Làm thế nào để bảo đảm an toàn thực phẩm trong mùa mưa bão năm 2017?

29/08/2017 09:00
Quế Chi
(GDVN) - Thời điểm mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, điều kiện sống còn nhiều khó khăn.

Vào thời điểm mưa bão, lũ lụt, việc ăn uống, sinh hoạt của người dân bị ảnh hưởng rất lớn, đặc biệt ở vùng nông thôn, miền núi, nơi điều kiện sống còn nhiều khó khăn.

Vì thế, công tác đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, ngăn ngừa bệnh dịch sau lũ là vô cùng quan trọng.

Theo đó, Cục An toàn thực phẩm, Bộ Y tế đã đưa ra một số khuyến cáo sau để bảo đảm an toàn thực phẩm, phòng chống dịch bệnh, góp phần bảo đảm sức khỏe cộng đồng trong mùa bão lũ.

1. Trước khi có bão, lũ:

- Đẩy mạnh công tác tuyên truyền hướng dẫn người tiêu dùng (đặc biệt là các vùng có nguy cơ chịu ảnh hưởng của bão, lũ cao) trong việc lựa chọn, chế biến, bảo quản và sử dụng thực phẩm an toàn, có kế hoạch chủ động dự trữ các loại lương thực, thực phẩm chế biến sẵn, nước uống đóng chai, các loại vitamin, các hoá chất sát khuẩn của ngành y tế.

- Đề nghị các cơ quan thuộc ngành y tế chủ động xây dựng kế hoạch dự trữ hoá chất, phương tiện, nhân lực… sẵn sàng phối hợp hoặc chủ động xử lý, khắc phục khi có ngộ độc thực phẩm hoặc các bệnh dịch liên quan đến thực phẩm xảy ra, không để lan rộng trong cộng đồng.

Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch để rửa và nấu thực phẩm. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)
Đảm bảo sử dụng nguồn nước sạch để rửa và nấu thực phẩm. (Ảnh: Thông tấn xã Việt Nam)

2. Trong khi bão, lũ xảy ra:

- Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm, người tiêu dùng thực phẩm tuyệt đối không sử dụng gia súc, gia cầm, thuỷ sản chết bệnh, chết không rõ nguyên nhân để làm thức ăn hoặc chế biến thực phẩm.

- Thực hiện ăn chín, uống chín.

- Đối với những vùng không đủ nước sạch có thể sử dụng các loại hoá chất sát khuẩn theo hướng dẫn của ngành y tế.

- Các cơ quan quản lý an toàn thực phẩm tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm lợi dụng tình trạng khan hiếm thực phẩm để đưa ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm an toàn, vệ sinh.

3. Sau khi bão, lũ rút:

- Chủ động hướng dẫn nhân dân vệ sinh môi trường, tu sửa, tổng vệ sinh nguồn nước dùng cho ăn uống và các công trình công cộng.

- Tiếp tục tăng cường thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh để đảm bảo không xảy ra tình trạng thực phẩm không bảo đảm chất lượng an toàn thực phẩm lưu thông trên thị trường.

- Chủ động xử lý, khắc phục sự cố khi có ngộ độc thực phẩm, không để lan rộng trong cộng đồng.

Người dân tuyệt đối không được sử dụng các thực phẩm ôi thiu, ủng... sau khi mưa bão.(Ảnh trên Báo Sức khỏe và Đời sống)
Người dân tuyệt đối không được sử dụng các thực phẩm ôi thiu, ủng... sau khi mưa bão.(Ảnh trên Báo Sức khỏe và Đời sống)

Chia sẻ về cách đảm bảo phòng tránh các bệnh liên quan đến mất an toàn thực phẩm, bác sĩ Nguyễn Văn Tiến (Viện Dinh dưỡng quốc gia) khuyến cáo, người dân không chế biến thực phẩm từ động vật chết không rõ nguyên nhân hoặc động vật đang bệnh.

Những ngày này, có thể dùng thực phẩm (nước tương, muối lạc…) để thay thế thức ăn từ động vật. Có thể tận dụng bộ phận của cây chuối, mít non luộc chín ăn để thay thế rau xanh.

Sau mưa lũ, các địa phương cần nhanh chóng dọn vệ sinh môi trường, chôn lấp xác động vật, lau chùi nhà cửa bằng hóa chất tẩy rửa.

Việc này có tác dụng lớn trong việc đề phòng ngộ độc và bệnh truyền qua thực phẩm.

Vệ sinh thân thể sạch sẽ để hạn chế mắc bệnh da liễu. Quần áo bị ẩm cần giặt, phơi khô…

Ngoài Chloramin B, người dân có thể dùng phèn chua, vôi để xử lý nguồn nước bị nhiễm bẩn. Sau 30 phút, cặn lắng xuống đáy có thể gạn lấy nước trong dùng nhưng vẫn phải đun sôi mới uống được.

Chia sẻ trên Vanhoadoisong.vn, Bác sĩ chuyên khoa 1 Đào Thanh Tùng (Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hóa) nhấn mạnh:

Mỗi gia đình cần chú ý đến thực phẩm dự trữ cho trẻ nhỏ, phụ nữ có thai và những người già yếu;

Dự trữ và bảo quản lương thực, thực phẩm an toàn, cảnh giác với các nguy cơ gây ô nhiễm (ô nhiễm vi sinh, ô nhiễm hóa học, ô nhiễm vật lý);

Rửa tay sạch bằng xà phòng và nước (hoặc chất tẩy pha loãng) sau khi đi vệ sinh, trước và sau khi tiếp xúc với thực phẩm sống và trước khi ăn;

Làm vệ sinh tất cả bề mặt, dụng cụ sử dụng trong quá trình chuẩn bị thực phẩm; Không chế biến thực phẩm trực tiếp trong môi trường nước bị ngập lụt;

Bảo vệ khu vực bếp và thực phẩm tránh khỏi các loại côn trùng, sâu bọ và các động vật khác;

Những người bị tiêu chảy hoặc có các biểu hiện khác phải tránh xa khu vực chế biến thực phẩm;

Phân và chất thải phải cách xa khu vực chuẩn bị thực phẩm (bếp và nhà vệ sinh phải riêng biệt).

Đặc biệt, mỗi gia đình nên có “Hộp thuốc gia đình” trong đó dự trữ một số thuốc trị bệnh đường tiêu hóa và thuốc chữa bệnh ngoài da đã được bác sỹ hướng dẫn cách sử dụng.

Quế Chi