Hàng nghìn thầy cô, sinh viên điều dưỡng đang làm hết sức mình đuổi "giặc Covid"

19/08/2021 10:12
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Dù làm việc với cường độ cao dưới thời tiết khắc nghiệt nhưng các thầy cô và sinh viên luôn thể hiện tình yêu nghề và đạo đức nghề nghiệp.

Tối 18/8/2021 đã diễn ra Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm tham gia phòng chống dịch Covid-19 giữa các trường đang đào tạo điều dưỡng”.

Tham gia hội thảo có ông Phạm Ngọc Lan - Trưởng Ban hỗ trợ Câu lạc bộ khối trường thuộc Hiệp hội Các trường Đại học và Cao đẳng Việt Nam cùng với hơn 185 thầy, cô đại diện các trường đại học, cao đẳng đang đào tạo điều dưỡng trên cả nước.

Tại hội thảo, Thạc sỹ Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội điều Dưỡng Việt Nam, Chủ tịch Chi hội Giáo viên Điều dưỡng Việt Nam nhận định, tình hình phòng chống dịch bệnh Covid-19 đang diễn ra rất căng thẳng và phức tạp. Nhiều tỉnh thành hiện đang có số ca mắc báo động như Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Long An, Đồng Nai…

Trước tình hình thiếu nhân lực trầm trọng, hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế, các trường đại học và cao đẳng khối sức khỏe đã cử nhiều giáo viên, sinh viên tham gia phòng chống dịch.

Mỗi trường tham gia ở một tâm thế khác nhau tùy vào đặc điểm, tình hình và khả năng đóng góp. Chính vì vậy, hội thảo là nơi các trường chia sẻ cùng nhau những kinh nghiệm quý báu của mình có được trong thời gian đã và đang tham gia phòng chống dịch bệnh.

Đoàn tình nguyện của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân Bắc Giang. (Ảnh NTCC)

Đoàn tình nguyện của Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tiêm vaccine phòng Covid-19 cho người dân Bắc Giang. (Ảnh NTCC)

Đại diện một số cơ sở đào tạo đã có những bài tham luận, chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình triển khai phòng chống dịch trên nhiều địa bàn có các đặc điểm, tình trạng, quy mô, phạm vi dịch bệnh khác nhau tại các địa phương điển hình như: Bắc Giang, Đồng Nai, Hồ Chí Minh, Hà Nội…

Là đơn vị trực thuộc Bệnh viện Bạch Mai, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai đã vận động được hơn 700 sinh viên, 20 giáo viên tham gia chỉ sau 5 giờ đăng ký nhân lực tình nguyện tham gia chống dịch tại Bắc Giang. Nhà trường đã lựa chọn 11 giáo viên, 343 sinh viên lên đường chi viện thần tốc cho địa phương này.

Thạc sỹ Vũ Đình Tiến - Phó Trưởng khoa Điều dưỡng, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai chia sẻ “Nhà trường ưu tiên các thầy cô có sức khỏe, nhiều kinh nghiệm và sinh viên năm 2, 3 lên đường tham gia chi viện, phân công rõ ràng, cụ thể trưởng đoàn, trưởng nhóm, vị trí của từng thành viên tham gia.

Mặc dù trước đó đã mở hai lớp phòng chống dịch bệnh tuy nhiên để trang bị tốt nhất cho tình nguyện viên khi bước vào tâm dịch, nhà trường đào tạo bổ sung những kỹ năng cần thiết nhanh chóng, kịp thời như mặc đồ bảo hộ, kỹ thuật tiêm bắp và các vị trí tiêm chủng khác. Tất cả các thành viên của đoàn tham gia phải ký giấy xác nhận tình nguyện khi tham gia phòng chống dịch”.

Theo Thạc sỹ Vũ Đình Tiến, sinh viên là lực lượng có thế mạnh về lòng nhiệt huyết, có sức khỏe tốt, được đào tạo cơ bản về kiến thức y học. Tuy nhiên trong quá trình triển khai cũng gặp không ít khó khăn như nguy cơ lây nhiễm cao, sinh viên chưa có kinh nghiệm nhiều về tiêm chủng, chưa có chứng chỉ hành nghề, lo lắng của người thân, gia đình, điều kiện ăn ở… Những điều đó cũng là nỗi trăn trở, băn khoăn của nhà trường khi các tình nguyện viên bước vào vùng có dịch bệnh chi viện.

Có hai nhóm việc chủ yếu được đoàn tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai tham gia hỗ trợ tại Bắc Giang là tiêm, hỗ trợ tiêm và truy xét, lấy mẫu xét nghiệm.

Để giảm nguy cơ lây nhiễm cao nhất tại tâm dịch, toàn thành viên của đoàn tham gia xét nghiệm SARS-Cov2 thường quy, thực hiện nghiêm quy định về 5K, thành lập tổ đo thân nhiệt hàng ngày vào mỗi buổi sáng. Việc giữ an toàn như mặc áo bảo hộ đúng quy định, luôn giữ khoảng cách của người dân và nhân viên y tế, không ăn uống trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, thay găng, sát khuẩn theo đúng quy định được chú trọng, nhắc nhở thường xuyên.

Ngoài ra việc đào tạo cho sinh viên được thực hiện liên tục, tranh thủ thông qua đào tạo trực tuyến, chuyển giao từ các đoàn đi trước, trao đổi giữa các sinh viên và được thực hiện với sự giám sát của giáo viên.

