Học sinh trung học ở Thủ đô thản nhiên đi xe máy đến trường

27/10/2019 06:54
Nguyễn Đức Minh
(GDVN) - Tình trạng học sinh đi xe máy đến trường tại các trường phổ thông đã làm dấy lên hồi chuông cảnh báo về ý thức chấp hành luật giao thông của giới trẻ hiện nay.

Điều kiện kinh tế ngày càng phát triển, kéo theo một loạt các vấn đề xã hội nhức nhối, đặc biệt trong đó là tình trạng học sinh trung học phổ thông tự ý sử dụng xe máy tham gia giao thông khi chưa đủ tuổi.

Cụ thể tình trạng này được phóng viên Báo điện tử Giáo dục Việt Nam ghi nhận ở một số trường như Trường trung học phổ thông Kim Liên, Trương Định...

Theo thống kê của Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, tại Hà Nội, tai nạn giao thông  liên quan trẻ em không ngừng gia tăng. Học sinh trung học phổ thông chiếm tới 90% các vụ tai nạn giao thông liên quan tới trẻ em trong 3 năm gần đây.

Đây thực sự là con số đáng báo động về sự an toàn của học sinh khi tham gia giao thông nhưng dường như nó vẫn chưa đủ sức để răn đe chính các em học sinh và phụ huynh?

Nhiều học sinh đi xe máy phân khối lớn vượt quá quy định. (Ảnh: Đức Minh).
Nhiều học sinh đi xe máy phân khối lớn vượt quá quy định. (Ảnh: Đức Minh).

Các em đã vi phạm luật giao thông đường bộ

Theo điều 60 Luật Giao thông đường bộ quy định về độ tuổi, sức khỏe của người lái xe khi tham gia giao thông như sau:

1. Độ tuổi của người lái xe quy định như sau:

a) Người đủ 16 tuổi trở lên được lái xe gắn máy có dung tích xi-lanh dưới 50 cm3;

b) Người đủ 18 tuổi trở lên được lái xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh có dung tích xi-lanh từ 50cm3 trở lên và các loại xe có kết cấu tương tự; xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải dưới 3.500 kg; xe ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi;

c) Người đủ 21 tuổi trở lên được lái xe ô tô tải, máy kéo có trọng tải từ 3.500 kg trở lên; lái xe hạng B2 kéo rơ moóc (FB2);

d) Người đủ 24 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người từ 10 đến 30 chỗ ngồi; lái xe hạng C kéo rơ moóc, sơ mi rơ moóc (FC);

đ) Người đủ 27 tuổi trở lên được lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi; lái xe hạng D kéo rơ moóc (FD);                                                                                     

Quản lý chặt xe đạp, xe máy điện, đảm bảo an toàn giao thông
Quản lý chặt xe đạp, xe máy điện, đảm bảo an toàn giao thông

e) Tuổi tối đa của người lái xe ô tô chở người trên 30 chỗ ngồi là 50 tuổi đối với nữ và 55 tuổi đối với nam.

2. Người lái xe phải có sức khỏe phù hợp với loại xe, công dụng của xe.

Bộ trưởng Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải quy định về tiêu chuẩn sức khỏe của người lái xe, việc khám sức khỏe định kỳ đối với người lái xe ô tô và quy định về cơ sở y tế khám sức khoẻ của người lái xe.

Như vậy, rõ ràng việc các em điều khiển phương tiện trên 50cc tham gia giao thông nói chung, đi đến trường học nói riêng là hành vi vi phạm pháp luật.

Không những không đủ tuổi để điều khiển mô tô, xe gắn máy, các em còn chưa đủ tuổi để được cấp bằng lái xe.

Theo điều 58 Luật Giao thông đường bộ quy định, người lái xe tham gia giao thông phải đủ độ tuổi, sức khoẻ quy định tại Điều 60 của Luật này vàcó giấy phép lái xe phù hợp với loại xe được phép điều khiển do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp.

Cũng theo điều 58, Người lái xe khi điều khiển phương tiện phải mang theo các giấy tờ sau:

a) Đăng ký xe;

b) Giấy phép lái xe đối với người điều khiển xe cơ giới quy định tại Điều 59 của Luật này;

c) Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới quy định tại Điều 55 của Luật này;

d) Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới.

Không những không đủ tuổi điều khiển xe máy trên 50cc tham gia giao thông, không có giấy tờ xe khi tham gia giao thông, một số em học sinh còn không đội mũ bảo hiểm khi điều khiển phương tiện giao thông.

Tình trạng học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm cũng diễn ra khá phổ biến. (Ảnh: Đức Minh).
Tình trạng học sinh đi xe máy không đội mũ bảo hiểm cũng diễn ra khá phổ biến. (Ảnh: Đức Minh).

Không chỉ thể hiện ý thức kém của một bộ phận học sinh trong việc chấp hành nghiêm chỉnh luật giao thông, đây cũng là hồi chuông đáng báo động về hiệu quả của công tác tuyên truyền, giáo dục An toàn giao thông trong nhà trường, sự thiếu quyết liệt trong việc ngăn cấm học sinh đi xe máy đến trường, để các em được tự ý để xe trong trường học và sự thờ ơ của phụ huynh khi để các em tùy ý tham gia giao thông một cách  “trần trụi” như vậy.

Phải chăng là do nhà trường đã bất lực trong việc kiểm soát học sinh điều khiển mô tô khi chưa đủ tuổi?

Các bậc phụ huynh đã quá bận bịu, hay đã quá dễ dãi, nuông chiều các con, để các em muốn gì được nấy, được “tùy ý” tham gia giao thông mà không hề kiểm soát? Đến khi các con bị lực lượng cảnh sát giao thông bắt giữ, xử lí thì lại chạy chọt, xin xỏ.

Tương lai của giới trẻ nằm trong chính đôi bàn tay của các em, nhưng để các em có thể vững vàng nắm giữ tương lai ấy một phần phải nhờ vào sự giáo dục của các thầy cô và các bậc phụ huynh.

Hy vọng rằng, các bậc phụ huynh hãy nhận thức được sự nguy hiểm của việc để các con được tự do điều khiển xe máy khi tham gia giao thông, sẽ không mua hoặc giao xe máy cho con em khi các em chưa đủ tuổi, chưa có giấy phép lái xe.

Nhà trường cần tích cực hơn, quyết liệt hơn trong việc kiểm soát tình trạng học sinh đi xe máy đến trường học, công tác tuyên truyền giáo dục an toàn giao thông tại các  trường cần tiếp tục được tăng cường, đẩy mạnh hơn nữa bằng nhiều hình thức phong phú, trực quan, để các em có thể nhận thức được tầm quan trọng của việc chấp hành luật giao thông, tránh những tình huống đáng tiếc xảy ra khi tham gia giao thông. 

Tài liệu tham khảo:

http://vanban.chinhphu.vn/portal/page/portal/chinhphu/hethongvanban?class_id=1&mode=detail&document_id=81140

https://giaoduc.net.vn/giao-duc-24h/hoc-sinh-di-xe-may-vi-pham-giao-thong-nhieu-loi-tai-ai-post202645.gd                                                         

Nguyễn Đức Minh