Sau hơn 5 năm thực hiện, Luật Bảo hiểm y tế từng bước đi vào cuộc sống, tác động tích cực đến chính sách Bảo hiểm y tế tại Việt Nam.
Đáng chú ý, chính sách Bảo hiểm y tế đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là với những nhóm người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em... là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân.
Ông Lê Văn Khảm - Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế (Bộ Y tế) cho biết: Đến ngày 19/11/2020, cả nước có 86,35 triệu người tham gia Bảo hiểm Y tế, đạt tỷ lệ khoảng 89,2% dân số tham gia, cơ bản đã hoàn thành mục tiêu Bảo hiểm y tế.
Đáng chú ý, theo thống kê, số lần khám, chữa bệnh theo Bảo hiểm y tế tăng dần theo các năm. Đi liền với đó là chất lượng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế cũng ngày càng được cải thiện khi người dân được tiếp cận các dịch vụ kỹ thuật y tế hiện đại, nhiều thuốc mới, hiệu quả điều trị cao… giúp họ vượt qua đau ốm, thậm chí các căn bệnh hiểm nghèo.
Ngoài ra, các thủ tục hành chính trong cung cấp dịch vụ Bảo hiểm y tế cũng từng bước được tinh giản và nhanh gọn hơn đáp ứng sự hài lòng cho người dân.
Chính sách Bảo hiểm y tế đã góp phần tạo nên sự công bằng trong chăm sóc sức khỏe cho nhân dân, nhất là với những nhóm người nghèo, đối tượng chính sách, trẻ em... là tiền đề cho việc thực hiện mục tiêu Bảo hiểm y tế toàn dân. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Quy định thông tuyến khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế đã phát huy được thế mạnh, tạo thuận lợi cho người tham gia Bảo hiểm y tế. Đây là cơ hội cho người có thẻ Bảo hiểm y tế tiếp cận dịch vụ y tế thuận lợi, giảm bớt thủ tục hành chính.
Đồng thời là động lực cho các cơ sở khám, chữa bệnh phải chủ động, tích cực tăng cường năng lực chuyên môn, nâng cao chất lượng dịch vụ, để thu hút người có thẻ Bảo hiểm y tế đến khám, chữa bệnh.
Nhiều cơ sở y tế tuyến huyện đã tăng cường đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, nguồn nhân lực, thực hiện chuyển giao kỹ thuật, đổi mới phong cách, thái độ phục vụ để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh của người có thẻ Bảo hiểm y tế. Điều này đang tạo một xu thế cùng đổi mới, phát triển trong tổ chức cung ứng dịch vụ khám, chữa bệnh. Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cho biết: Mặc dù công tác Bảo hiểm y tế đã đạt được những thành quả nhất định, nhưng vẫn còn một số bất cập.
Đến nay vẫn còn khoảng 10% số dân, tương đương khoảng 9,6 triệu người chưa tham gia Bảo hiểm y tế, trong đó chủ yếu là người lao động tự do, sinh viên (chủ yếu là sinh viên từ năm thứ hai trở lên), người tham gia theo hộ gia đình...
Bên cạnh đó, chất lượng khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế chưa đáp ứng nhu cầu của người dân, nhất là ở các tuyến y tế cơ sở và ở các tỉnh miền núi; có sự chênh lệch giữa các tuyến, các vùng.
Số lượng và chất lượng nhân lực y tế phân bổ không đồng đều giữa các vùng, các tuyến. Chưa có chính sách bền vững để thu hút những thầy thuốc có trình độ chuyên môn cao, tay nghề giỏi làm việc lâu dài tại các vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn.
Các cơ quan chức năng cần thiết kế gói quyền lợi Bảo hiểm y tế hợp lý; bảo đảm công bằng, hiệu quả và phát triển trong lĩnh vực bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân; giảm chi phí điều trị, chi phí nằm viện, giảm tải bệnh viện.
