Ai dễ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?

25/09/2013 14:47
Theo VnMedia
Ung thư cổ tử cung, một loại ung thư thường gặp ở phụ nữ, là một căn bệnh mà những tế bào ung thư ác tính xuất hiện trong mô cổ tử cung.
Ung thư cổ tử cung thường phát triển chậm. Trước khi phát hiện ra tế bào ung thư ở cổ tử cung, các mô ở cổ tử cung trải qua những thay đổi trong đó các tế bào bất thường bắt đầu xuất hiện (hiện tượng loạn sản). Những tế bào ung thư này thường được phát hiện nhờ việc làm phiến đồ âm đạo (xét nghiệm Pap). Muộn hơn, Tế bào ung thư bắt đầu phát triển và lan sâu thêm vào cổ tử cung và những vùng xung quanh.

Do ung thư cổ tử cung thường không có triệu chứng, bác sĩ phải tiến hành xét nghiệm hàng loạt để tìm bệnh. Xét nghiệm đầu tiên là làm phiến đồ âm đạo Pap, được tiến hành bằng cách dùng một miếng bông, một bàn chải, hoặc một que gỗ nhỏ để cạo nhẹ bên ngoài cổ tử cung để lấy tế bào.


Nếu phát hiện ra tế bào bất thường bác sĩ phải cắt một mẫu mô (gọi là sinh thiết) ở cổ tử cung và quan sát dưới kính hiển vi để xem có tế bào ung thư không. Sinh thiết mảnh mô nhỏ có thể được thực hiện tại phòng khám của bác sĩ. Nếu cần lấy một mảnh lớn hơn (cắt hình nón) bệnh nhân có thể phải đến bệnh viện.

Trong từng loại ung thư cổ tử cung, có những phương pháp điều trị riêng, Cần phải theo dõi và kiểm tra định kỳ để đảm bảo phát hiện ra những thay đổi trong sức khỏe .

Ai có nguy cơ mắc bệnh ung thư cổ tử cung?

- Phụ nữ độ tuổi 35-50 dễ mắc bệnh ung thư cổ tử cung.

- Phụ nữ có 5 con trở lên có nguy cơ mắc bệnh cao.

- Những phụ nữ có hoạt động tình dục trước 17 tuổi và có nhiều bạn tình.

- Những người có tiền sử mắc bệnh viêm nhiễm đường sinh dục do virut papilloma hoặc herpes.

- Vệ sinh cá nhân kém

Các triệu chứng của bệnh ung thư cổ tử cung

Các dấu hiệu khác thường dưới đây sẽ cảnh báo giúp bạn phát hiện sớm và ngăn ngừa bệnh:

Giai đoạn tiền ung thư thường không có triệu chứng. Sau đó có thể xuất hiện các triệu chứng:

- Huyết trắng dai dẳng, có mùi hôi hoặc có vấy một chút máu

- Chảy máu bất thường trong âm đạo

- Bạn bị chảy máu bất thường trong chu kì kinh nguyệt bình thường

- Chảy máu sau khi quan hệ tình dục, thụt rửa hoặc khám bệnh

- Chảy máu trong suốt thời gian dài, rong kinh

- Chảy máu nhiều sau thời kì mãn kinh

- Vùng xương chậu thường xuyên có cảm giác đau

- Cảm giác đau sau khi làm “chuyện ấy”

Khi bệnh nặng, có chảy dịch nhiều lẫn máu từ âm đạo, kèm với đau nhức vùng lưng, vùng chậu hoặc ở chân. Ở giai đoạn muộn, bệnh nhân bị vô niệu do ung thư chèn ép vào hai niệu quản.


Ảnh minh họa

Ảnh minh họa

Các giai đoạn phát triển ung thư cổ tử cung

Ung thư cổ tử cung đang là nguyên nhân gây tử vong thứ hai phụ nữ. Nếu được phát hiện sớm, hơn 90% người mắc ung thư cổ tử cung có thể được chữa khỏi. Tuy nhiên, ở Việt Nam, tỷ lệ người mắc ung thư cổ tử cung được phát hiện sớm lại không cao. Xác định được các giai đoạn phát triển của ung thư cổ tử cung sẽ giúp mọi người phát hiện nó được sớm hơn.

Giai đoạn Nhiễm virus HPV (Human Papilloma Virus): Trong thực tế, ở độ tuổi đôi mươi khi mới có quan hệ tình dục, có khoảng 60% đến 80% phụ nữ bị nhiễm virút HPV. Hầu hết các loại HPV đều tự biến mất và không gây tổn hại đến sức khỏe, nhưng một vài loại này lại có thể làm cho các tế bào của cổ tử cung phát triển bất bình thườnggây ra ung thư cổ tử cung.

Giai đoạn tiền ung thư: Có khoảng 10% phụ nữ bị nhiễm HPV phát triển sang giai đoạn tiền ung thư. Họ thường là người trong độ tuổi sinh đẻ từ 25 đến 29. Thời gian kể từ khi nhiễm HPV đến tiền ung thư kéo dài từ 5 đến 10 năm. Phụ nữ trong giai đoạn này vẫn bình thường và chưa được gọi là mắc bệnh “ung thư”. Giai đoạn này nếu được phát hiện sớm và có phương pháp điều trị kịp thời thì bệnh sẽ không phát triển thành ung thư.

Giai đoạn ung thư chưa di căn: Có khoảng khoảng 12% những người trong giai đoạn 2 sẽ phát triển thành ung thư. Ở giai đoạn này, các tế bào ung thư phát triển chủ yếu trong cổ tử cung. Nếu được điều trị hợp lý sẽ đem lại một kết quả khả quan cho người bệnh

Giai đoạn ung thư di căn: Trong giai đoạn này, các tế bào ung thư xâm lấn sang các bộ phận khác của cơ thể, đây chính là giai đoạn nguy hiểm nhất của bệnh. Khoảng 1% bệnh nhân ở giai đoạn 2 phát triển thành loại ung thư nguy hiểm này. Ở giai đoạn này, các khối ung thư không thể áp dụng phương thức phẫu thuật triệt để mà phải sử dụng phương pháp: xạ trị ngoài vùng chậu đơn thuần, hóa trị đồng thời với xạ trị ngoài vùng chậu, xạ trị ngoài vùng quanh động mạch chủ bụng nếu có di căn hạch cạnh động mạch chủ bụng; xạ trị trong…

Phần lớn phụ nữ mắc bệnh ở giai đoạn này là sau thời kì mãn kinh.

Phòng tránh ung thư cổ tử cung

- Khám phụ khoa định kì 6 tháng/lần, để phát hiện sớm các bệnh phụ nữ thường gặp, làm thêm xét nghiệm tế bào cổ tử cung (pap smear) để kiểm soát bệnh ung thư cổ tử cung hữu hiệu nhất.

-Tiêm vắcxin HPV phòng ngừa ung thư cổ tử cung.

- Chung thủy 1 vợ 1 chồng, không quan hệ với nhiều bạn tình.

- Thực hiện kế hoạch hóa gia đình, không đẻ nhiều con.

- Thực hiện an toàn tình dục: sử dụng biện pháp tránh thai an toàn.

- Tránh xa thuốc lá, và các chất kích thích.

- Vệ sinh sạch sẽ bộ phận sinh dục hàng ngày, trước và sau khi quan hệ.

Ngoài ra, hàng ngày bạn có thể sử dụng thêm các loại thực phẩm bổ trợ phòng ngừa u nang, u xơ để có một hệ miễn dịch tốt chống lại các nguy cơ của bệnh ung thư.
Theo VnMedia