Khám chữa bệnh từ xa, bước tiến quan trọng trong chuyển đổi số hóa ngành Y

28/09/2020 08:09
Tùng Dương
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Tháng 9/2020, đã có hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước tham gia hệ thống Khám chữa bệnh từ xa, trong đó có nhiều bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư.

Các chuyên gia y tế đều cho rằng, ứng dụng Telehealth trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh không chỉ giúp tiết kiệm thời gian cho người dân, bác sĩ mà còn giúp các bác sĩ có thể dễ dàng trao đổi, đào tạo, nâng cao trình độ chuyên môn.

Đây là bước khởi đầu để cơ sở y tế được hỗ trợ chuyên môn thường kỳ và đột xuất từ các bệnh viện tuyến cuối dựa trên nền tảng công nghệ thông tin.

Đặc biệt, một trong những yếu tố quan trọng trong triển khai Telehealth là đường truyền tốt, đảm bảo chất lượng hình ảnh cho các trung tâm theo dõi rõ nét, đánh giá tổn thương, chẩn đoán chính xác để đưa ra các phương án điều trị phù hợp.

Do đó, hệ thống Telehealth không chỉ kết nối các điểm cầu xa Hà Nội mà còn kết nối tư vấn, hội chẩn từ xa với các bác sĩ tại nước bạn Lào hay Trung tâm ECHO, Hoa Kỳ, một trong những nơi có nền y học hiện đại nhất thế giới.

Việc ứng dụng Telehealth trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Việc ứng dụng Telehealth trong công tác tư vấn, khám, chữa bệnh này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đến tháng 9/2020, đã có hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước tham gia hệ thống Khám, chữa bệnh từ xa.

Không chỉ các bệnh viện tuyến tỉnh gia nhập hệ thống hiện đại này mà còn có rất nhiều bệnh viện tuyến huyện, bệnh viện tư nhân. Tại nhiều bệnh viện, số điểm cầu tham gia hệ thống tăng lên nhiều so với dự tính ban đầu.

Trước đây, việc hỗ trợ chuyên môn giữa tuyến trên và tuyến dưới được thực hiện theo phương thức 1-1, tức là một bệnh viện tuyến trên hỗ trợ cho một cơ sở tuyến dưới thì hiện nay, sẽ mở rộng theo mô hình 1-N để đảm bảo hiệu ứng tốt hơn.

Bên cạnh đó, Đề án Khám, chữa bệnh từ xa còn có nhiệm vụ góp phần nâng cao chất lượng khám bệnh, chữa bệnh theo phương thức kết hợp của bác sĩ tuyến trên và bác sĩ tuyến dưới theo mô hình 1-4-4-2.

Có nghĩa là, một bác sĩ tuyến trên hỗ trợ cho 4 bác sĩ tuyến tỉnh, 4 bác sĩ tuyến huyện và 2 bác sĩ tuyến xã. Trong đó, bác sĩ tuyến trên đóng vai trò như người bảo trợ, hỗ trợ cho tuyến dưới khi cần thiết.

Quan điểm chủ đạo khi thực hiện đề án là hướng đến người bệnh, nhất là những người nghèo, người có hoàn cảnh khó khăn ở vùng sâu, vùng xa được thụ hưởng lợi ích to lớn của Telehealth mang lại, giúp người dân vơi bớt khó khăn, vất vả và yên tâm hơn khi không may đau ốm.

Từ đó góp phần giải quyết tình trạng quá tải cho bệnh viện công, đồng thời tạo điều kiện để người bệnh thăm khám nhanh chóng, hiệu quả, giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm chéo dịch bệnh trong cộng đồng.

Bằng cách ứng dụng công nghệ, giải pháp khám chữa bệnh từ xa đã xóa đi rào cản về địa lý, tạo ra được mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến, hỗ trợ chuyên môn, đồng thời đánh dấu một bước tiến quan trọng trong việc chuyển đổi số hóa ngành Y.

Nhiều bệnh nhân nặng được hội chẩn trực tuyến hiệu quả

Sau hơn 2 tháng được Bộ Y tế lựa chọn thí điểm triển khai, mô hình khám, chữa bệnh từ xa của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội đã mang lại nhiều hiệu quả tích cực về chuyên môn và công tác điều trị cho bệnh nhân ở cơ sở tuyến dưới.

Mô hình này được nhận định là xu thế tất yếu của nền y tế 4.0. Để triển khai mô hình này hiệu quả, Bộ Y tế tiếp tục hoàn thiện chính sách và nguồn kinh phí theo Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020-2025 mà Bộ vừa phê duyệt.

