Chú trọng 3 trụ cột trong công tác an toàn thực phẩm

08/11/2019 06:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh, có 3 trụ cột gồm xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật, hệ thống thanh tra chuyên ngành, hệ thống kiểm nghiệm.

Ngày 7/11 tại Hà Nội, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế phối hợp với Viện Kiểm nghiệm an toàn thực phẩm quốc gia tổ chức Hội nghị Khoa học An toàn thực phẩm năm 2019.

Phát biểu tại hội nghị, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong, Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã nhấn mạnh, trong công tác an toàn thực phẩm có 3 trụ cột cần quan tâm chú trọng, đó là xây dựng hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về an toàn thực phẩm, hệ thống thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm và hệ thống kiểm nghiệm an toàn thực phẩm.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại hội nghị.
Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong phát biểu tại hội nghị.

Theo Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong, về công tác xây dựng pháp luật, hiện nay chúng ta đã có Luật An toàn thực phẩm, các Nghị định và Thông tư hướng dẫn Luật, các chiến lược, kế hoạch hành động quốc gia về An toàn thực phẩm, các Chỉ thị của Đảng, Nghị quyết của Quốc hội,… đã và đang đáp ứng yêu cầu công tác quản lý An toàn thực phẩm cũng như phù hợp với quá trình hội nhập quốc tế.

Về thanh tra, theo Luật Thanh tra thì chỉ có cơ quan thanh tra đến cấp tỉnh, thành phố, tuy nhiên riêng lĩnh vực an toàn thực phẩm, đang thí điểm triển khai thanh tra đến cấp huyện, thị xã, thậm chí là xã, phường tại một số địa phương.

Cục trưởng Nguyễn Thanh Phong nhấn mạnh: “Trên thực tế cho thấy, lĩnh vực an toàn thực phẩm là lĩnh vực đặc thù vì trong số hơn 500.000 cơ sở sản xuất thực phẩm ở nước ta thì 80% là quy mô vừa và nhỏ lẻ. Do đó việc có thêm thanh tra chuyên ngành cấp xã, phường, thị trấn và quận huyện sẽ góp phần nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm”. 

Hà Nội đã có xe kiểm nghiệm là có thể xét nghiệm tại chỗ cùng lúc nhiều loại thực phẩm.
Hà Nội đã có xe kiểm nghiệm là có thể xét nghiệm tại chỗ cùng lúc nhiều loại thực phẩm.

Về hoạt động kiểm nghiệm an toàn thực phẩm, ông Nguyễn Thanh Phong nêu rõ, hoạt động kiểm nghiệm thực phẩm đóng vai trò hết sức quan trọng trong việc quản lý chất lượng về an toàn thực phẩm.

Hệ thống kiểm nghiệm của Việt Nam trong những năm qua đã được chú trọng đầu tư từ tuyến Trung ương đến địa phương.

Tuy nhiên, trong tình hình mới về quản lý an toàn thực phẩm như vấn đề tiền kiểm, tăng hậu kiểm đòi hỏi phải trang bị những trang thiết bị chính xác bắt nhịp cùng với khoa học kiểm nghiệm các nước tiên tiến trên thế giới.

“Bộ Y tế và các Bộ, ngành liên quan đang tích cực nâng cao năng lực kiểm nghiệm đối với tuyến địa phương bằng các hình thức như: cải tạo cơ sở hạ tầng kỹ thuật, đầu tư trang thiết bị, đào tạo chuyên môn nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ làm công tác kiểm nghiệm”, ông Phong cho biết.

Cũng tại hội nghị, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Ngô Quang, quyền Quản lý, phụ trách và điều hành Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo khẳng định, Hội Khoa học an toàn thực phẩm năm 2019 là cơ hội để các nhà quản lý, các nhà khoa học cung cấp nhiều kết quả trong việc xây dựng, triển khai các kỹ thuật kiểm nghiệm tiên tiến.

Đây cũng là cơ sở tiền đề trong việc hỗ trợ đào tạo nhân lực, cải tạo và nâng cao cơ sở vật chất kỹ thuật, bổ sung thiết bị hiện đại, xây dựng các phương pháp thử khó và mang tính chất phức tạp, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của xã hội đối với các thực phẩm đang lưu thông trên thị trường.

Nhiều đại biểu tham dự phiên họp đưa ra những ý kiến hết sức quý báu kiểm soát an toàn thực phẩm.
Nhiều đại biểu tham dự phiên họp đưa ra những ý kiến hết sức quý báu kiểm soát an toàn thực phẩm.

Trong khuôn khổ Hội nghị diễn ra 03 phiên thảo luận:

Phiên 1: Phiên toàn thể, các đại biểu được nghe một số nội dung chính: 

1. Vai trò của Kiểm nghiệm trong công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm;

2. Sàng lọc hợp chất chưa biết trong thực phẩm;

3. Giải trình tự, định danh vi sinh vật.

Phiên 2: Chủ đề “ Kiểm nghiệm, đánh giá chất lượng và an toàn thực phẩm” với 05 nội dung:

1. Nghiên cứu thực trạng an toàn vệ sinh thực phẩm tại các bếp ăn thể doanh nghiệp tỉnh Nam Định năm 2018;

2. Ứng dụng phương pháp sắc ký lỏng ghép khối phổ tứ cực/ thời gian bay (UPLC-QTOF-MS) để giám sát tồn dư kháng sinh trong thịt, cá;

3. Màng phân hủy sinh học kháng khuẩn dùng bảo quản thực phẩm;

4. Khảo sát hàm lượng Rutin trong một số cao dược liệu hoa hòe được sử dụng làm nguyên liệu trong các chế phẩm thực phẩm bảo vệ sức khỏe bằng HPLC-UV;

5. Nghiên cứu phương pháp xác định một số steviol glycoside trong thực phẩm bằng sắc ký lỏng khối phổ hai lần (LC-MS/MS)

Phiên 3: Nội dung Đào tạo - Thực hành tốt phòng thí nghiệm được hướng dẫn chi tiết của Viện Kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm quốc gia tổ chức.

Ngọc Hân