Đau đầu quản lý xe gắn máy dành cho học sinh

04/12/2020 06:29
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù đã có chế tài pháp luật đầy đủ, tuy nhiên việc quản lý học sinh sử dụng xe gắn máy dưới 50cc vẫn đang gặp nhiều khó khăn.

Bố mẹ quản lý con ra sao?

Những chiếc xe máy dưới 50cc giờ đây đã là hình ảnh quen thuộc gắn với học sinh các trường trung học phổ thông. Tuy nhiên vấn đề được đặt ra là gia đình quản lý con em mình sử dụng xe ra sao? Các trường phối hợp thế nào với phụ huynh và các đơn vị chức năng để kiểm tra, giám sát việc học sinh sử dụng những chiếc xe máy này?

Việc sử dụng một chiếc xe để phục vụ nhu cầu đi lại đơn thuần thì không có gì là xấu. Nhưng khi chiếc xe trở thành vật đọ độ chịu chơi của học sinh thì đó là hành vi không tốt, thậm chí vi phạm pháp luật.

Trên thực tế đã có không ít những chiếc xe dung tích dưới 50cc được chủ nhân của chúng “độ” pô, trang trí vỏ xe, thậm chí doa nòng để dung tích lên tới 60-80cc.

Và, trên đường phố Hà Nội vẫn còn nhiều học sinh đi xe máy nhưng không đội mũ bảo hiểm, không sử dụng gương chiếu hậu, lạng lách, chở ba... vì những lí do trên mà chính các em là nạn nhân trong những vụ tai nạn thương tâm xảy ra gần đây.

Quản lý học sinh đi xe máy rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và nhà trường. (Ảnh C.K.A)

Quản lý học sinh đi xe máy rất cần sự phối hợp chặt chẽ của gia đình và nhà trường. (Ảnh C.K.A)

Trao đổi với phóng viên, tại Trường Trung học Phổ thông Kim Liên (Đống Đa, Hà Nội), anh Nguyễn Văn Nam đang chờ đón con là học sinh lớp 11 của trường cho biết: “Để tiết kiệm được thời gian, anh có thể bỏ ngay tiền ra mua cho con gái mình một chiếc xe dung tích nhỏ cho con chủ động di chuyển.

Thế nhưng vì sự an toàn của con mình cũng như người khác, dù vất vả một tí anh vẫn đưa đón con mỗi ngày. Nhanh một phút, chậm một đời, mình cứ nghĩ như thế là phải đảm bảo an toàn cho con cũng như xã hội”.

Tuy nhiên, cũng có những phụ huynh lại cho rằng, vào trung học phổ thông là con đã có thể tự đi xe máy.

Chị Nguyễn Thị Hồng, một phụ huynh học sinh lớp 11 cho hay: “Hôm nay tôi mới đi đón con, vì gia đình có việc bận. Bình thường cháu toàn đi xe đến trường. Chiếc xe có 12 triệu nên mua cho cháu đi học cho chủ động. Chị đọc hết luật rồi, cứ lên cấp 3 là có thể đi xe nên thi lớp 9 xong là chị mua cho cháu”.

Thực tế cho thấy rằng, rất nhiều phụ huynh và học sinh không am hiểu luật giao thông đường, thậm chí có những người không quan tâm quy định pháp luật về vấn đề sử dụng phương tiện đi lại cho con em mình đúng hay sai, hợp lý hay không... điều đó rất nguy hiểm cho sức khỏe, tính mạng của chính con em họ, thậm chí có thể gây nguy hiểm cho những người khác khi tham gia giao thông.

Nhiều học sinh đi xe máy nhưng chưa được học luật

Những năm trở lại đây, do nhu cầu di chuyển cho học sinh đi học, đặc biệt tại các thành phố lớn, xe gắn máy dưới 50cc được rất nhiều phụ huynh ưa chuộng, lựa chọn.

Lý do chính là sự tiện dụng và người điều khiển theo quy định của pháp luật đủ 16 tuổi đã có thể làm chủ phương tiện.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3”. (Ảnh C.K.A)

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3”. (Ảnh C.K.A)

Loại phương tiện này nếu được di chuyển trong đô thị với tốc độ lên tới 50km/giờ trong khi người điều khiển chưa đủ nhận thức về an toàn giao thông đang trở thành nguy cơ tiềm ẩn cho việc gây mất an toàn giao thông rất cao.

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 60 Luật Giao thông đường bộ 2008 có quy định: “Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3”. Như vậy, người đủ 16 tuổi trở lên mới được lái xe 50cc. Theo tính toán, người đủ 16 tuổi trở lên ở trường học ít nhất phải học hết học kì 1 (nếu học sinh đó sinh vào các tháng đầu năm) thì mới đủ 16 tuổi theo quy định của pháp luật.

Ấy thế mà qua khảo sát được biết, lí do học sinh được trở thành “chủ nhân” của những chiếc xe vì chúng chính là món quà các em được nhận khi trở thành học sinh cấp 3.

Điều này hết sức nguy hiểm vì vừa vi phạm pháp luật, vừa gây nguy hiểm cho chính con em mình. Bởi theo quy định tại Khoản 1 Điều 21, Nghị định 46/2016/NĐ-CP như sau: “Phạt cảnh cáo người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi điều khiển xe mô tô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe tương tự xe mô tô hoặc điều khiển ô tô, máy kéo và các loại xe tương tự xe ô tô”.

