Điều trị nghiện ma túy bằng Methadone tiết kiệm 4.500 tỷ cho gia đình bệnh nhân

09/11/2019 17:09
Ngọc Hân
(GDVN) - Bình thường bệnh nhân chi khoảng 84 triệu đồng/năm cho ma túy, nhưng bằng phương pháp mới chỉ tốn khoảng 4 triệu đồng.

Theo thông tin được Cục Phòng chống HIV/AIDS (Bộ Y tế) tổ chức gặp mặt phóng viên báo chí nhân Tháng hành động quốc gia phòng, chống HIV/AIDS (10/11 - 10/12/2019), số người nghiện ma túy được quản lý tại cơ sở điều trị Methadone từ năm 2015 đến cuối năm 2017 tăng gần 10%.

Giai đoạn 2008-2012 mô hình cơ sở điều trị toàn diện đặt tại tuyến huyện ở 20 tỉnh, thành phố.

Từ năm 2013 đến nay tiếp tục mở rộng mô hình cơ sở điều trị toàn diện; triển khai thêm cấp phát thuốc tại tuyến xã; đa dạng hóa hình thức triển khai, mở thêm cơ sở điều trị tư nhân; triển khai thêm trong hệ thống ngành lao động –Thương binh-xã hội và ngành công an.

Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin số người nghiện ma túy được điều trị Methadone hiện lên tới gần 53.000 người.
Ông Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS thông tin số người nghiện ma túy được điều trị Methadone hiện lên tới gần 53.000 người.

Hiệu quả do điều trị Methadone mang lại là làm giảm và tiến tới ngừng sử dụng ma túy bất hợp pháp; giảm hành vi nguy cơ lây nhiễm HIV (sử dụng chung bơm kim tiêm, sử dụng bao cao su khi quan hệ tình dục); giảm nguy cơ lây nhiễm HIV và bệnh lây truyền qua đường máu; cải thiện sức khỏe tâm thần và thể chất, cải thiện chất lượng cuộc sống;

Đồng thời, giảm các hành vi vi phạm pháp luật liên quan đến ma túy, giảm các hành vi cầm cố đồ đạc trong gia đình... Những mâu thuẫn trong gia đình và ngoài cộng đồng đã giảm rõ rệt trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị Methadone. Theo nghiên cứu của Bộ Y tế, bệnh nhân có hành vi ảnh hưởng đến gia đình giảm từ 90% trước điều trị xuống còn 2,27% sau 24 tháng điều trị.

Bên cạnh đó, khi điều trị bằng Methadone, sau 24 tháng, chỉ có 16% bệnh nhân tiếp tục sử dụng heroin (so với tỷ lệ này trước điều trị là 100%); tỷ lệ sử dụng trong nhóm bệnh nhân còn tiếp tục sử dụng cũng đã giảm đáng kể: Trước điều trị, khoảng 49% bệnh nhân sử dụng trên 5 lần/ngày, 45% sử dụng từ 3-4 lần/ngày và chỉ có 6% sử dụng 1-2 lần/ngày; Sau 12 tháng điều trị, không có bệnh nhân nào sử dụng nhiều hơn 2 lần/ngày và tỷ lệ này giảm xuống còn 2-3 lần/tháng.

Với số lần sử dụng ma túy giảm, người bệnh đã giảm được đáng kể chi phí. Bình thường bệnh nhân chi khoảng 84 triệu đồng/năm cho ma túy, nếu tham gia điều trị với 10.000 đồng/ngày, người bệnh chỉ mất khoảng 4 triệu đồng/năm. Như vậy với hơn 52.000 bệnh nhân, chương trình điều trị các chất gây nghiện dạng thuốc phiện bằng Methadone đã tiết kiệm cho gia đình bệnh nhân gần 4.500 tỷ đồng/năm. Đồng thời, chương trình cũng giúp nhiều bệnh nhân tìm được việc làm sau điều trị.

Cùng với hiệu quả điều trị Methadone, thời gian qua Bộ Y tế cũng đã thí điểm triển khai Buprenorphine (Suboxone) tại Việt Nam cho thấy Methadone và Buprenorphine đều có hiệu quả tương tự khi sử dụng để điều trị nghiện các chất dạng thuốc phiện; hiệu quả điều trị tăng cao khi có kèm theo các hỗ trợ tâm lý; giảm các hành vi vi phạm pháp luật trong nhóm bệnh nhân tham gia điều trị; giảm nguy cơ mắc các bệnh lây truyền qua đường máu (HIV, viêm gan)...

Tuy nhiên, Buprenorphine có tác dụng kéo dài: dùng cách 2-3 ngày; An toàn: ít tác động giảm hô hấp, ít nguy cơ quá liều; Ít tương tác với thuốc điều trị ARV; Đa dạng thuốc điều trị nghiện chất dạng thuốc phiện; Phù hợp với tỉnh miền núi (đi lại khó khăn, tỷ lệ bỏ trị cao)… nên giai đoạn 2019-2020 đã đưa vào triển khai sử dụng tại 8 tỉnh: Điện Biên, Sơn La, Nghệ An, Lai Châu, Yên Bái, Thanh Hóa, Hòa Bình, Hà Nội.

Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long thông tin tại buổi gặp mặt báo chí.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long thông tin tại buổi gặp mặt báo chí.

Tại cuộc họp, Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Hoàng Long, Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS cũng nêu 10 sự kiện nổi bật trong phòng, chống HIV/AIDS năm 2019. Theo đó, trong năm 2019 dịch HIV/AIDS trong cộng đồng tiếp tục thuyên giảm, mức 0,24% và còn xa so với mục tiêu chấm dứt đại dịch AIDS; Dịch vụ xét nghiệm được mở rộng và đa dạng hóa tăng cường phát hiện các trường hợp nhiễm mới HIV; Tăng cường sự huy động của cộng đồng vào phòng chống HIV/AIDS;

Cùng đó, điều trị dự phòng tiền phơi nhiễm (PrEP) được triển khai với tốc độ tăng trưởng khách hàng nhanh hơn so với các nước trong khu vực, với tỷ lệ duy trì cao. Đây được coi là vắc-xin phòng bệnh cho những người có nguy cơ cao. Điều trị ARV tiếp tục được mở rộng, hiện có 140.000 bệnh nhân đang điều trị bằng ARV với tỷ lệ tuân thủ sau 12 tháng điều trị đạt 88%, tải lượng vi-rút dưới ngưỡng ức chế (dưới 1.000 copy/ml máu) đạt 95%, dưới ngưỡng phát hiện (200 copy/ml máu) đạt 92%;

Khởi động chiến dịch quốc gia K=K (không phát hiện bằng không lây nhiễm) nhằm giảm kỳ thị phân biệt đối xử, tăng khả năng tiếp cận của người dân đến với các dịch vụ phòng chống HIV/AIDS; Chuyển đổi thành công điều trị ARV từ viện trợ sang bảo hiểm y tế (hiện đang có 40.000 bệnh nhân đang nhận thuốc ARV qua bảo hiểm y tế)…

Ngọc Hân