý nguồn nhân lực [4].
Năm là, quản lý nhà giáo không thể quản lý như quản lý các nhân viên phòng thuế. Áp dụng tư duy đồng nhất và hàng loạt trong quản lý đội ngũ nhân lực quan trọng nhất của quốc gia sẽ dẫn đến một cơ chế xơ cứng, máy móc và vô cảm mà hậu quả là trói buộc tính chuyên nghiệp của nhà giáo, kìm hãm năng lực sáng tạo của họ, làm thui chột động lực và lòng yêu nghề của họ. Quản lý nhà giáo cần một khung pháp lý tinh tế và chuyên biệt, trong đó nhà giáo, cả công lập và tư thục, thấy được chính mình, nghề nghiệp của mình, sứ mệnh của mình, con đường thăng tiến của mình, có vậy mới đem lại sự thành công cho người học và sự hài lòng của xã hội [5].
Sáu là, nhà giáo không chỉ là một phương tiện để thực hiện các mục tiêu giáo dục; nhà giáo chính là chìa khóa cho sự bền vững và năng lực quốc gia trong việc đạt được các chuẩn đầu ra của giáo dục và kiến tạo các xã hội dựa trên kiến thức, giá trị và đạo đức. Vì lý do này, vị thế nghề nghiệp của nhà giáo phải được đề cập đến như là một yếu tố chủ chốt của mục tiêu giáo dục [6].
Bảy là, chỉ số vị thế nhà giáo đã đem lại bằng chứng học thuật cho cái mà chúng ta vẫn hiểu một cách bản năng: mối liên hệ giữa vị thế nhà giáo trong xã hội với kết quả học tập của học sinh trong trường. Giờ đây chúng ta có thể nói không chút do dự rằng tôn trọng nhà giáo không chỉ là một nghĩa vụ đạo đức quan trọng, nó còn là thiết yếu cho các chuẩn đầu ra của giáo dục một nước [7].
Tám là, hôm nay, mai sau và cả một thế hệ nữa, vị thế của nhà giáo gắn liền với vị thế của hệ thống giáo dục, với các điều kiện của người học và gia đình họ, và với tiến bộ toàn cầu trong phát triển bền vững [8].
Những thay đổi nêu trên trong quan điểm về nhà giáo dẫn đến những thay đổi quan trọng trong quản lý nhà nước về nhà giáo.
Hôm nay, mai sau và cả một thế hệ nữa, vị thế của nhà giáo gắn liền với vị thế của hệ thống giáo dục. Ảnh minh họa |
Quản lý nhà nước về nhà giáo
Việc hình thành hệ thống giáo dục công lập là một trong những đặc trưng nổi bật của sự phát triển giáo dục trong thế kỷ 20. Nó kéo theo những yêu cầu mới, đặc trưng mới đối với nhà giáo. Trước hết nhà giáo phải được đào tạo để có những phẩm chất và năng lực cần thiết trong dạy học. Tiếp nữa, nhà giáo trường công lập ở hầu như mọi nước trên thế giới phải được coi là viên chức với những nghĩa vụ, trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của người ăn lương nhà nước. Đặc biệt trong bối cảnh của những cải cách giáo dục liên tục gắn liền với các xu thế đổi mới giáo dục cuối thế kỷ 20, nhà giáo phải là người đóng vai trò chính trong việc thực hiện các yêu cầu cải cách để đưa cải cách giáo dục đến thành công.
Ảnh minh họa |
Quản lý nhà nước về nhà giáo hình thành và phát triển trong bối cảnh đó. Nhiệm vụ của nó là tạo ra một hành lang pháp lý để có một đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng, bảo đảm về chất lượng, hợp lý về cơ cấu trong những giới hạn của ngân sách nhà nước dành cho giáo dục. Đây là một công việc phức tạp và quan trọng khi mà ở bất kỳ quốc gia nào, nhà giáo trường công lập cũng là đại bộ phận lực lượng viên chức, và chi tiêu tiền lương của họ chiếm phần lớn ngân sách chi cho ngành giáo dục.
Cùng với nhận thức ngày càng được khẳng định rằng nhà giáo đóng vai trò quyết định trong việc nâng cao chất lượng giáo dục thì quản lý nhà nước về nhà giáo cũng trở thành nhiệm vụ phức tạp và quan trọng nhất trong quản lý nhà nước về giáo dục.
