Bác sĩ nói gì về scandal cắt nhầm thận ở Cần Thơ?

15/12/2011 09:48
Theo VTC
Năng lực chuyên môn của kíp mổ kém, quy chế chẩn đoán trước khi mổ không phù hợp và yếu kém trong khâu hội chẩn.
Về vụ cắt quả thận khỏe của bệnh nhân Tú và đặt ống niệu quản từ thận trái sang thận phải đối với bệnh nhân Hiếu tại Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, nhiều bác sĩ không đồng ý với cách giải thích của lãnh đạo bệnh viện.

Cần thiết phải dẫn lưu ra da

Trong buổi tiếp xúc phóng viên chiều 13/12, bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - cho biết thận trái chị Nguyễn Minh Hiếu (33 tuổi) nhà đường Nguyễn Thị Minh Khai, quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ, bị ứ nước do ung thư cổ tử cung xâm lấn làm hẹp lỗ niệu quản trái và có dấu hiệu hẹp cả lỗ niệu quản phải.
Bác sĩ nói gì về scandal cắt nhầm thận ở Cần Thơ?
Chị Hiếu đang điều trị tại Bệnh viện đa khoa TP Cần Thơ 
Khi bệnh nhân này vào viện thay ống định kỳ lần 3, lúc rút ống thông thận - niệu quản ( sonde JJ) trái thì phát hiện lỗ niệu quản bên này đã bị hẹp, viêm đỏ phù nề nên không thể đặt ống lại được.
Trước tình thế như vậy, các bác sĩ đã đặt ống sang bên phải để thận phải không bị ứ nước gây suy thận. Còn bên trái các bác sĩ dự định sẽ điều trị nội chống viêm, phù nề rồi đặt lại bên trái vào thứ hai ngày 11/12 (2 ngày sau) dù sẽ rất khó. Nếu vẫn không đặt được sẽ phải mở thận trái ra da cho bệnh nhân.
Sau khi biết bác sĩ đã đặt ống niệu quản vào thận phải, bác sĩ đã giải thích cho bệnh nhân với người nhà nhưng họ không đồng ý, cứ nhất quyết cho là bác sĩ đặt lộn, phải bồi thường. Vì vậy, theo bác sĩ Nghĩa thì trường hợp này kíp phẫu thuật của bác sĩ Nguyên đã làm đúng chuyên môn, không hề có chuyện nhầm lẫn từ trái sang phải.
Tuy nhiên, một bác sĩ chuyên khoa thận - tiết niệu nói rằng nếu phát hiện bệnh nhân bị ung thư cổ tử cung chít hẹp hai niệu quản trái, phải của hai quả thận thì kíp mổ phải thông báo ngay cho người nhà của bệnh nhân biết.
Sau khi giải thích lỗ niệu quản trái bị hẹp, viêm, phù nề không đặt ống vào được mà phải chuyển sang đặt bên phải thì bác sĩ cũng cần phải cho người nhà biết để tránh gây hiểu lầm là “đặt nhầm” như gia đình chị Hiếu phản ứng suốt tuần qua.
Đó là bàn về quy tắc ứng xử giữa thầy thuốc và bệnh nhân với gia đình của người bệnh, còn về chuyên môn thì vị bác sĩ trò chuyện cùng phóng viên nói rằng, nếu ông gặp phải trường hợp này thì cần thiết phải bàn với gia đình bệnh nhân chuyển hướng phẫu thuật mổ cắt niệu quản hai bên để đặt ống thông thận rồi dẫn lưu ra da, lúc này bàng quang sẽ không còn chứa nước.
“Nếu ung thư cổ tử cung xâm lấn chít hẹp hai niệu quản mà kíp phẫu thuật tiếp tục đặt ống thông thận xuống bàng quang thì có thể ung thư di căn sang bàng quang, làm chích hẹp lỗ cắm vào bàng quang. Lúc đó phải phẫu thuật thêm lần nữa.
Vì vậy, thấy lỗ niệu quản bên trái hẹp, viêm, sưng đỏ trong khi ống niệu quản bên phải bị ung thư chít hẹp mà chuyển sang đặt ống bên này là không phù hợp cho lắm mà phải mổ cắt niệu quản đặt ống dẫn lưu ra ngoài ngay” - bác sĩ này phân tích,

Không giữ lại thận sao biết bị “móng ngựa”?

Bác sĩ nói gì về scandal cắt nhầm thận ở Cần Thơ?
BS Nguyễn Hiếu Trung 
Là người công tác nhiều năm trong ngành y với một thời gian dài làm Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ, bác sĩ Nguyễn Hiếu Trung (đã nghỉ hưu) nói rằng việc giải phẫu thận trái, cắt mất thận phải của chị Hứa Cẩm Tú (37 tuổi) ở thị trấn Thới Lai (Thới Lai, TP Cần Thơ) cho thấy năng lực chuyên môn của kíp mổ kém, quy chế chẩn đoán trước khi mổ không phù hợp và yếu kém trong khâu hội chẩn.
Theo bác sĩ Trung, nếu khám lâm sàng kết hợp các kỹ thuật cận lâm sàng mà Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ đang sở hữu có đủ điều kiện để chẩn đoán trước bệnh nhân có “thận hình móng ngựa”.
“Nếu hội chẩn trước mổ có sai nhưng trong khi mổ thấy có dấu hiệu bất thường, kíp mổ phải dừng ngay việc phẫu thuật để hội chẩn khẩn cấp với những chuyên khoa đầu ngành trong khi mổ thì tránh được sự cố đáng tiếc”, bác sĩ Trung phân tích.
Qua “tai nạn” không đáng có của chị Tú lẫn kíp mổ Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ cho thấy phẫu thuật viên phớt lờ quy chế chuyên môn nên mổ tiếp khi thấy có dấu hiệu bất thường. Hậu quả là gây ra tai biến chảy máu không ngừng nên buộc phải cắt bỏ quả thận còn tốt bên phải để cứu bệnh nhân trong trường hợp gọi là “bất khả kháng”.
Điều đáng quan tâm là sau khi xảy ra sự cố, Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ giải thích rằng thận chị Tú là thận “móng ngựa”, dễ gặp biến chứng khi phẫu thuật vì dính nhau, dây thần kinh chằng chịt…
Tuy nhiên, sau khi mổ bệnh viện không giữ lại hai quả thận đã cắt nên giờ đây làm sao xác định được thận chị Tú có bị “móng ngựa” hay không?!

Muốn đối chất với bác sĩ để làm rõ vụ đặt “lộn” ống niệu quản

Cho rằng bác sĩ Nguyễn Văn Nghĩa - Phó Giám đốc Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ - trả lời với một số cơ quan báo chí với nội dung thiếu khách quan, ngày 14/12, chồng bệnh nhân Nguyễn Minh Hiếu (33 tuổi) ở đường Nguyễn Thị Minh Khai, phường An Cư (Ninh Kiều, TP Cần Thơ) tiếp tục khiếu nại đến Sở Y tế TP Cần Thơ.

Trao đổi với phóng viên, ông Trần Hữu Bình - Chánh Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ - cho biết, đã chuyển  đơn khiếu nại đến lãnh đạo Bệnh viện Đa khoa TP Cần Thơ để giải quyết theo thẩm quyền.


Đối với nội dung vợ chồng anh Giàu muốn đối chất với với bác sĩ phẫu thuật, lãnh đạo Thanh tra Sở Y tế TP Cần Thơ hứa sẽ sắp xếp cho hai bên gặp nhau để làm sáng tỏ mọi chuyện. 
Theo VTC