Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam

08/01/2012 22:00
Theo Sức Khoẻ Đời Sống
Được biết, bệnh nhân Nguyễn Duy Hải bị khối bướu ở chân phải từ năm 4 tuổi. Khối bướu ngày một lớn khiến anh không thể di chuyển và rất bất tiện.

Từ tâm huyết của những người thầy thuốc

Tại Bệnh viện FV, TP.HCM, sau 11 giờ 23 phút, BS. McKay McKinnon (đến từ Mỹ) cùng một êkíp đông đảo gồm 60 y, bác sĩ tham gia từ khâu chuẩn bị đến tiến hành cuộc phẫu thuật đã thực hiện cắt bỏ thành công khối bướu nặng 82kg ở chân phải cho anh Nguyễn Duy Hải, sinh năm 1980, ngụ tại 26/30 Xuân An, P.3, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. BS.

Gerard Desvignes, Giám đốc Y khoa của Bệnh viện FV khẳng định: “Đây không phải là khối bướu độc, nhưng có khối lượng khổng lồ, bệnh có tên khoa học là Von Recklinghausen’s neurofibromatosis. Tôi cảm thấy rất tự hào về đội ngũ tham gia chuẩn bị và thực hiện ca phẫu thuật hiếm có này. Tất cả đều xuất phát từ tấm lòng và tâm huyết của những người thầy thuốc”.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 1
 Bệnh nhân trong tư thế nằm sấp chuẩn bị ca mổ.

BS. McKay McKinnon, phẫu thuật viên chính cho biết: “Đầu tháng 11/2011, tôi dự định phẫu thuật cho anh Nguyễn Duy Hải tại Bệnh viện Ung bướu TP.HCM nhưng vì nhiều lý do, ca phẫu thuật đã bị hoãn lại”.

Được biết, bệnh nhân (BN) Nguyễn Duy Hải bị khối bướu ở chân phải từ năm 4 tuổi. Khối bướu ngày một lớn khiến anh không thể di chuyển và rất bất tiện trong sinh hoạt. Năm 1997, anh Hải quyết định cắt bỏ khối bướu, đồng thời cắt bỏ cả chân phải. Năm 2001, khối bướu lại tiếp tục phát triển. Anh Duy Hải đã chữa trị nhiều nơi nhưng không khỏi, cho đến khi được BS. McKay McKinnon tiếp nhận phẫu thuật.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 2
 Các bác sĩ bàn bạc thống nhất phương án phẫu thuật.

Ngày 27/12/2011, anh Nguyễn Duy Hải đã nhập viện tại Bệnh viện FV và được thăm khám cẩn thận, thực hiện một số xét nghiệm cần thiết cũng như kiểm tra chức năng các cơ quan và khám tiền mê. Kết quả cho thấy, chức năng phổi và tim của anh Hải đã cải thiện hơn thời gian trước, chức năng gan và thận đều bình thường. Chân trái có dấu hiệu teo cơ nhưng vẫn giữ được chức năng cơ bản.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 3
 BS. McKay McKinnon đánh dấu xác định vùng khối bướu sẽ cắt bỏ.

Ngày 3/1/2012, BS. McKay McKinnon đã cùng hội chẩn với đội ngũ y, bác sĩ tại Bệnh viện FV để đánh giá toàn diện sức khỏe của BN trước ca phẫu thuật. Theo BS. Gerard Desvignes, Giám đốc Y khoa của Bệnh viện FV: Sức khỏe BN có thể đáp ứng được với ca phẫu thuật. Tuy nhiên, đây là một ca phẫu thuật lớn với rất nhiều rủi ro đi kèm nguy cơ tử vong trong quá trình phẫu thuật lẫn hậu phẫu. Tỷ lệ thành công là “5 ăn 5 thua”.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 4
 BS. McKay McKinnon rạch đường mổ đầu tiên.

Đến chiến thắng ngoạn mục

Vượt lên trên tất cả, bằng tất cả quyết tâm “còn nước còn tát”, ca phẫu thuật đã được tiến hành. 6 giờ 30 phút,  ngày 5/1/2012 BN được chuyển vào phòng mổ. 8 giờ 55 phút, ca phẫu thuật bắt đầu với êkíp phẫu thuật gồm: BS. McKay McKinnon (phẫu thuật viên chính) và 3 bác sĩ ngoại tổng quát của Bệnh viện FV là BS. Phan Văn Thái, BS. Lê Đức Tuấn và BS. Nguyễn Quốc Thái cùng 3 bác sĩ và 2 kỹ thuật viên gây mê của Bệnh viện FV.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 5
 Toàn bộ khối u vừa được cắt bỏ.