Ngoài ra, để tiếp thêm động lực cho sinh viên tham gia chống dịch, Trường Cao đẳng Y tế Bạch Mai còn mở thêm lớp yoga trực tuyến, tổ chức lao động nơi cách ly, chia sẻ với nhau về gia đình, người thân, hàng tuần Ban Giám hiệu hỏi thăm sinh viên thường xuyên, gửi các chuyến hàng hỗ trợ cho sinh viên tình nguyện…

Chia sẻ những bài học quý báu đang được thực hiện tại tâm dịch Thành phố Hồ Chí Minh, Thạc sỹ Cao Ngọc Anh - Trưởng bộ môn Điều dưỡng Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng, cho biết: “Từ thời điểm dịch bệnh bùng phát tại Thành phố Hồ Chí Minh ngày 27/4/2021, Khoa Điều dưỡng đã triển khai thành lập đội phản ứng nhanh, cử giáo viên tham gia tập huấn các chương trình của Bộ Y tế và Hội Giáo viên Điều dưỡng tổ chức về chống dịch, lấy mẫu, tiêm vaccine và xử trí sốc sau tiêm. Công việc được chia thành các đội, nhiều thành viên tham gia các vị trí khác nhau”.

Theo Thạc sỹ Cao Ngọc Anh, đợt 1 nhà trường tổ chức đội tình nguyện từ tháng 6/2021 làm nhiệm vụ tham gia lấy mẫu xét nghiệm và tham gia tiêm vaccine tại cộng đồng.

Tuy nhiên, đợt 2 vào cuối tháng 7/2021 khi các ca mắc trong cộng đồng cũng như khu cách ly tăng lên, đội phản ứng nhanh chia thành 3 đội với các nhóm công việc chính gồm: Tham gia điều động của Sở Y tế về Trung tâm cấp cứu 115 vận chuyển người bệnh F0, tham gia hỗ trợ chăm sóc người bệnh F0 tại bệnh viện thu dung của Bệnh viện Chợ Rẫy và tiêm vaccine tại cộng đồng.

Dù công việc được thực hiện với cường độ cao, thời tiết khắc nghiệt nhưng các thầy cô và sinh viên luôn thể hiện tình yêu nghề và đạo đức nghề nghiệp.

Hiện đang tham gia phòng chống trong tình hình căng thẳng tại địa phương, thầy và trò Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai đang thần tốc thực hiện hỗ trợ các bệnh nhân khai báo y tế, phân loại người đến khám; tham gia lấy mẫu xét nghiệm, truy vết…; tham gia chăm sóc, vận chuyển bệnh nhân F0 trong các khu cách ly; tham gia bệnh viện dã chiến; thực hiện công tác tiêm chủng; hỗ trợ bếp ăn tập thể cho tình nguyện viên tham gia chống dịch…

Chia sẻ tại hội thảo, Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quốc Huy - Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai, cho hay: “Để đảm bảo công tác sinh viên tham gia phòng chống dịch được an toàn, hiệu quả cần huy động lực lượng trên tất cả các phương tiện và ưu tiên tiêm vaccine sớm cho các tình nguyện viên

Trong đoàn tình nguyện khi tham gia phòng chống dịch phải có sự phối hợp, phân công chặt chẽ, bám sát đơn vị, địa phương nơi trường tham gia hoặc hỗ trợ để rút kinh nghiệm, khắc phục những vướng mắc trong quá trình triển khai”.

Thạc sỹ, Bác sỹ Nguyễn Quốc Huy nhấn mạnh phải đảm bảo công tác hậu cần cũng như đảm bảo an toàn cho tình nguyện viên, đặc biệt phải đầy đủ về trang thiết bị y tế, thực phẩm, đồ dùng thiết yếu…

Đội tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh NTCC)

Đội tình nguyện Trường Cao đẳng Y tế Đồng Nai lấy mẫu xét nghiệm tại xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai. (Ảnh NTCC)

Sau khi lắng nghe các bài tham luận chia sẻ của các trường đại học, cao đẳng tham gia phòng chống dịch tại các địa phương, đại diện các trường tham gia hội thảo đã có những trao đổi thêm về một số vấn đề khác xung quanh công tác phòng chống dịch bệnh như: Cách xử lý khi tình nguyện viên bị dị ứng găng tay, đồ bảo hộ, ngộ độc thức ăn, tiếp xúc với ca bệnh nặng và chuẩn bị tâm lý cho sinh viên khi có ca bệnh tử vong xảy ra.

Kết thúc hội thảo Thạc sỹ Nguyễn Bích Lưu - Phó Chủ tịch Hội điều Dưỡng Việt Nam bày tỏ: “Thông qua những chia sẻ thực tế của các trường đã và đang tham gia tình nguyện chống dịch, chúng ta đã có được những thông tin bổ ích từ các đồng nghiệp của mình.

Mặc dù thời gian gấp rút và có những trường đang ngay trong tâm dịch rất vất vả nhưng vẫn cố gắng tranh thủ để chia sẻ những kinh nghiệm quý báu của mình. Mong rằng, với những bài học đó, chúng ta sẽ vận dụng những điều tốt nhất trong phòng chống và đẩy lùi dịch bệnh để cuộc sống trở lại bình thường trong thời gian sớm nhất”.

Cao Kim Anh