Tham gia mô hình khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội từ tháng 4 đến nay, nhiều bệnh nhân nặng điều trị tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh được điều trị hiệu quả mà không phải chuyển lên tuyến trên, các bác sĩ tại cơ sở thì có cơ hội được nâng cao tay nghề chuyên môn.

Bác sỹ Hoàng Quang Trung, Giám đốc Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cho biết, qua 9 lần triển khai hội chẩn trực tuyến với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, 15 bệnh nhân nặng của Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh đã được các chuyên gia đầu ngành phân tích kỹ lưỡng, đưa ra các phác đồ điều trị phù hợp nhất cho mỗi bệnh nhân.

Nhờ đó, các bệnh nhân được điều trị tốt nhất ngay tại chỗ, hạn chế việc chuyển tuyến, tiết kiệm chi phí và giảm tải cho các bệnh viện tuyến trên.

“Các thầy của Bệnh viện Đại học Y Hà Nội triển khai rất bài bản và tâm huyết, có kiểm tra kết quả sau mỗi buổi hội chẩn nên bắt buộc các bệnh viện sau khi hội chẩn xong, phải tập trung vào điều trị bệnh nhân. Sau một tuần, các thầy sẽ hỏi lại kết quả thực hiện.

Việc triển khai khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội không chỉ mang lại lợi ích lớn cho người bệnh mà còn tạo điều kiện cho các bác sĩ tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Hà Tĩnh cơ hội để học hỏi và nâng cao chuyên môn”, bác sỹ Hoàng Quang Trung chia sẻ.

Là một trong những bệnh viện tuyến huyện tham gia khám chữa bệnh từ xa với Bệnh viện Đại học Y Hà Nội, bác sỹ Vi Hồng Kỳ - Giám đốc Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu cũng nhận định, mô hình này triển khai từ Bệnh viện Đại học Y Hà Nội tới Bệnh viện đa khoa huyện Mộc Châu rất hiệu quả.

Bệnh nhân được các chuyên gia đầu ngành hội chẩn và có ngay phương hướng điều trị phù hợp nhất, các bác sĩ ở cơ sở được cập nhật kiến thức, thậm chí được “cọ xát” với những bệnh mà trước đó các bác sĩ rất ít gặp hoặc khó phát hiện. Đặc biệt, bệnh nhân cũng được tham gia nghe hội chẩn trực tuyến nên rất yên tâm khi ở lại bệnh viện điều trị.

“Có ca bệnh khó, sau khi hội chẩn, các thầy ở Bệnh viện Đại học Y Hà Nội sẵn sàng cử người về tận bệnh viện để hỗ trợ, cầm tay chỉ việc cho các bác sĩ tuyến dưới”, bác sỹ Vi Hồng Kỳ nói.

Mới đây, ngày 2/6, các bác sĩ tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội cũng đã phối hợp, hỗ trợ các bác sĩ của Bệnh viện đa khoa khu vực Bắc Quang, tỉnh Hà Giang hội chẩn và mổ chuyển vạt da che phủ ngón II tay trái/ bỏng điện độ III cho bệnh nhi 4 tuổi…

Tính từ khi triển khai thí điểm mô hình khám chữa bệnh từ xa (ngày 18/4) đến nay, sau hơn 2 tháng, Bệnh viện Đại học Y tế Hà Nội đã tổ chức được 12 buổi khám chữa bệnh từ xa với 29 cơ sở y tế, trong đó có 5 bệnh viện tỉnh tuyến tỉnh, 5 bệnh viện đa khoa khu vực, 17 cơ sở y tế tuyến huyện, 1 phòng khám đa khoa tư nhân, đặc biệt, có 1 phòng khám tại Campuchia.

Có 85 ca bệnh nặng từ các cơ sở y tế này đã được hội chẩn, từ đó quyết định chuyển viện 20 ca, các ca bệnh còn lại đa số được điều trị thành công.

Phó giáo sư, Tiến sỹ Nguyễn Lân Hiếu - Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội: Nền tảng hỗ trợ tư vấn, khám chữa bệnh từ xa sẽ xóa nhòa ranh giới trình độ của các đơn vị chưa được nâng cao về chuyên môn. Hiện nay, chúng ta đang khám chữa bệnh theo phương pháp truyền thống và vẫn cần tiếp tục duy trì phát huy.

