Giải pháp ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng

27/09/2018 06:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Đây là vấn đề vô cùng nóng bỏng cần được quan tâm giải quyết để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng, hỗ trợ doanh nghiệp phát triển minh bạch.

Theo các chuyên gia để đảm bảo quyền lợi của người tiêu dùng cũng như động viên các doanh nghiệp phát triển minh bạch, không chỉ ở thị trường trong nước mà còn vươn ra quốc tế thì dứt khoát phải áp dụng tiêu chuẩn GMP (Good Manufacturing Practices) - tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt.

Cụ thể hơn thì đây quy định áp dụng đối với cơ sở sản xuất, chế biến thực phẩm, dược phẩm nhằm kiểm soát các yếu tố ảnh hưởng tới quá trình hình thành chất lượng sản phẩm từ khâu thiết kế, xây lắp nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ chế biến; điều kiện phục vụ, chuẩn bị chế biến đến quá trình chế biến; bao gói, bảo quản và con người điều khiển các hoạt động trong suốt quá trình gia công, chế biến.

Ông Phạm Hưng Củng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam cho biết, có nhiều thuận lợi phát triển thực phẩm chức năng với hơn 4.000 thảo dược, 9.000 cây làm thực phẩm truyền thống. Kết hợp với sự phát triển của công nghệ, Việt Nam có nhiều điều kiện để đưa thảo dược thành sản phẩm cho sức khoẻ.

Trên thực tế thị trường trong nước cũng đang có sự gia tăng nhanh của các cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng với hàng nghìn sản phẩm khác nhau, rất đa dạng về chủng loại và giá cả.

Nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng bị thu giữ tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: TA.
Nguyên liệu sản xuất thực phẩm chức năng bị thu giữ tại quận Tân Bình, Thành phố Hồ Chí Minh. ảnh: TA.

Theo thống kê của Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam, nếu như năm 2000 mới chỉ có khoảng 63 sản phẩm thực phẩm chức năng của 13 cơ sở nhập khẩu vào Việt Nam, đến nay cả nước đã có tới 4.190 doanh nghiệp tham gia sản xuất và kinh doanh với khoảng 10.930 sản phẩm đang lưu hành.

Sự phát triển rất nhanh của các cơ sở thực phẩm chức năng mang đến nhiều lựa chọn cho người tiêu dùng, sự cạnh tranh gắt gao giữa các doanh nghiệp giúp nâng cao chất lượng sản phẩm.

Tuy nhiên, bên cạnh đó thì sự ra đời của hàng trăm cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng mỗi năm cũng khiến cho công tác quản lý gặp thêm nhiều khó khăn. Không phải cơ sở nào, doanh nghiệp nào cũng làm ăn đàng hoàng, thực tế là có rất nhiều vụ làm giả thực phẩm chức năng, được đầu tư máy móc hiện đại – tinh vi đến mức có mẫu mã, tem nhãn rất giống với hàng chính hang.

Nếu chỉ là người tiêu dùng thông thường thì rất khó để phân biệt đâu là sản phẩm thật, đâu là giả.

Ngoài ra, còn có một yếu tố khác nữa là một số doanh nghiệp, cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng còn quảng cáo sai sự thật, tâng bốc công hiệu của sản phẩm để dễ bán được hàng. Điều này gây ra tai hại lâu dài cho người sử dụng sản phẩm và làm rối loạn thị trường, tạo ra sự cạnh tranh không công bằng.

Minh chứng rõ nhất là Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) đã xử phạt hàng trăm trường hợp vi phạm các quy định trong lĩnh vực an toàn thực phẩm. Chỉ tính riêng trong tháng 8/2018, Cục An toàn thực phẩm đã xử lý 81 trường hợp vi phạm với tổng số tiền nộp phạt lên tới hơn 130 tỷ đồng.

Giải pháp ngăn chặn thực phẩm chức năng kém chất lượng ảnh 2

Phạt tù 2 năm đến chung thân tội sản xuất buôn bán phụ gia thực phẩm giả

Siết chặt quản lý, ngăn chặn sản phẩm kém chất lượng

Qua tổng kết, các cơ quan chức năng đưa ra nhận định, hiện tại nhiều cơ chế chính sách để phát triển, quản lý mặt hàng thực phẩm chức năng còn khá lỏng lẻo, chưa phù hợp, thiếu tính khả thi khiến không ít các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm chức năng mất phương hướng, làm ăn thiếu hiệu quả.

Từ 1/7/2019, Chính phủ có quy định tất cả cơ sở sản xuất thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe phải có giấy chứng nhận thực hành tốt (GMP) với các yêu cầu đặt ra là phải tiệm cận điều kiện sản xuất thuốc. Đây được coi là công cụ mạnh để ngăn chặn các cơ sở làm ăn bát nháo, ngăn chặn hiệu quả thực phẩm chức năng kém chất lượng lọt ra thị trường.

Theo lộ trình, sau 1/7/2019, các đơn vị vẫn không đạt tiêu chuẩn GMP (thực hành sản xuất tốt) thì không được cấp chứng nhận GMP và buộc phải dừng sản xuất.

Trước quy định này có ý kiến của doanh nghiệp cho rằng khó thực hiện, làm giảm đi cơ hội của doanh nghiệp.

