China Times ngày 7/5 đưa tin, trước thềm Tòa Trọng tài Thường trực (PCA) ra phán quyết vụ Philippines kiện Trung Quốc (áp dụng sai, giải thích sai, vi pham Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982 - UNCLOS) trên Biển Đông, hôm qua 6/5 ông Lưu Chấn Dân - Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố với báo giới, Bắc Kinh vừa đề nghị ASEAN sớm ra tuyên bố chung "thực hiện toàn diện và hiệu quả Tuyên bố ứng xử của các bên trên Biển Đông - DOC".
Ông Lưu Chấn Dân, ảnh: SCMP. |
Đồng thời ông Dân không quên cài thêm nội dung Trung Quốc không tham gia vụ kiện, không chấp nhận phán quyết của PCA. Về kiến nghị của Trung Quốc với ASEAN, ông Lưu Chấn Dân tóm tắt nội dung gồm: Đảm bảo các bên tuân thủ cam kết thực hiện DOC, làm rõ vai trò và tác dụng của DOC, hy vọng hội nghị Ngoại trưởng ASEAN - Trung Quốc dự kiến tổ chức vào tháng Bảy tới có thể ra được tuyên bố chung này.
Bắc Kinh đã gửi dự thảo do họ soạn cho ASEAN, tuy nhiên các bên vẫn chưa kịp trao đổi ý kiến. Ông Dân đi Singapore từ 27 đến 28/4 để tham dự hội nghị cấp Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc - ASEAN lần thứ 11 bàn về việc thực hiện DOC.
Dự thảo tuyên bố của phía Trung Quốc kêu gọi duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông, bảo đảm tự do hàng hải và hàng không và đặc biệt là "kiên trì giải quyết tranh chấp thông qua đàm phán giữa các bên liên quan trực tiếp" để cùng thúc đẩy sớm hình thành bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), "các quốc gia bên ngoài nên tôn trọng nỗ lực bảo vệ hòa bình ổn định ở Biển Đông của các nước trong khu vực".
Ashley Townshend, một chuyên gia tại Đại học Sydney ngày 7/5 được South China Morning Post dẫn lời nhận xét, Trung Quốc và ASEAN có thể ra tuyên bố chung, nhưng không chắc ASEAN sẽ đồng ý theo nội dung mà Trung Quốc đưa ra.
DOC được Trung Quốc và ASEAN ký từ năm 2002, nhưng cho đến nay Trung Quốc hết lần này đến lần khác vi phạm nó và thông thường lần sau leo thang nghiêm trọng, nguy hiểm hơn lần trước, đặc biệt là kể từ sau năm 2009 đến nay.
Trung Quốc huấn luyện quân sự, cấp vũ khí cho tàu cá đổ bộ Biển Đông |
Cũng từ năm 2002, Trung Quốc tìm mọi cách dây dưa, trì hoãn đàm phán COC bất chấp hối thúc và sẵn sàng của ASEAN cũng như thúc giục của cộng đồng quốc tế.
Có thể nói không ngoa, các nội dung thỏa thuận trong DOC đã bị Trung Quốc bẻ gãy từ lâu, nhưng tên gọi DOC thì luôn được Trung Quốc đưa ra để giữ chân, kiềm chế các bên liên quan tìm giải pháp đối phó với các hành vi leo thang của Trung Quốc, đặc biệt là vụ kiện của Philippines.
Nếu Bắc Kinh thực sự tuân thủ DOC thì đã không cướp quyền kiểm soát bãi cạn Scarborough từ Philippines năm 2012, không cắm giàn khoan 981 vào vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa Việt Nam năm 2014 và không biến các bãi cạn lúc nổi lúc chìm, các rặng san hô thuộc quần đảo Trường Sa - Khánh Hòa - Việt Nam mà Trung Quốc xâm lược, chiếm đóng bất hợp pháp từ năm 1988 thành đảo nhân tạo và tiền đồn quân sự, không kéo tên lửa, máy bay ra Hoàng Sa - Đà Nẵng - Việt Nam...