Khám chữa bệnh từ xa không thể thay thế tuyệt đối phương pháp truyền thống, nhưng sẽ là một công cụ hỗ trợ hữu ích cho hệ thống y tế. Hiệu quả rõ nhất là giảm tỉ lệ bệnh nhân đi từ nhà đến bệnh viện, giảm tỉ lệ chuyển tuyến từ bệnh viện cơ sở đến bệnh viện Trung ương, đặc biệt là giảm tỉ lệ tái khám của người bệnh.

Đến tháng 9/2020, đã có hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước tham gia hệ thống Khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Đến tháng 9/2020, đã có hơn 1.000 cơ sở y tế trên cả nước tham gia hệ thống Khám, chữa bệnh từ xa. Ảnh minh họa: Tùng Dương.

Bệnh viện tuyến trên tham gia khám, chữa bệnh từ xa

Mô hình thí điểm khám chữa bệnh từ xa tại Bệnh viện Đại học Y Hà Nội trong thời gian qua sẽ được nhân rộng trên cả nước. Ngày 22/6, Bộ Y tế đã phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025.

Theo ông Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế), Đề án này hướng tới mục tiêu mọi người dân đều được quản lý, tư vấn, khám bệnh, chữa bệnh, hỗ trợ chuyên môn của các bác sĩ từ tuyến xã đến tuyến Trung ương; người dân được sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng của tuyến trên ngay tại cơ sở y tế tuyến dưới.

Các cơ sở y tế sẽ được hỗ trợ chuyên môn từ các bệnh viện tuyến trên dựa trên nền tảng công nghệ thông tin; góp phần phòng, chống dịch bệnh, giảm quá tải bệnh viện tuyến trên, nâng cao chất lượng, hiệu quả khám, chữa bệnh và sự hài lòng của người dân.

Theo Đề án, sẽ có 24 bệnh viện tuyến trên tham gia vào mạng lưới khám, chữa bệnh từ xa. Các bệnh viện sẽ thực hiện các hoạt động đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, hỗ trợ chuyên môn khám chữa bệnh từ xa…

Những bệnh viện tuyến huyện có đủ điều kiện, năng lực sẽ được nhận sự hỗ trợ trực tiếp, đồng thời của bệnh viện tuyến Trung ương và bệnh viện tuyến tỉnh.

Việc này giúp bệnh viện tuyến huyện nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh và người dân có thể sử dụng dịch vụ y tế có chất lượng chuyên môn tốt của tuyến trên ngay tại tuyến huyện.

Trong giai đoạn đầu 2020-2021, Đề án tập trung đầu tư vào các chuyên khoa có người bệnh sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa, đặc biệt các chuyên khoa có tình trạng quá tải trên cơ sở thống kê mô hình bệnh tật như tim mạch, ngoại, sản, nhi, truyền nhiễm, ung bướu, huyết học truyền máu, các bệnh không lây nhiễm và các bệnh khác trong cộng đồng ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Dự kiến đầu tư các bệnh viện tuyến trên và ít nhất 400 bệnh viện tuyến dưới bao gồm bệnh viện tuyến tỉnh, tuyến huyện và bệnh viện tư nhân.

Giai đoạn 2021-2025, Đề án tiếp tục đầu tư bệnh viện tuyến trên có các chuyên khoa như hồi sức cấp cứu, hô hấp, tiết niệu, thần kinh, nội tiết, da liễu, răng hàm mặt… và các chuyên khoa khác có nhu cầu. Các bệnh viện tuyến dưới được mở rộng tương ứng với các chuyên khoa và số lượng bệnh viện tuyến trên.

Việc thực hiện Đề án chính là tạo ra mạng lưới y tế không còn giới hạn giữa các tuyến. Các mạng lưới này được hỗ trợ chuyên môn như nhau.

Để thực hiện được điều này, các bệnh viện phải dành một thời gian nhất định trong ngày để hỗ trợ một bệnh viện về chuyên môn và các bệnh viện khác có thể đăng nhập vào ứng dụng để tham khảo nội dung đó.

Bộ Y tế cũng khuyến khích các bác sĩ tuyến trên kết bạn và thành lập nhóm với các bác sĩ tuyến dưới để thuận tiện trong trao đổi nghiệp vụ, hỗ trợ chuyên môn.

Đề án này sẽ làm thay đổi chất lượng của y tế cơ sở trong thời gian tới. Tuy nhiên, để triển khai đồng bộ và hiệu quả, Bộ Y tế sẽ cần phải tiếp tục hoàn thiện về chính sách và nguồn kinh phí theo Đề án này.