Bên cạnh đó, cần kiểm soát chi phí bảo đảm sử dụng dịch vụ y tế hợp lý; nâng cao trách nhiệm của cơ sở y tế và người sử dụng dịch vụ, tránh lãng phí, cân đối quỹ Bảo hiểm y tế.
Điều chỉnh mối quan hệ giữa cơ sở cung ứng dịch vụ và cơ quan Bảo hiểm xã hội tiến tới bảo đảm sự công bằng trong quan hệ giữa cơ sở y tế là bên cung cấp dịch vụ y tế và cơ quan Bảo hiểm xã hội chi trả chi phí mà người có thẻ Bảo hiểm y tế đã được cung cấp.
Người tham gia Bảo hiểm y tế cần được bảo đảm tốt hơn về quyền lợi trong khám, chữa bệnh; đồng thời mở rộng thêm phạm vi quyền lợi liên quan chăm sóc sức khỏe, bao gồm khám sàng lọc, khám sức khỏe định kỳ và một số dịch vụ y tế dự phòng, hồi phục chức năng.
Điều chỉnh mức đóng theo lộ trình phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và nhu cầu khám, chữa bệnh; điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh; áp dụng phương thức thanh toán chi phí khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế tiên tiến, nhất là phương pháp thanh toán theo trường hợp bệnh, theo nhóm chẩn đoán.
Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát việc thu đóng Bảo hiểm y tế, cũng như chống lạm dụng, trục lợi Bảo hiểm y tế.
Sự hài lòng của người dân với khám chữa bệnh bằng bảo hiểm Y tế
Nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế tuyến y tế cơ sở là giải pháp tối ưu và lâu dài trong vấn đề giảm tải bệnh viện, người dân được chăm sóc sức khỏe ban đầu ngay tại địa phương.
Bộ Y tế, Bảo hiểm xã hội Việt Nam đã đưa ra được nhiều giải pháp tối ưu để thực hiện nhiệm vụ này.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Để phát triển trạm y tế xã hiện nay, rất cần các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng. Ảnh minh họa: Tùng Dương. |
Bộ Y tế ban hành thông tư quy định gói dịch vụ y tế cơ bản, gồm 78 dịch vụ kỹ thuật, 244 loại thuốc. Đây là những dịch vụ tối thiểu trạm y tế xã phải cung cấp được.
Tuy nhiên, qua khảo sát, các trạm y tế chưa cung ứng được ở mức tối thiểu này. Tuyến xã mới chỉ quản lý số lượng người bệnh tăng huyết áp hoặc chỉ khám, kê đơn theo các đơn thuốc đã được kê tại tuyến trên, không đánh giá được hiệu quả điều trị…
Đặc biệt, người dân chưa tin tưởng vào y tế cơ sở vì vấn đề chất lượng khám, chữa bệnh và cán bộ y tế, danh mục thuốc, kỹ thuật còn ít. Vì thế bệnh nhân vượt lên tuyến trên, gây quá tải bệnh viện, tăng chi phí, mất thời gian...
Theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Việc người dân không lựa chọn trạm y tế xã là nơi chăm sóc sức khỏe, khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế ban đầu là do chính sách thông tuyến được thực hiện từ năm 2015, người bệnh Bảo hiểm y tế thường lựa chọn khám, chữa bệnh tại các bệnh viện tuyến huyện thay vì đến các trạm y tế xã.
Ngoài ra, hệ thống các trạm y tế xã hiện nay chưa đảm đương được yêu cầu, nhiệm vụ và còn nhiều bất cập cả về nhân lực, cơ sở vật chất, tình trạng khám bệnh, kê đơn, cấp thuốc, đặc biệt là chất lượng bác sĩ.
Hơn hết, cả ngành y tế và ngành Bảo hiểm xã hội đều chung nhận định, y tế cơ sở là nền tảng của hệ thống y tế. Nếu làm tốt sẽ đáp ứng 70% nhu cầu chăm sóc sức khỏe thông thường của người dân.
