Là một trong những nội dung lớn song đang còn rất ngổn ngang tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mô hình chính quyền địa phương đang khiến các nhà lập pháp rất “đau đầu” - Ảnh: Việt Tuấn. |
Hai chi tiết này được hai vị phó chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh dẫn ra trong phát biểu tại hội thảo do Trung tâm Thông tin - Thư viện - Nghiên cứu khoa học (Văn phòng Quốc hội) tổ chức sáng 19/8.
Là một trong những nội dung lớn song đang còn rất ngổn ngang tại dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992, mô hình chính quyền địa phương đang khiến các nhà lập pháp rất “đau đầu”.
Viện trưởng Viện Nghiên cứu lập pháp Đinh Xuân Thảo cho biết hiện nay dự thảo đang có tới ba phương án về chính quyền địa phương, lại thêm một phương án của Chính phủ nữa mà cuối cùng phải chốt một phương án thì rất là khó.
Kết quả nghiên cứu về tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương ở Việt Nam được thực hiện với 800 người, gồm đại biểu hội đồng nhân dân, thành viên ủy ban nhân dân, cán bộ, công chức đang làm việc tại hội đồng nhân dân và ủy ban nhân dân các cấp, người dân của 5 địa phương chọn điểm theo phương pháp ngẫu nhiên của cơ quan tổ chức hội thảo cũng đưa ra nhiều thông tin đáng chú ý.
Theo đó, khoảng 60% ý kiến đồng tình cần có cách thức quy định phân biệt giữa chính quyền địa phương ở nông thôn và ở đô thị. Còn ý kiến cho rằng nên bổ nhiệm chủ tịch ủy ban nhân dân của cả ba cấp chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ so vơi ý kiến cho rằng nên bầu chức danh này…
Trình bày môt số khuyến nghị dựa trên kết quả nghiên cứu, đại diện nhóm chuyên gia, ông Nguyễn Đức Lam cho biết, khoảng 50% tổng số người được hỏi cho rằng quy trình tự ứng cử trong bầu cử hiện nay là thuận lợi, 50% thấy chưa thuận lợi. Nhiều ý kiến phát biểu trực tiếp là đại biểu hội đồng nhân dân nên hạn chế kiêm nhiệm để tránh xung đột lợi ích trong hoạt động của đại biểu...
Một trong những khuyến nghị được đưa ra là Hiến pháp nên quy định đại biểu hội đồng nhân dân không được kiêm nhiệm các chức danh trong các cơ quan hành chính ờ địa phương, các chức danh trong các cơ quan tư pháp, quân đội, công an.
Nhấn mạnh đây là quy định nhằm để tránh xung đột lợi ích và có thể khó được chấp nhận, ông Lam nói thêm là cá nhân rất mong muốn điều này được chấp nhận, bởi đã xung đột lợi ích thì đại biểu làm sao bảo vệ được quyền lợi của dân.
Đồng ý với quan điểm đẩy mạnh phân cấp, phân quyền và để dân bầu chức danh đứng đầu cơ quan hành chính, song Phó chánh án Tòa án Nhân dân Tối cao, Trung tướng Trần Văn Độ đặt ra không ít băn khoăn. Bởi, 80% số tỉnh thu không đủ chi, tiền phải xin Trung ương thì tự chủ thế nào. Hay cán bộ là công tác của Đảng, dân tự bầu thì sẽ ra sao là vấn đề cần phải giải quyết.
Một điểm băn khoăn rất lớn của nhiều ý kiến tại hội thảo là việc thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.
Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội Đà Nẵng, ông Huỳnh nghĩa nhắc lại đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội sớm tổng kết việc thí điểm này. Chính phủ muốn bỏ luôn hội đồng nhân dân, nhưng chưa phân tích được rõ ràng, thí điểm dài quá thế này thấy buồn, ông Nghĩa phát biểu.
Phó chủ tịch Hội đồng Dân tộc, đại biểu Danh Út đề nghị cần xác định rõ chính quyền địa phương gồm những ai. Theo ông, nên khẳng định là gồm hội đồng nhân dân và và ủy ban nhân dân, bản chất là chính quyền của dân.
Từ thực tế của một trong 10 tỉnh đang thí điểm không tổ chức hội đồng nhân dân quận, huyện, phường, vị Phó chủ tịch Hội đồng Nhân dân tỉnh Nam Định nhận xét: “Chính phủ và cả Bộ Nội vụ làm cái này rất chủ quan. Tôi còn nhớ ngày xưa có đồng chí nói không bỏ được hội đồng nhân dân thì chết không nhắm mắt”.
Bình luận về phương án để dân trực tiếp bầu chức danh đứng đầu cơ quan hành chính cấp huyện, vị này cho rằng nếu giới thiệu một để bầu một thì chả có ý nghĩa gì, phải ít nhất có hai để bầu một.
Nhiều ý kiến nói dự thảo Hiến pháp không có cái chương nào viết kém như chương chính quyền địa phương, ông phản ánh ý kiến từ địa phương.
Với thâm niên 14 năm làm phó chủ tịch hội đồng nhân dân tỉnh, vị đại biểu đến từ Bắc Ninh cũng có cùng băn khoăn về việc bỏ hội đồng nhân dân quận, huyện, phường.
Ông cho biết, các ý kiến được hỏi ở tỉnh này đều không đồng tình, nhiều người khóc khi nghe tin này, nhiều người vừa phát biểu vừa khóc, tại sao không thí điểm cho nó tốt lên mà lại thí điểm bỏ đi là điều rất đáng phải suy nghĩ.
Phát biểu kết thúc hội thảo, Phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội, TS. Nguyễn Sỹ Dũng nhấn mạnh, dù là hội thảo nhỏ, song những ý kiến rất khác nhau tại đây cũng phản ánh xu thế sẽ tranh luận rất gay go ở Quốc hội xung quanh mô hình chính quyền địa phương.
Tuy nhiên, thông tin từ nghiên cứu được công bố cũng chỉ có giá trị tham khảo, đại biểu Quốc hội cần nghe nhiều tai, quyết định theo lương tâm và sự hiểu biết của mình thì sẽ chính xác.
Theo VnEconomy