Ngoài ra, người giao xe cũng bị phạt theo điểm đ, Khoản 4, Điều 30 Nghị định 46/2-16/NĐ-CP, cụ thể:

“Phạt tiền từ 800.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với cá nhân, từ 1.600.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với tổ chức là chủ xe mô tô, xe gắn máy và các loại xe tương tự xe mô tô thực hiện các hành vi vi phạm sau đây:

[…]

đ) Giao xe hoặc để cho người không đủ điều kiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 58 của Luật Giao thông đường bộ điều khiển xe tham gia giao thông (bao gồm cả trường hợp người điều khiển phương tiện có Giấy phép lái xe nhưng đã hết hạn sử dụng).”

Dù đã được quy định rõ ràng như trên trong văn bản quy phạm pháp luật nhưng do vô tình hoặc cố ý mà nhiều phụ huynh vẫn làm sai.

Điều đáng nói nếu chưa đủ tuổi pháp luật quy định đồng nghĩa với việc nhận thức của các học sinh này cũng chưa đầy đủ, đúng đắn dẫn đến gặp tai nạn khi điều khiển phương tiện tham gia giao thông.

Điều này gây nguy hiểm cho không chỉ cá nhân học sinh, gia đình mà còn gây nguy hiểm cho toàn xã hội.

Theo thống kê, trung bình mỗi năm có tới 2.000 trẻ em thiệt mạng vì tai nạn giao thông trên cả nước.

Số liệu của Ủy ban An toàn giao thông Quốc gia năm 2017 cho biết: Học sinh cấp 3 có liên quan tới 90% tổng số vụ tai nạn giao thông cua trẻ em và tỷ lệ tử vong do tai nạn giao thông của nhóm này có xu hướng gia tăng, cụ thể tỷ lệ tử vong là 7,39/100.000 học sinh.[1]

Những tháng đầu năm 2020, cả nước cũng ghi nhận nhiều vụ tai nạn thương tâm, mà nạn nhân là những em học sinh vẫn đang còn ngồi trên ghế nhà trường.

Vậy câu hỏi đặt ra, trách nhiệm cho việc sử dụng xe dưới 50cc, dù có quản lý nhưng không đúng cách và gây nguy cơ tiềm ẩn về những vụ tai nạn giao thông cho xã hội của học sinh hiện nay thuộc về gia đình, nhà trường hay các cấp quản lý?

Trao đổi với phóng viên Giáo dục Việt Nam, cô Nguyễn Thị Hiền, Hiệu trưởng Trường Trung học Phổ thông Kim Liên, Đống Đa, Hà Nội, là một trong những trường có số học sinh tham gia sử dụng xe gắn máy khá lớn cho biết:

“Để quản lý số lượng học sinh sử dụng các phương tiện giao thông nói chung và xe gắn máy dưới 50cc nói riêng nhà trường luôn thống kê số liệu học sinh tham gia giao thông, bố trí đầy đủ nhà xe đầy đủ cho học sinh để đáp ứng nhu cầu gửi xe khi sinh hoạt và học tập tại trường.

Công tác tuyên truyền an toàn giao thông cho học sinh được nhà trường luôn chú trọng và thực hiện tốt.

Các hoạt động như tổ chức học nội quy ngay trong tuần đầu tiên của năm học; phát động Tháng an toàn giao thông trong giờ chào cờ; tuyên truyền qua các buổi phát thanh tại trường; hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam…

Đoàn trường tại Trường Trung học Phổ thông Kim Liên tích cực trong việc ra quân kiểm tra việc thực hiện an toàn giao thông.

Hằng ngày, bộ phận bảo vệ nhà trường cũng kiểm tra, nhắc nhở học sinh việc đội mũ bảo hiểm, đi xe máy đúng phân khối theo quy định đối với độ tuổi…

Những trường hợp vi phạm, chúng tôi thông báo cho giáo viên chủ nhiệm và phụ huynh học sinh kết hợp giáo dục học sinh, yêu cầu phụ huynh học sinh đến trường làm biên bản cam kết không để học sinh tái phạm”.

Do hoàn thành tốt công tác quản lý học sinh sử dụng xe phân khối dưới 50cc trong phạm vi nhà trường nên từ đầu năm đến nay Trường Trung học Phổ thông Kim Liên không ghi nhận học sinh nào vi phạm từ cơ quan chức năng.

Trước tình trạng chung việc phát triển của việc sử dụng bất hợp lý xe gắn máy có dung tích dưới 50cc của học sinh, cần phải có sự phối hợp của nhà trường, cơ quan quản lý và đặc biệt là phụ huynh học sinh.

Chính tính mạng của các em và người xung quanh đang bị đe dọa bởi những nguy cơ tiềm ẩn do những sơ suất, nuông chiều và không chặt chẽ trong khâu quản lý con em, học sinh và xã hội của các bên có liên quan.

Tài liệu tham khảo:

[1] https://mt.gov.vn/vn/tin-tuc/67659/no-luc-giam-tai-nan-giao-thong-o-lua-tuoi-hoc-sinh.aspx

Cao Kim Anh