Đó là còn chưa kể đến các hành vi không khác gì cướp biển chống lại ngư dân Việt Nam và Philippines lương thiện khi đánh bắt trong ngư trường truyền thống bao đời ở Hoàng Sa hay Scarborough...
Nay PCA sắp ra phán quyết và đường lưỡi bò bất hợp pháp của Bắc Kinh có nguy cơ bị bóc trần bản chất, Trung Quốc lại một lần nữa lấy DOC làm lá chắn để chống lại phán quyết của Tòa. Trong khi hành động của nước này trên thực địa vẫn cứ không ngừng leo thang quân sự hóa, bành trướng với tốc độ ghê gớm.
Ngay cả chuyến đi Singapore vừa qua của ông Dân, miệng nói là để đàm phán thúc đẩy DOC, nhưng giọng điệu của ông Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc với các nước láng giềng ASEAN lại đầy chất hăm dọa. Hôm 28/4 ông Dân được hãng thông tấn AFP dẫn lời đe nẹt: Mọi hành động chệch hướng DOC đều sẽ dẫn tới kết cục tiêu cực!
Thái độ dọa nạt, kẻ cả, hành xử theo luật rừng cá lớn nuốt cá bé thay vì thượng tôn pháp luật lại lần nữa được một quan chức Bộ Ngoại giao Trung Quốc thể hiện trong cuộc họp báo ngày hôm qua một cách công khai hơn, trắng trợn hơn.
Theo South China Morning Post ngày 7/5, ông Âu Dương Ngọc Tĩnh - Vụ trưởng Vụ Biên giới - hải đảo thuộc Bộ Ngoại giao Trung Quốc hôm qua chủ trì họp báo về vụ kiện của Philippines đã hăm dọa dư luận. Ông nói Trung Quốc sẽ tôn trọng các ý kiến phê phán mang tính xây dựng của các bên liên quan, nhưng sẽ chống lại những ý kiến Bắc Kinh xem như gây áp lực.
Trung Quốc sẽ đẩy mạnh việc bắt bớ tàu cá các nước trên Biển Đông |
"Nếu là nhằm mục đích gây áp lực hoặc bôi nhọ Trung Quốc, thì bạn có thể xem nó như một cái lò so, có sức ép thì sẽ luôn có phản lực. Sức ép càng lớn thì sức bật càng lớn", ông Tĩnh nói.
Sức bật của "lò so Trung Quốc" mà ông Tĩnh nói phải chăng chính là các chiến hạm, tên lửa hiện đại nhất đang được hải quân Trung Quốc kéo xuống Biển Đông để diễu võ giương oai? Người viết cho rằng, nếu Trung Quốc định dùng súng ống để đối phó với công luận, công lý và công pháp quốc tế, chắc chắn họ sẽ thất bại.
Chiến hạm, tên lửa, máy bay, vũ khí Trung Quốc có tối tân đến đâu, phô trương thanh thế đến đâu cũng không thể tác động đến phán quyết của PCA và bẻ cong công lý. South China Morning Post nhận xét, Bắc Kinh đang phải vật lộn để chống đỡ những lời chỉ trích từ dư luận để hạn chế một phán quyết bất lợi từ PCA.
Học giả Ian Storey từ Singapore hôm nay được The Straits Times dẫn lời bình luận, mặc dù Trung Quốc tập trung vận động các quốc gia mà nước này có ảnh hưởng lớn về kinh tế ủng hộ Bắc Kinh trong vụ kiện của Philippines, nhưng có rất ít tiếng nói công khai hỗ trợ Trung Quốc.
Chưa có bất cứ quốc gia nào lên tiếng phản đối vai trò và phán quyết của PCA trong vụ này, phần lớn những phát biểu mang tính nguyên tắc và do Bắc Kinh áp đặt, nhưng có thể hiểu và vận dụng theo nhiều cách khác nhau.