Song song với đó, trạm y tế có nhiệm vụ cung cấp, thực hiện các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu cho người dân, y tế dự phòng, khám, chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe sinh sản, cung ứng thuốc thiết yếu, quản lý sức khỏe cộng đồng...
Mục tiêu đến năm 2025, trên 90% dân số được quản lý sức khỏe, 95% trạm y tế xã, phường, thị trấn thực hiện dự phòng, quản lý, điều trị một số bệnh không lây nhiễm. Năm 2030, hơn 95% dân số được quản lý sức khỏe, 100% trạm y tế dự phòng, quản lý, điều trị một số một số bệnh không lây nhiễm.
Để thực hiện mục tiêu trên, trong nhiều năm qua, ngành y tế đã đưa nhiều giải pháp như luân phiên bác sĩ từ tuyến trên về tuyến xã công tác, quy định gói dịch vụ y tế cơ bản… Tuy nhiên, hiệu quả vẫn chưa như mong đợi.
Cũng theo Bảo hiểm xã hội Việt Nam: Để phát triển trạm y tế xã hiện nay, rất cần các địa phương quan tâm đầu tư trang thiết bị, máy móc, cơ sở hạ tầng.
Điều quan trọng nữa là ở trạm y tế xã dù có bác sĩ tuyến trên luân phiên về công tác, nhưng không bền vững và điều lo ngại nhất là chất lượng bác sĩ. Người dân chưa tin tưởng trạm y tế xã là do chưa tin tưởng tay nghề của bác sĩ.
Vì vậy, song song với việc đào tạo nhân lực mới, ngành y tế cũng cần tập trung đào tạo lại nhân lực sẵn có tại các trạm y tế xã thì mới có thể đáp ứng nhu cầu người dân.
Nếu như cơ sở y tế nào tốt, ngành y tế cần mạnh dạn phân cấp, có các chính sách ưu đãi cho cơ sở đó. Chẳng hạn nếu tuyến xã làm tốt thì Bảo hiểm xã hội có thể sẽ không thanh toán khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế với tuyến huyện nữa và nếu người dân vẫn lên tuyến huyện thì việc đóng tiền khám, chữa bệnh là hết sức bình thường.
Bộ Y tế đang chọn 26 trạm y tế tại Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh, Khánh Hoà, Yên Bái, Hà Tĩnh... để làm mô hình thí điểm tăng cường năng lực y tế cơ sở. Để nâng cao tính hiệu quả thì trực tiếp Bộ trưởng, Thứ trưởng sẽ quản lý từng trạm này để làm thí điểm và sau đó nhân rộng.
Bộ Y tế sẽ khai giảng khoá học về chăm sóc sức khoẻ ban đầu, quản lý các bệnh không lây nhiễm cho nhân viên y tế tuyến cơ sở, tiến tới xây dựng chương trình đào tạo bác sĩ gia đình, sau 6 năm học đa khoa sẽ học thêm 3 năm y học gia đình. Bộ Y tế khuyến khích hệ thống tư nhân tham gia vào hệ thống bác sĩ gia đình.
Mặt khác, để tăng cường khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế tại các trạm y tế xã thời gian tới, ngành y tế sẽ tập trung vào đổi mới cơ chế chi trả khám, chữa bệnh Bảo hiểm y tế như không quy định tỷ lệ quỹ Bảo hiểm y tế được sử dụng tại trạm y tế xã như hiện nay.
Triển khai thanh toán theo định suất, ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản tại tuyến xã, tăng cường quản lý, điều trị các bệnh mạn tính, nhất là các trường hợp đã được chẩn đoán ở tuyến trên và thực hiện theo đúng phác đồ điều trị, đầu tư xây dựng, cải tạo cơ sở hạ tầng, trang thiết bị của trạm y tế xã theo mô hình chuẩn.
Đồng thời xây dựng thống nhất 1 phần mềm áp dụng tại trạm y tế xã đảm bảo quản lý thông tin các hoạt động chuyên môn với quản lý hồ sơ sức khỏe của người dân.