4 bài thuốc hỗ trợ trị bệnh Rubella

19/03/2012 16:59
Theo SKĐS
Bệnh Rubella thường bùng phát vào mùa đông - xuân. Bệnh do virut Rubella gây sốt phát ban, rất dễ lây lan, chủ yếu là qua đường hô hấp.
Bệnh Rubella thường bùng phát vào mùa đông - xuân. Bệnh do virut Rubella gây sốt phát ban, rất dễ lây lan, chủ yếu là qua đường hô hấp. Theo Ðông y, những triệu chứng trên thể hiện vị nhiệt và tâm hỏa thịnh. Sau đây là một số bài thuốc chữa trị.
Cam thảo đất
Cam thảo đất
Bài 1: ngân hoa 10g, liên kiều 12g, cỏ mần trầu 16g, bạch mao căn 16g, kinh giới 12g, sài đất 16g, chi tử 12g, hoàng cầm 12g, cam thảo đất 16g, sài hồ 12g, rau má 16g. Đổ khoảng 1.400ml nước, sắc còn 400ml, chia 2 lần uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt tiêu độc, chống dị ứng.
Bài 2: nam hoàng bá 16g, cành châu 16g, tang diệp 16g, mã đề thảo 16g, lá tre 14g, khổ qua 12g, kinh giới 14g, sinh địa 10g, chỉ xác 8g, sài hồ 12g, bạch thược 12g, đan bì 10g, chi tử 12g. Cho thuốc vào nồi, đổ 1400ml nước, sắc còn 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, nhuận gan, tiêu độc, trừ tà, thông tiểu.
Bài 3: bồ công anh 16g, sài đất 16g, cỏ sữa nhỏ lá 16g, thương nhĩ (sao vàng) 12g, lá đinh lăng 16g, cỏ mần trầu 16g, khổ qua 12g, dừa cạn 16g, lá tre 12g, rau má 16g, cành châu 16g, sinh địa 12g, chỉ xác 10g. Cho các vị thuốc vào nồi, đổ 1.500ml nước, sắc còn 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, trừ ôn dịch, chống dị ứng, thanh tâm hỏa.
Cỏ màn trầu
Cỏ màn trầu
Bài 4: đan bì 10g, chi tử 12g, rau má 16g, khổ qua 16g, cỏ mần trầu 16g, sài hồ 12g, hoàng cầm 12g, đương quy 12g, bạch thược 10g, sâm đại hành 14g, sa sâm 16g, mạch môn 16g, bối mẫu 10g, cỏ mực 16g. Cho các vị thuốc vào nồi, đổ 1.500ml nước, sắc còn 400ml, chia 2 - 3 lần uống trong ngày. Công dụng: thanh nhiệt, nhuận gan mật, tiêu độc, trừ ôn dịch.
Ngoài uống thuốc, nên kết hợp ăn một số món cháo thuốc để tăng hiệu quả điều trị.
Cháo đậu xanh - tía tô: gạo tẻ 80g, lá tía tô 30g, đậu xanh xay 30g, mắm muối, gia vị vừa đủ. Gạo tẻ và đậu xanh vo sạch, cho vào nồi đổ nước vừa đủ nấu thành cháo. Lá tía tô rửa sạch, thái nhỏ. Khi cháo chín cho lá tía tô, thêm chanh và gia vị là dùng được, ăn ngày 2 lần. Công dụng: thanh nhiệt, tiêu độc, mát gan.
Cháo tim lợn - mướp đắng: gạo tẻ 80g, tim lợn 1 quả, mướp đắng 40g, gia vị vừa đủ. Tim lợn thái lát mỏng, ướp gia vị, phi hành mỡ xào chín để riêng. Mướp đắng rửa sạch bỏ ruột, thái lát mỏng, để riêng. Gạo tẻ ngon vo sạch, cho vào nồi đổ nước vừa đủ nấu thành cháo. Khi cháo chín kỹ cho mướp đắng và tim lợn vào, nấu thêm một lúc cho mướp đắng chín kỹ là được. Nêm gia vị, rau thơm, ăn trong ngày. Công dụng: tim lợn bổ tâm an thần. Mướp đắng thanh tâm hỏa, chống ban ngứa, giải độc, mát gan.
Cháo mộc nhĩ, thịt thăn: gạo tẻ 80g, mộc nhĩ 30g, thịt nạc thăn 100g, gia vị vừa đủ. Mộc nhĩ rửa sạch thái chỉ. Thịt thăn lợn bỏ bớt màng trắng, băm nhỏ. Phi hành mỡ cho thơm, cho mộc nhĩ và thịt thăn vào xào chín, để riêng. Gạo tẻ vo sạch, cho vào nổi đổ nước vừa đủ nấu cháo. Khi cháo chín kỹ cho món xào ở trên vào, nêm gia vị, rau thơm vừa ăn là được. Công dụng: mộc nhĩ tiêu độc, nhuận gan, nhuận huyết, hòa ngũ tạng. Thịt thăn lợn bổ âm huyết. Gạo tẻ bổ tỳ. Các vị hợp lại có tác dụng giải độc, bổ âm dưỡng tỳ, trừ ôn dịch, hòa ngũ tạng.  
Virut Rubella gây bệnh nhẹ ở người lớn và trẻ em, nhưng đặc biệt gây bệnh nặng cho thai phụ do nó gây dị dạng thai nhi nếu bà mẹ bị nhiễm bệnh ở 4 tháng đầu của thai kỳ. Người bệnh có biểu hiện sốt 2 - 3 ngày liền, cơ thể mệt mỏi, chán ăn kèm theo ho, họng khô miệng ráo, phế nhiệt, hơi thở nóng, miệng đắng. Sau đợt sốt xuất hiện ban ở nửa trên cơ thể sau đó lan xuống phần dưới. Ban lấm tấm trên da, lúc đầu màu hồng sáng, sau chuyển thành màu tối sẫm, niêm mạc miệng rải rác có những nốt ban; lợi đỏ, lưỡi đỏ, đau rát họng.

Theo SKĐS