Đề án Khám chữa bệnh từ xa - nhu cầu thiết yếu của người dân

Bệnh viện Nhi Đồng 1 cùng Bệnh viện Nhi Trung Ương là 2 bệnh viện chuyên khoa Nhi tuyến trên trong số 24 bệnh viện của cả nước được chọn để triển khai. Các hoạt động chính bao gồm:

1. Tư vấn y tế từ xa (tele-health): tư vấn sức khỏe từ xa, từ bác sỹ đến người dân

2. Hội chẩn tư vấn khám, chữa bệnh từ xa: từ bệnh viện tới trung tâm y tế, phòng khám tuyến huyện, xã.

3. Hội chẩn tư vấn chẩn đoán hình ảnh từ xa

4. Hội chẩn tư vấn các xét nghiệm huyết học, truyền máu, vi sinh, hóa sinh, miễn dịch, giải phẫu bệnh,…)

5. Hội chẩn tư vấn phẫu thuật từ xa

6. Đào tạo, chuyển giao kỹ thuật giữa các cơ sở y tế với nhau.

7. Sử dụng các ứng dụng trên thiết bị điện tử cầm tay thông minh trong một số dịch vụ y tế

8. Truyền thông cho người dân, khuyến khích sử dụng dịch vụ khám, chữa bệnh từ xa.

9. Hướng dẫn hoạt động khám, chữa bệnh từ xa.

Trong năm 2020, bên cạnh việc nâng cấp cơ sở hạ tầng, trang thiết bị, phát triển ứng dụng công nghệ thông tin trong khám chữa bệnh từ xa, ứng dụng công nghệ thông tin chăm sóc sức khỏe cộng đồng (website, Youtube, trang mạng xã hội).

Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế về phê duyệt Đề án “Khám, chữa bệnh từ xa” giai đoạn 2020 - 2025 theo quyết định số 2628/QĐ-BYT ngày 22/6/2020, Bệnh viện Nhi Đồng 1 tiếp tục triển khai đề án với cơ sở hạ tầng cao cấp hơn.

Việc tăng cường ứng dụng Công nghệ thông tin, sử dụng các thiết bị như điện thoại di động, máy tính bảng, máy tính để bàn cũng như các phần mềm thông thường hay chuyên dụng để cải thiện các dịch vụ thiết yếu và chăm sóc sức khoẻ người dân đã được Tổ chức Y tế Thế giới khuyến cáo.

Từ việc sử dụng công nghệ kỹ thuật số tăng cường sự kết nối giữa các đơn vị trong hệ thống Y tế và giữa cơ sở y tế với người dân giúp củng cố hệ thống Y tế từ tuyến trên xuống tuyến dưới.

Nhân viên y tế tuyến cơ sở được hỗ trợ của tuyến trên cải thiện chất lượng chăm sóc, bệnh viện tuyến trên giảm tải; qua đó cho phép nâng cao chất lượng dịch vụ của toàn mạng lưới y tế cả nước.

Tại lễ khánh thành hơn 1000 điểm khám chữa bệnh từ xa vào ngày 25/9, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc biểu dương Bộ Y tế đã cụ thể hóa Chương trình Chuyển đổi số quốc gia qua việc xây dựng và triển khai Đề án Khám chữa bệnh từ xa, một đề án có ý nghĩa nhân văn cao cả hướng đến mục tiêu bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân.

Thủ tướng đánh giá, đây là sự kiện quan trọng, là một bước tiến lớn của ngành Y tế trong công tác chăm sóc sức khoẻ toàn dân. Kết quả này sự chỉ đạo quyết liệt, mạnh mẽ của Chính phủ trong triển khai chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025 tầm nhìn 2030 hướng tới đưa Việt Nam trở thành quốc gia số, ổn định và thịnh vượng, tiên phong thử nghiệm các công nghệ và mô hình mới.

Mở rộng hoạt động khám chữa bệnh từ xa có ý nghĩa quan trọng trong tiến trình đổi mới của ngành Y tế nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh toàn tuyến, hướng tới sự hài lòng của người dân khi sử dụng dịch vụ y tế.

Người dân cả nước tại bất cứ đâu đều có cơ hội tiếp cận, sử dụng dịch vụ y tế chất lượng cao nhất của tuyến trên ngay tại tuyến cơ sở, hạn chế việc chuyển tuyến, quá tải, tập trung đông bệnh nhân tại tuyến trên. Thậm chí người dân ở nhà cũng có thể được bác sĩ tuyến trên khám, hỗ trợ tư vấn, điều trị thông qua các thiết bị điện tử thông minh.

Tùng Dương