Món canh bổ dưỡng ngày hè

27/04/2012 07:15
Theo SKĐS
Theo quan điểm của dinh dưỡng học cổ truyền, trong điều kiện khí trời nóng bức của mùa hạ, việc bồi bổ cơ thể phải đảm bảo thực hiện đầy đủ chữ “thanh”
Theo quan điểm của dinh dưỡng học cổ truyền, trong điều kiện khí trời nóng bức của mùa hạ, việc bồi bổ cơ thể phải đảm bảo thực hiện đầy đủ chữ “thanh”, bao hàm hai nghĩa: một là thanh nhiệt, vì thời tiết nóng nực, dương nhiệt quá thịnh dễ làm thương tổn phần dịch trong nhân thể nên phải lựa chọn những thực phẩm có tính mát để lập lại sự cân bằng giữa nội giới và ngoại giới; hai là thanh đạm, nghĩa là dùng nhiều đồ ăn thức uống dễ tiêu, dễ ăn và không gây trở ngại cho quá trình tiêu hóa và hấp thu của tỳ vị. Bởi vậy, việc lựa chọn các món ăn để bồi bổ trong mùa hạ cũng cần phải có những hiểu biết nhất định về dinh dưỡng học cổ truyền. Trong bài viết này, xin được giới thiệu một trong những món ăn bồi bổ mùa hè khá điển hình để bạn đọc có thể tham khảo và vận dụng:
Canh xương lợn củ sen.
Canh xương lợn củ sen.
Xương sống lợn 250g chặt miếng, ngẫu tiết (củ sen) 250g thái nhỏ, đại táo 5 quả bỏ hạt, đậu xanh 15g xay vỡ, gia vị vừa đủ. Có thể dùng thịt lợn nạc hoặc xương trâu bò để thay thế xương sống lợn. Cho tất cả nguyên liệu vào nồi, đổ nước vừa đủ, ninh kỹ trong 120 phút, khi được chế đủ gia vị, dùng làm canh ăn. Công dụng: Kiện tỳ bổ thận, ích khí dưỡng huyết, thanh nhiệt giải độc. Theo dinh dưỡng học cổ truyền, xương sống lợn vị ngọt, tính bình, có công dụng bổ tinh tủy, ích thận âm, dùng để chữa các chứng thận âm bất túc, âm hư sinh nhiệt ở bên trong, ra mồ hôi trộm, di tinh, lưng gối mềm yếu, tay chân rã rời. Đậu xanh vị ngọt, tính mát, có công dụng thanh nhiệt giải độc, tiêu thử chỉ khát, lợi thủy tiêu thũng thường được dùng nhiều trong mùa hè để chế biến các món ăn mát bổ như cháo đậu xanh, chè đậu xanh, bột đậu xanh... và để chữa các chứng bệnh như cảm nắng, cảm nóng..., giải độc khi ngộ độc thực phẩm, ngộ độc các hóa chất công nghiệp và một số kim loại nặng.
Ngẫu tiết dùng sống vị ngọt, tính lạnh; dùng chín vị ngọt, tính ấm, có công dụng thanh nhiệt mát huyết, cầm máu tán ứ (sống); kiện tỳ khai vị, dưỡng huyết (chín). Ngẫu tiết ăn sống hoặc ép nước uống tươi thường được dùng để chữa các chứng sốt cao, môi khô miệng khát, tiểu tiện sẻn đỏ... Ngẫu tiết nấu chín thường dùng để chữa các chứng tỳ vị hư nhược, chán ăn, chậm tiêu, thiếu máu do thiếu sắt, suy dinh dưỡng. Nghiên cứu hiện đại cho thấy, ngẫu tiết có chứa nhiều chất đạm, đường, canxi, phốt pho, sắt và các vitamin, trong đó hàm lượng vitamin C và chất xơ đặc biệt phong phú. Như vậy có thể thấy, món canh nêu trên được phối hợp bởi các loại thực phẩm có tác dụng bổ dưỡng nhưng đều mang tính thanh đạm, dễ kiếm, dễ chế và rất rẻ tiền. Khi dùng, tùy theo thể chất và trạng thái hàn nhiệt của từng cơ thể mà tăng hoặc giảm lượng của từng nguyên liệu cho phù hợp.

CÁC TIN BÀI ĐƯỢC BẠN ĐỌC QUAN TÂM

11 loại thảo dược dễ tìm giúp bạn có hơi thở thơm tho

Những loại cá nước ngọt cực tốt cho sức khỏe (P2)

Phát hoảng với những thân hình "khủng" nhất thế giới do ăn nhiều

Những loại hoa ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe khi cắm trong phòng ngủ

Những hình ảnh thương tâm về căn bệnh 'lạ' ở Quảng Ngãi

Chùm ảnh: Những thực phẩm ngăn ngừa bệnh viêm khớp hiệu quả

Quả bơ và 10 tác dụng cực tốt cho sức khỏe có thể bạn chưa biêt?

Cảnh báo: Nhuộm tóc có thể sẽ gây ung thư

Lạ lùng người phụ nữ khóc ra 'kim cương'

Điểm mặt những món ăn cho quý ông ngại... “yêu”

"Ổ bệnh" thực phẩm thối: "Bốc lòng" như "bốc rạ"

Những bệnh răng miệng thường mắc phải và cách phòng tránh

Theo SKĐS