Đồng thời có ý kiến cho rằng nên phân biệt loại thực phẩm chức năng xuất khẩu và dùng cho thị trường nội địa, để giảm bớt một số tiêu chí trong 10 tiêu chí hiện nay, đồng thời có lộ trình cho doanh nghiệp chuẩn bị tích cực hơn và người tiêu dùng có thể áp dụng rộng rãi hơn.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Hưng Củng - Phó Chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Thực phẩm chức năng Việt Nam khẳng định, nếu doanh nghiệp không đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP có nghĩa là doanh nghiệp không thể xuất khẩu sang các thị trường khác ngoài ASEAN, chưa nói đến việc đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe tại các thị trường như Mỹ, châu Âu...

Ông Củng khẳng định: “Để đáp ứng được tiêu chuẩn của GMP, doanh nghiệp phải đáp ứng không chỉ quy mô sản xuất mà còn cả về cơ sở hạ tầng, nhà xưởng, con người và quy trình quản lý ... đều phải thay đổi theo tiêu chuẩn GMP. Doanh nghiệp muốn phát triển bền vững thì phải đạt GMP”.

Một trong những đơn vị đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt vì vi phạm. ảnh: TrD.
Một trong những đơn vị đã bị Cục An toàn thực phẩm xử phạt vì vi phạm. ảnh: TrD.

Chia sẻ về nội dung này, ông Trần Văn Châu Trưởng phòng Công tác thanh tra (Cục ATTP, Bộ Y tế) cho biết, theo lộ trình từ 1/7/2019, doanh nghiệp ở nước ngoài vào Việt Nam cũng bắt buộc phải thực hiện đúng quy định.

“Đây sẽ là cuộc chơi bình đẳng bởi nếu doanh nghiệp nước ngoài không thực hiện thì không thể vào Việt Nam được. Với tiêu chuẩn GMP thì tình trạng làm ăn gian dối, đưa chất này chất kia vào trong thực phẩm chức năng sẽ bị loại bỏ, tình trạng chỉ mấy m2 cũng sản xuất thực phẩm chức năng sẽ được chấm dứt để tạo thị trường lành mạnh", ông Châu cho hay.

Ông Nguyễn Văn Lợi – Trưởng phòng Quản lý Mỹ phẩm (Cục dược, Bộ Y tế) cho biết, cơ quan quản lý chia sẻ với khó khăn của doanh nghiệp trong việc triển khai GMP. Tuy nhiên, sản phẩm được đưa vào sản xuất trong môi trường không bảo đảm tiêu chuẩn, chắc chắn không thể tạo ra sản phẩm an toàn và chất lượng. Đó là lý do tại sao cần áp dụng GMP. Đây là bộ nguyên tắc chung, không thể thêm vào hoặc bớt đi.

Trước những ý kiến lo ngại sản phẩm còn lưu hành trong kho chưa kịp tiêu thụ hết, theo ông Trần Văn Châu, những sản phẩm sản xuất trước ngày 1/7/2019 thì thời hạn lưu hành và sử dụng sản phẩm vẫn như bình thường, tức là không quá 24 tháng.

Yêu cầu cụ thể về GMP -  tiêu chuẩn hướng dẫn thực hành sản xuất tốt:

Nhà xưởng và phương tiện chế biến được thiết kế, xây dựng phù hợp với trình tự của dây chuyền công nghệ chế biến, phân thành các khu an toàn như: tập kết nguyên liệu, chế biến, bao gói, bảo quản... Quy trình này giúp bảo đảm không lây nhiễm chéo lẫn nhau giữa nguyên liệu, bán thành phẩm, thành phẩm; giữa thực phẩm với các vật liệu bao bì, hóa chất tẩy rửa hoặc phế liệu.

Kiểm soát vệ sinh nhà xưởng: Nghĩa là nhà xưởng, thiết bị, dụng cụ và các phương tiện vật chất khác luôn đạt vệ sinh ở chuẩn cho phép. Ngoài ra, phương tiện vệ sinh, hệ thống cấp - thoát nước, các bề mặt tiếp xúc với sản phẩm, các phụ phẩm, chất thải, dụng cụ chứa đựng, đồ dùng cá nhân phải luôn ở tình trạng đạt tiêu chuẩn vệ sinh và hoạt động tốt.

Kiểm soát quá trình chế biến: Nhà sản xuất có biện pháp kiểm soát chất lượng với nguyên liệu, quá trình chế biến; theo dõi, giám sát hoạt động vệ sinh; thực hiện phòng ngừa sản phẩm có thể nhiễm bẩn; thử nghiệm các chỉ tiêu vi sinh, hóa học, tạp chất ở khâu cần thiết để xác định nguy cơ lây nhiễm.

Yêu cầu về sức khỏe người lao động: Nhà sản xuất có chế độ khám sức khỏe thường xuyên cho người lao động để phát hiện, điều trị và cách ly những người mắc bệnh truyền nhiễm, tránh lây lan. Những người tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm phải thực hiện nghiêm ngặt các quy định vệ sinh.

Kiểm soát khâu bảo quản và phân phối trong vận chuyển, bảo quản thành phẩm, bảo đảm tránh nhiễm bẩn bởi các tác nhân lý, hóa, vi sinh... không làm phân hủy sản phẩm.

Trúc Diệp