Kiến nghị tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện

27/10/2018 13:09
Trúc Diệp
(GDVN) - Đại biểu Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) nêu vấn đề này tại phiên thảo luận của Quốc hội sáng 27/10/2018.

Đại biểu Thạch Phước Bình cho biết, bà con cử tri tỉnh nhà phấn khởi trước những thành tựu phát triển kinh tế - xã hội năm 2018 và 3 năm 2016-2018 mà báo cáo của Chính phủ đã nêu. Đó chính là những tiền đề để thực hiện thắng lợi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội cả giai đoạn 5 năm 2016 - 2020. 

Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình. ảnh: quochoi.vn
Đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình. ảnh: quochoi.vn

Qua phản ánh kiến nghị cử tri và thực tiễn tại địa phương, Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị Chính phủ quan tâm một số nội dung sau:

Về cơ cấu lại nền kinh tế, tôi cơ bản đồng tình với báo cáo của Chính phủ. Tuy nhiên, trong thời gian tới, tôi đề nghị:

Thứ nhất, cần đổi mới phương thức phân bổ nguồn lực theo hướng thị trường hơn, phát triển doanh nghiệp tư nhân theo hướng hỗ trợ các doanh nghiệp tốt, doanh nghiệp thành công.

Đặc biệt là các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp. Tập trung cơ cấu lại doanh nghiệp nhà nước theo hướng toàn diện. Tập trung đầu tư, đối với các địa phương là tạo đà nền kinh tế như Thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội.

Kiến nghị tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện  ảnh 2

Đại biểu Quốc hội kiến nghị cần có nhiều mệnh giá bảo hiểm y tế

Thứ hai, bà con cử tri rất băn khoăn bức xúc trước tình trạng hàng gian, giả, kém chất lượng tràn lan trên thị trường nhất là đối với yếu tố đầu vào phục vụ sản xuất nông nghiệp như phân bón, thuốc trừ sâu, thuốc thú y, thuốc thủy sản.

Đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra, xử lý nghiêm nhằm đảm bảo quyền lợi của người dân.

Thứ ba, hiện nay tình trạng thất nghiệp thiếu việc làm có xu hướng tăng nhất là đối với lao động trẻ, lao động nông thôn. Đề nghị Chính phủ có biện pháp khuyến khích nâng cao hiệu quả đầu tư đặc biệt là đầu tư công, có cơ chế chính sách phù hợp để khuyến khích thu hút đầu tư từ khu vực tư nhân.

Khuyến khích kêu gọi các nhà đầu tư vào khu vực nông thôn để kéo dãn lao động và tận dụng nguồn lao động nhàn rỗi, tránh lưu chuyển quá mức lao động đến khu vực thành thị.

Thứ tư, ngành mía đường cả nước nói chung và đồng bằng sông Cửu Long đang gặp nhiều khó khăn, lượng đường tồn kho gần 170 tấn, giá bán thấp nhất từ trước đến nay. Từ đó ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân ở nhiều địa phương. Tôi đề nghị Chính phủ xem xét chỉ đạo một số giải pháp như đẩy mạnh công tác chống nhập lậu đường tại các địa phương vùng giáp biên.

Tạm hoãn nhập khẩu đường kể cả nhập tái xuất do nguồn cung trong nước đang dư thừa. Áp dụng mức nhập khẩu và kiểm soát hạn ngạch đối với các chất ngọt thay thế vì có hại cho sức khỏe người tiêu dùng.

Khuyến khích sử dụng đường trong nước, sớm điều chỉnh giá đường khối, xem xét thành lập quỹ phát triển ngành đường. Có cơ chế chính sách hỗ trợ công tác giống và cơ giới hóa cho nông dân trồng mía.

Thứ năm, về bảo hiểm y tế. Qua giám sát thực hiện chính sách bảo hiểm y tế tại địa phương thấy nhóm đối tượng do ngân sách nhà nước đóng và hỗ trợ chiếm trên 70%. Trong khi đó nhóm đối tượng lao động và người sử dụng lao động, hộ gia đình đóng chỉ chiếm khoảng 30%.

Điều này gây áp lực đối với ngân sách nhà nước và cho thấy tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế chủ yếu do ngân sách nhà nước đảm bảo nên dài hạn là không bền vững trong trường hợp nhà nước thay đổi chính sách và bảo hiểm y tế. Đề nghị Chính phủ quan tâm chỉ đạo có giải pháp khuyến khích người dân và doanh nghiệp tham gia bảo hiểm y tế theo quy định.

Ngoài ra, bà con đề nghị Chính phủ chỉ đạo các ngành chức năng xem xét, điều chỉnh quy định cho học sinh, sinh viên được tham gia bảo hiểm y tế theo hộ gia đình thay vì mua tại nhà trường như hiện nay, bởi vì khi tham gia theo hộ gia đình sẽ có lợi hơn.

Hiện nay, theo quy định, mua tại trường được hỗ trợ 30%, còn nếu mua tại hộ gia đình có thể giảm tới 50% theo thứ tự số người trong hộ.

Thứ sáu, về bảo hiểm xã hội tự nguyện, trong những năm qua đều tăng và đến nay đạt khoảng 243 ngàn người.

Tuy nhiên, con số này chỉ khoảng 30% là tham gia mới, còn lại khoảng 70% là người đã tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc, đóng bảo hiểm tự nguyện tiếp để đủ điều kiện hưởng lương hưu và việc thu hút người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện hiện nay là chậm và khó khăn.

Nguyên nhân khó khăn thu hút đối tượng tham gia chính là do mức đóng còn cao so với thu nhập của đa số người dân trong khi mức hưởng chưa tương xứng, người lao động phải duy trì khoản đóng hàng tháng trong khi khoảng thời gian ít nhất là 20 năm như vậy rất khó để người dân thực hiện khi thu nhập của họ luôn bấp bênh.

Do đó, kiến nghị Chính phủ nghiên cứu, tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với mức hiện nay.

"Hiện nay, hỗ trợ 30% đối với hộ nghèo, 25% đối với hộ cận nghèo và 10% đối với các đối tượng còn lại. Như vậy, tôi đề nghị tăng mức này lên nhằm khuyến khích người dân tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện", ông Bình nói.

Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với mức hiện nay.
Đại biểu Thạch Phước Bình đề nghị tăng mức hỗ trợ đóng cho người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện so với mức hiện nay.

Đại biểu Nguyễn Thị Minh Trang – Vĩnh Long cũng đưa ra nhận định, đối với lĩnh vực y tế thời gian qua có bước chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng được kỳ vọng của cử tri và cộng đồng xã hội.

Đại biểu Trang đề nghị Bộ Y tế tiếp tục phối hợp với các bộ, ngành có liên quan rà soát, điều chỉnh, hoàn thiện thông tư hướng dẫn thực hiện cơ chế hoạt động, cơ chế tài chính phù hợp với thực trạng y tế cơ sở, y tế dự phòng, khắc phục triệt để những điểm hạn chế của Thông tư 37, Thông tư 15 tiến tới tính đúng, tính đủ tiền lương vào giá dịch vụ y tế, tăng cường các biện pháp kiểm soát, xử lý nghiêm hành vi trục lợi bảo hiểm, quỹ bảo hiểm y tế, hướng tới đảm bảo cân đối, hài hòa giữa quyền và nghĩa vụ của người tham gia bảo hiểm y tế và các cơ sở khám chữa bệnh tạo tâm lý an tâm phấn khởi trong đội ngũ y bác sỹ và nhân dân.

Trúc Diệp