Mỗi năm, 2.000 trẻ em Việt Nam có nguy cơ mắc bệnh tan máu bẩm sinh

10/05/2015 09:11
Thảo Nguyên
(GDVN) - Tại Việt Nam, hơn 5 triệu người mang gen bệnh, khoảng 20.000 người mắc bệnh thể nặng, 2.000 trẻ sinh ra mang gen bệnh mỗi năm.

Tan máu bẩm sinh hay còn gọi là Thalassemia là một căn bệnh di truyền lặn rất nguy hiểm về máu, gây ra ảnh hưởng nặng nề không chỉ đối với bệnh nhân và gia đình mà còn đe dọa nòi giống quốc gia dân tộc. 

Các bạn trẻ được tìm hiểu về căn bệnh Tan máu bẩm sinh
Các bạn trẻ được tìm hiểu về căn bệnh Tan máu bẩm sinh

Trên thế giới, mỗi năm có khoảng 300.000 – 500.000 trẻ em sinh ra mắc bệnh Tan máu bẩm sinh (còn gọi là Thalassemia-TMBS) thể nặng là số liệu tổng kết tình hình bệnh và chương trình quản lý Bệnh Thalassemia do Tiến sĩ – Bác sĩ Nguyễn Phương Liên, Trưởng phòng kế hoạch tổng hợp bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM trình bày.

Hội Tan máu bẩm sinh Việt Nam phối hợp cùng các đơn vị Bệnh viện Nhi đồng 1, Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TP.HCM và công ty Cổ phần Nhân ái Vòng Tay Việt (VTVCorp) tổ chức Tọa đàm “Bệnh tan máu bẩm sinh – Quả bom nguyên tử đã phát nổ” tại bệnh viện Nhi đồng 1 nhằm hưởng ứng ngày Thalassemia thế giới.

Tại Việt Nam là những con số đáng báo động: Hơn 5 triệu người mang gen bệnh, khoảng 20.000 người mắc bệnh thể nặng, 2.000 trẻ sinh ra mang gen bệnh mỗi năm.

Từ năm 2011 – 2014 con số bệnh nhân Thalassemia mới là hơn 700 bệnh nhân/năm, tăng gấp 4 lần thời điểm 2000 – 2010, chưa kể số người mang gen bệnh và thể nhẹ (số liệu ghi nhận của Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM).

Đây chỉ là một trong số rất nhiều con số đáng lo ngại về căn bệnh di truyền lặn vô cùng nguy hiểm về máu này. Tuy nhiên, nhận thức của công đồng về căn bệnh này còn rất hạn chế.

Các nghệ sĩ đại sứ và đại diên BTC trao quà cho các bệnh nhi. Ảnh: Vũ Hạnh.
Các nghệ sĩ đại sứ và đại diên BTC trao quà cho các bệnh nhi. Ảnh: Vũ Hạnh.

Bác sĩ Nguyễn Thị Hồng Hoa – Trưởng khoa khám bệnh Bệnh viện Truyền máu – Huyết học TPHCM, khẳng định: “Đây là căn bệnh di truyền nguy hiểm ảnh hưởng lớn đến chất lượng giống nòi vì gen lặn không biểu hiện bệnh ra bên ngoài, bệnh có thể phòng tránh nếu mọi người được tuyên truyền kiến thức về bệnh và xét nghiệm máu trước khi kết hôn”.

Thảo Nguyên