Đúng như tiên lượng, cuộc phẫu thuật đã xuất hiện rất nhiều nguy cơ. Theo BS. Nguyễn Quốc Thái, một trong 3 phẫu thuật viên: “Nhờ có các khâu chẩn bị và chẩn đoán kỹ càng, chính xác trước mổ nên chúng tôi đã không làm tổn thương đến các cơ quan quan trọng khác của cơ thể BN.

Vì khối bướu quá lớn, xương chậu bị đè teo, mạch máu nuôi khối bướu ở vùng chậu quá nhiều, quá lớn (có mạch máu lên đến 2,5cm) thành cả đám rối, nếu không kiểm soát tốt sẽ khiến BN tử vong ngay trên bàn mổ”.

Cũng theo BS. Thái: “Có lúc huyết áp BN tụt, độ toan của máu giảm thấp, hoặc có giai đoạn máu chảy ồ ạt… nếu không phát hiện và xử trí kịp sẽ gây nguy hiểm cho chính tính mạng BN. Đây là ca phẫu thuật sử dụng số lượng máu truyền rất lớn - 7 lít máu”.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 6
 Quá trình phẫu thuật của BS. McKay McKinnon và hai bác sĩ Việt Nam.

Không những thế, quá trình gây mê cũng là một yếu tố quyết định do BN phải gây mê trong suốt thời gian dài (14 giờ). BS.Thái Thị Hoa, Trưởng khoa Gây mê hồi sức Bệnh viện FV cho biết: “Nhờ áp dụng kỹ thuật truyền máu hoàn hồi, tức lấy máu của chính BN chảy ra, thông qua một hệ thống máy cellsaver truyền ngược lại cho BN đã giúp cuộc mổ thành công đáng kể do hạn chế truyền máu của người khác vào BN quá nhiều”.

Cắt thành công khối bướu nặng gần 1 tạ tại Việt Nam ảnh 7
Kết thúc ca mổ, bệnh nhân được chuyển về phòng chăm sóc hậu hẫu. Ảnh: PV

Sáng ngày 6/1/2012, BS. Nguyễn Hữu Tùng, Tổng giám đốc Tập đoàn Y khoa Hoàn Mỹ, đại diện cho Hội Y học TP.HCM; Hội Hành nghề y tư nhân và Quỹ. BS. Tùng đã đến Bệnh viện FV chúc mừng thành công của ca phẫu thuật. Bác sĩ Tùng tỏ ý ngưỡng mộ bàn tay khéo léo của êkíp phẫu thuật, đặc biệt là đôi tay vàng của BS. McKay McKinnon đã giúp bệnh nhân có cơ hội hòa nhập cuộc sống tốt đồng thời đã tặng êkíp mổ 50 triệu đồng.

Sau khi khối bướu được tách khỏi, các bác sĩ đã tiến hành tạo hình cho BN. Đây cũng là một khâu rất quan trọng. Theo BS. Nguyễn Quốc Thái: “Cả êkíp đã phải tính toán rất kỹ để làm sao khi kết thúc cuộc mổ có thể đóng vết mổ lại được vì khối bướu quá lớn, rất may là đã đóng được da cho BN một cách ngoạn mục đúng như dự định ban đầu”.

Đến 21 giờ 3 phút, tức sau 11 giờ 23 phút, ca phẫu thuật đã hoàn thành, BN được đưa lên phòng chăm sóc đặc biệt chuyên sâu ICU, “Hiện, BN không cần dùng thuốc vận mạch, huyết động ổn định, nước tiểu tốt, sau khi truyền máu, tiểu cầu, huyết tương tươi đông lạnh, BN không có dấu hiệu rối loạn đông máu. Tuy nhiên, BN vẫn cần dùng thuốc an thần, thở máy vì phổi chưa hoạt động tốt lắm”, BS. Gerard Desvignes chia sẻ.

Theo thông tin mới nhất, BS. Nguyễn Quốc Thái cho biết: Hiện vết mổ của BN đã ngưng chảy máu (đây là dấu hiệu quan trọng nhất) và trong điều kiện đảm bảo vô trùng tốt như ở Bệnh viện FV thì khả năng thành công của ca phẫu thuật và phục hồi của BN là rất cao.  

Tổng chi phí của ca phẫu thuật ước tính khoảng 420 triệu đồng (20.000 USD), chưa bao gồm phí phẫu thuật viên. Tuy nhiên, Bệnh viện FV chỉ thu 252 triệu đồng, trong đó Hội Chữ thập đỏ Đà Lạt ủng hộ 110 triệu đồng và các nhà hảo tâm khác ủng hộ 142 triệu đồng thông qua sự kêu gọi của các đơn vị báo, đài trong thời gian qua. Toàn bộ chi phí ăn, ở và đi lại của BS. McKay McKinnon trong thời gian một tuần ở Việt Nam do Bệnh viện FV tài trợ. Đồng thời, BS. McKay McKinnon cũng hoàn toàn không tính phí phẫu thuật cho BN.

Theo Sức Khoẻ Đời Sống