Mô hình đầu tiên trong quản lý nhà nước về nhà giáo
Cho đến những năm 80 của thế kỷ trước, khi hệ thống giáo dục ở các nước đều có đặc trưng chung là công lập và chưa phức tạp như hệ thống giáo dục ngày nay thì quản lý Nhà nước về nhà giáo được thực hiện chủ yếu theo mô hình quản lý nhân sự (Personnel Management). Theo cách hiểu chung nhất thì quản lý nhân sự trong một tổ chức là chức năng hành chính của tổ chức đó nhằm có được nhân sự cần thiết cho các hoạt động của tổ chức và thiết lập mối quan hệ giữa người sử dụng lao động và người lao động trong tổ chức. Nó xoay quanh “các thủ tục quản lý cổ điển như tuyển dụng và đánh giá, cùng với việc quản lý sự di chuyển, thăng chức và phân công của nhân viên. Nó được thực hiện mà không cần tham chiếu trực tiếp đến các mục tiêu của tổ chức hoặc các nhu cầu của nhân viên liên quan” [9].
Trong mô hình quản lý này, nhà giáo chỉ đơn thuần là người lao động, là viên chức, được cơ quan quản lý tuyển dụng, điều động, phân công và trả lương để thực hiện nhiệm vụ giảng dạy trong nhà trường công lập.
Nhà giáo phải là người đóng vai trò chính trong việc thực hiện các yêu cầu cải cách để đưa cải cách giáo dục đến thành công. Ảnh minh họa |
Chuyển động trong mô hình quản lý nhà nước về nhà giáo
Vào hai thập kỷ cuối của thế kỷ 20, với việc hệ thống giáo dục trở nên phức tạp cả về quy mô, cơ cấu và loại hình, thì quản lý nhà nước về giáo dục chuyển từ mô hình quản lý công truyền thống sang mô hình quản lý công mới (New Public Management) để phù hợp với sự thay đổi nhận thức về vai trò của giáo dục. Còn quản lý nhà nước về nhà giáo chuyển từ mô hình quản lý nhân sự sang mô hình quản lý nguồn nhân lực (Human Resources Management) để phù hợp với sự thay đổi nhận thức về vai trò nhà giáo.
Điểm khác biệt cơ bản trong mô hình quản lý này là nhà giáo được nhìn nhận như một nguồn lực chủ yếu đóng góp vào thành công của giáo dục. Nguồn lực này bao gồm những nhà chuyên nghiệp trong nghề dạy học, họ cần được đào tạo, tuyển dụng, sử dụng và đãi ngộ theo một kế hoạch chiến lược để bảo đảm có sự gắn kết giữa số lượng, năng lực, động lực và cơ cấu của đội ngũ nhà giáo với các mục tiêu và yêu cầu phát triển của giáo dục.
Như vậy, nếu trong mô hình quản lý nhân sự, nhà giáo công lập chỉ đơn thuần là một viên chức phải tuân theo các quy định của người lao động hưởng lương nhà nước thì trong mô hình quản lý nguồn nhân lực nhà giáo được quan niệm là một nguồn lực quan trọng của nhà nước cần được bồi dưỡng và phát triển. Hai mô hình này bổ sung cho nhau và vì thế ngày nay, quản lý nhà nước về nhà giáo bao gồm các thành tố như sau:
Hoàn thiện thể chế trong quản lý nhà nước về nhà giáo
Như vậy, trong tiếp cận quản lý nhân sự, nhà giáo được nhìn nhận chủ yếu như người lao động và được điều chỉnh bởi Luật Lao động. Trong bối cảnh hệ thống giáo dục hầu suốt thế kỷ 20 ở mọi quốc gia trên thế giới là hệ thống công lập thì nhà giáo còn được nhìn nhận là viên chức và được điều chỉnh bởi Luật Viên chức. Luật Lao động và Luật Viên chức tạo thành khung pháp lý với những quy định chung về đào tạo, tuyển dụng, sử dụng, quyền, trách nhiệm của nhà giáo với tư cách là người lao động, là viên chức.
Về cơ bản, khung pháp lý này được thực hiện theo một tiếp cận từ trên xuống, với nhà quản lý là trung tâm, còn nhà giáo là đối tượng quản lý với những quy định phải tuân thủ chung nhất cho người lao động và viên chức; trong khi đó vị thế cùng các đặc trưng lao động nghề nghiệp, năng lực, động lực của nhà giáo trong mối quan hệ với việc thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục không được tính đến. Tuy nhiên, khung pháp lý theo tiếp cận quản lý nhân sự này đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về nhà giáo trong khoảng bảy, tám thập niên đầu tiên của thế kỷ 20 khi hệ thống giáo dục ở các nước chủ yếu là công lập, ổn định và chưa phức tạp.
Ảnh minh họa |
Bước sang những năm 1980, các hệ thống giáo dục ngày càng trở nên phức tạp với những cải cách liên tục cùng các xu thế phổ cập hóa giáo dục phổ thông, đại chúng hóa giáo dục đại học, học tập suốt đời, dân chủ hóa, tư nhân hóa, quốc tế hóa, thị trường hóa…Đội ngũ nhà giáo trở thành một nguồn lực quan trọng không phải chỉ đối với giáo dục mà còn đối với xã hội. Đó là nguồn nhân lực lớn nhất trong đội ngũ nhân lực chất lượng cao của mọi quốc gia. Đó cũng là lực lượng viên chức chiếm đại đa số trong hàng ngũ viên chức. Đội ngũ này cũng ngày càng được nhà nước và xã hội nhận thức là đóng vai trò quyết định trong việc chuẩn bị thế hệ tương lai cho đất nước, góp phần chủ yếu vào việc cung cấp nhân lực ở mọi trình độ và mọi ngành nghề cho sự phát triển kinh tế-xã hội của đất nước.
Vì vậy quản lý nhà nước về nhà giáo chuyển trọng tâm sang tiếp cận theo quản lý nguồn nhân lực với việc hoàn thiện pháp luật về nhà giáo theo hướng ban hành các văn bản luật về nhà giáo. Các văn bản luật này khá đa dạng và đều nhằm bổ sung cho Luật Viên chức tùy theo bối cảnh cụ thể của các quốc gia. Có thể là Luật Nhà giáo như ở Trung Quốc, Canada, Thái Lan, Philippines, Indonesia, Ba Lan, Hà Lan,...
Cũng có thể là luật về các vấn đề liên quan đến nhà giáo ở rất nhiều nước như Luật Đào tạo giáo viên, Luật về Nghề dạy học, Luật về Các điều kiện và lương giáo viên, Luật về Vị thế nghề dạy học…Về cơ bản, các văn bản luật này tạo thành khung pháp lý theo tiếp cận từ dưới lên, lấy nhà giáo làm trung tâm, coi đó là nguồn lực quan trọng nhất của giáo dục cần được phát triển để bảo đảm thực hiện sứ mệnh và mục tiêu của giáo dục.
Vấn đề đặt ra đối với quản lý nhà nước về nhà giáo của Việt Nam
Ở Việt Nam, quản lý nhà nước về nhà giáo được thực hiện như sau:
Nhà giáo, công lập và tư thục, được điều chỉnh bởi một số quy định chung nhất trong Luật Giáo dục, Luật Giáo dục Đại học và Luật Giáo dục nghề nghiệp. Đó là các quy định về tiêu chuẩn nhà giáo, nhiệm vụ và quyền của nhà giáo, trình độ chuẩn được đào tạo của nhà giáo, đào tạo và bồi dưỡng nhà giáo, tiền lương và chính sách đối với nhà giáo.
Riêng nhà giáo công lập còn được điều chỉnh bởi Luật Viên chức với các quy định về quyền, nghĩa vụ của viên chức; tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức.
Với những quy định như trên thì cách tiếp cận trong quản lý nhà nước về nhà giáo của Việt Nam vẫn là theo mô hình quản lý nhân sự, trong đó nhà giáo được coi chủ yếu như một đối tượng quản lý chứ không phải là nguồn lực cần phát triển để đảm bảo sự thành công của giáo dục.
Thực ra, với Chỉ thị 40 ngày 15/6/2004 của Ban Bí thư về việc xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục, Đảng đã có chủ trương theo hướng chuyển quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản lý nguồn nhân lực và cùng với đó là chủ trương ban hành Luật Giáo viên. Chủ trương này đã được cụ thể hóa thành dự án Luật Giáo viên trong Nghị quyết số 27/2008/QH12 ngày 15 tháng 11 năm 2008 của Quốc hội, và đã được triển khai đến mức độ chuẩn bị trình Chính phủ dự thảo Luật Nhà giáo để trình Quốc hội, nhưng rồi đến cuối năm 2009 lại bị rút ra khỏi chương trình xây dựng luật của Quốc hội khóa XII, để dành chỗ cho các luật khác. Việc không có Luật Nhà giáo khiến cho công tác quản lý nhà nước về nhà giáo vẫn dẫm chân trong mô hình quản lý nhân sự.
Trong giai đoạn hiện nay, giáo dục đứng trước những yêu cầu đột phá về đổi mới trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Ảnh minh họa |
Để khắc phục tình trạng này, một hệ thống văn bản dưới luật về nhà giáo đã được ban hành. Báo cáo số 123 ngày 6/2/2017 của Cục Nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho biết hệ thống này gồm khoảng 40 Nghị định và Quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Chính phủ, cùng hơn 100 Thông tư liên tịch, Thông tư, Quyết định thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ Giáo dục và Đào tạo, các Bộ liên quan; đó là một hệ thống thiếu đồng bộ và hiệu lực chưa cao.
Giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục giai đoạn 2010-2016, báo cáo của Ủy ban Văn hoá, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội đánh giá có tình trạng chồng chéo trong các quy định do nhiều chủ thể ban hành; dẫn tới việc lúng túng khi tra cứu và áp dụng vào các trường hợp cụ thể; ngoài ra, dù có đến gần 200 văn bản quy định về nhà giáo, vẫn thiếu vắng các văn bản quy định cụ thể về quản lý và chế độ, chính sách cho nhà giáo trong các cơ sở giáo dục ngoài công lập, cơ sở giáo dục có yếu tố nước ngoài.
Một cách tiếp cận thiếu nhất quán như vậy trong quản lý nhà nước về nhà giáo đã khiến vị thế nhà giáo chỉ dừng lại ở một tuyên ngôn mang tính khẩu hiệu trong Luật Giáo dục. Nó kéo theo một loạt hệ lụy đã được nói đến nhiều, đó là sự suy giảm sức thu hút vào nghề dạy học, có bất cập về chất lượng đào tạo của các trường sư phạm, sự giảm sút cả về năng lực và động lực của đội ngũ nhà giáo. Điều đó giải thích vì sao chất lượng giáo dục nước ta, đặc biệt chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đâu đó còn yếu kém kéo dài và đáng quan ngại.
Ảnh minh họa |
Để nâng cao chất lượng giáo dục, việc chuyển tư duy quản lý nhà nước về nhà giáo sang mô hình quản lý nguồn nhân lực là yêu cầu bức thiết, nhất là trong giai đoạn hiện nay khi giáo dục đứng trước những yêu cầu đột phá về đổi mới trước những cơ hội và thách thức của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư. Về phương diện thể chế, điều đó có nghĩa là cần ban hành Luật Nhà giáo.
Chính việc chưa có Luật Nhà giáo trong thời gian qua đã làm nảy sinh một số lượng lớn các văn bản dưới luật về nhà giáo. Thực tế các văn bản dưới luật này đã ở mức tới hạn, có nguy cơ tiếp tục dẫn tới chồng chéo, mất hiệu lực, và vì vậy đã hội đủ các điều kiện cần, theo thông lệ quốc tế, để ban hành luật có liên quan. Khi đó Luật Nhà giáo sẽ là khung pháp lý nhất quán, có hiệu lực và hiệu quả để phát triển đội ngũ nhà giáo với tư cách là nguồn lực lớn nhất và quan trọng nhất trong việc thực hiện mục tiêu giáo dục.
Kết luận
Sự vận động trong quản lý nhà nước về nhà giáo trên thế giới cho thấy một bài học như sau: Khi hệ thống giáo dục chủ yếu là công lập, ổn định và chưa phức tạp thì khung pháp lý theo mô hình quản lý nhân sự với Luật Viên chức là đủ để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước về nhà giáo. Khi hệ thống giáo dục đã trở nên phức tạp, với sự tham gia của nhiều chủ thể cùng những yêu cầu ngày càng cao của Nhà nước và xã hội đối với giáo dục và nhà giáo thì, để nâng cao chất lượng giáo dục, quản lý nhà nước về nhà giáo phải chuyển trọng tâm sang tiếp cận theo quản lý nguồn nhân lực với khung pháp lý tương ứng là các văn bản luật về nhà giáo.
Vận dụng bài học này vào hiện trạng quản lý nhà nước về nhà giáo của Việt Nam hiện nay, bài viết này đi tới kết luận rằng trong bối cảnh hệ thống giáo dục Việt Nam đang chuyển đổi mạnh mẽ theo tinh thần đổi mới căn bản và toàn diện thì việc xây dựng và ban hành Luật Nhà giáo là một nhiệm vụ nhất thiết phải sớm được thực hiện.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
[1]. McKinsey Report. 2007. How the World’s Best-Performing School Systems Come out on Top. http://alamin99.wordpress.com/2008/02/22/mckinsey-report/
[2]. OECD. 2018. Effective Teacher Policies: Insights from PISA. PISA, OECD Publishing.
[3]. Burns, T. and F. Koster. 2016. Governing education in a complex world. Educational Research and Innovation, Paris: OECD Publishing
[4]. Barbara Tournier. 2015. Institutional and organizational aspects of teacher management. UNESCO & IIEP
[5]. Marcel Pochard. 2008. Livre vert sur l’evolution du métier d’enseignant. Paris: la documentation francaise
[6]. ILO/UNESCO. 2015. Final Report. Paris: Joint ILO–UNESCO Committee of Experts on the Application of the Recommendations concerning Teaching Personnel
[7]. Dolton, P., Marcenaro, O., De Vries, R. & Po-Wen She. 2018. Global Teacher Status Index 2018. University of Sussex
[8]. Greg Thompson. 2021. The Global Report on the Status of Teachers 2021. Brussels, Belgium: Education International
[9]. Barbara Tournier. 2015. Concepts of human resource management and forward planning. UNESCO & IIEP.