Ngành Dược chuyển đổi số hóa thành công

13/08/2020 11:18
Lại Cường
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Ngày 13/8/2020, Cục Quản lý Dược đã tổ chức lễ công bố số hóa và kế hoạch chuyển đổi số ngành dược.

Sự kiện có sự tham dự của Lãnh đạo Bộ Y tế, Lãnh đạo Cục Quản lý Dược, Lãnh đạo Văn phòng Bộ, Vụ, Cục, Tổng cục thuộc Bộ Y tế, Lãnh đạo Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội (Viettel) và toàn thể cán bộ, công chức, viên chức thuộc Cục Quản lý Dược.

Triển khai Nghị quyết số 52-NQ TW ngày 27/9/2019 của Bộ Chính trị về một số chủ trương, chính sách, chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025".

Ngay từ năm 2018, Cục Quản lý Dược đã thực hiện xây dựng, kết nối, liên thông thành công 13 dịch vụ công trực tuyến với cơ chế một cửa quốc gia, song song với việc tiếp tục duy trì các dịch vụ công trực tuyến trong lĩnh vực công bố mỹ phẩm và xác nhận thông tin quảng cáo thuốc.

Toàn cảnh lễ công bố và kế hoạch chuyển đổi số hóa ngành dược. Ảnh: LC

Toàn cảnh lễ công bố và kế hoạch chuyển đổi số hóa ngành dược. Ảnh: LC

Đến năm 2019, Cục Quản lý Dược tiếp tục hoàn thành và đưa vào hoạt động các dịch vụ công trực tuyến phục vụ việc kê khai/kê khai lại giá thuốc; hoàn thiện từng bước các phần mềm xử lý tác nghiệp đăng ký thuốc, quản lý chất lượng thuốc, quản lý kinh doanh dược để tiến tới cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 trong lĩnh vực này.

Tính đến ngày 30/6/2020, Cục Quản lý Dược đã hoàn thành và cung cấp 93 dịch vụ công trực tuyến mức độ 4 phục vụ người dân và doanh nghiệp (đạt 100%) được tích hợp lên Cổng dịch vụ công Bộ Y tế, theo thống kê từ ngày 01/01/2020 đến nay, tổng số hồ sơ được xử lý trực tuyến là: 18.027 hồ sơ.

Thực hiện nghị quyết của Chính phủ, Cục Quản lý Dược đã có 15 dịch vụ công trực tuyến tham gia Cơ chế một cửa quốc gia trong lĩnh vực xuất nhập khẩu thuốc và công bố mỹ phẩm.

Vào thời điểm tháng 8/2019, Cục Quản lý Dược đã tổ chức khai trương Ngân hàng dữ liệu ngành dược (drugbank.vn) với thông tin tra cứu của hơn 10.000 thuốc, với mục tiêu giúp người dân và doanh nghiệp trong việc tiếp cận thông tin về thuốc, đáp ứng các tiêu chí: chính xác, đầy đủ.

Cho đến nay, ngân hàng dữ liệu ngành dược đã được cập nhật và cung cấp thông tin, dữ liệu của 15.226 thuốc đang được cấp phép lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam.

Đại diện Bộ Y tế nhận bàn giao từ phía doanh nghiệp thực hiện số hóa. Ảnh: LC

Đại diện Bộ Y tế nhận bàn giao từ phía doanh nghiệp thực hiện số hóa. Ảnh: LC

Với sự ra mắt của drugbank.vn, Cục Quản lý Dược đã trở thành một trong số ít những cơ quan quản lý cấp quốc gia xây dựng hệ thống dữ liệu về thuốc và cung cấp công cụ tra cứu cho cộng đồng (Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ (FDA) của Mỹ, Bộ Y tế Canada, Tổ chức kiểm soát tiêu chuẩn thuốc trung ương (CDSCO) của Ấn Độ).

Như vậy, với việc thực hiện Dự án Ngân hàng dữ liệu ngành Dược, Cục Quản lý Dược đã tạo ra một dấu ấn tiên phong trong việc số hóa dữ liệu thuốc và các dữ liệu liên quan không chỉ Việt Nam mà còn trên thế giới.

Ứng dụng drugbank.vn đã được đưa vào là một cấu phần của dự án thành phố thông minh (smartcity) và đang được triển khai tại một số tỉnh/thành phố.

Để khắc phục tình trạng cấp trùng chứng chỉ hành nghề ở các địa phương cũng như giúp các cơ quan quản lý giám sát việc cấp chứng chỉ hành nghề dược, Cục Quản lý Dược đã xây dựng phần mềm quản lý dữ liệu hành nghề và kinh doanh dược với thông tin về toàn bộ các cơ sở kinh doanh dược (340 cơ sở sản xuất, xuất nhập khẩu, 4.079 cơ sở bán buôn, 61.000 cơ sở bán lẻ thuốc) và 115.080 chứng chỉ hành nghề đã được cấp trên toàn quốc.

Với cơ sở dữ liệu như trên, Cục Quản lý Dược đã quản lý được quy mô của hệ thống sản xuất, kinh doanh dược trên toàn quốc, tránh được tình trạng cấp trùng chứng chỉ hành nghề ở các địa phương.

Các đại biểu chính thức thực hiện nghi thức khánh khành chuyển đổi số hóa ngành dược. Ảnh: LC

Các đại biểu chính thức thực hiện nghi thức khánh khành chuyển đổi số hóa ngành dược. Ảnh: LC

Việc thực hiện cập nhật kiến thức chuyên môn đối với các cá nhân đã được cấp chứng chỉ hành nghề từ đầu năm 2020.

Trước tình hình diễn biến hết sức phức tạp của dịch Covid-19 trên toàn thế giới, Cục Quản lý Dược đã chủ động phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng phần mềm để các cơ sở sản xuất thuốc, nhập khẩu thuốc báo cáo liên tục việc xuất, nhập, tồn cũng như kế hoạch sản xuất, nhập khẩu các thuốc được khuyến nghị sử dụng trong hướng dẫn chẩn đoán và điều trị Covid-19 với 48 hoạt chất.

Trong thời gian tới, Cục Quản lý Dược sẽ tiếp tục phát triển phần mềm kết nối tới tất cả các nhà máy để quản lý và có số liệu báo cáo, thống kê của khoảng 700 hoạt chất dùng trong sản xuất thuốc tại Việt Nam, bắt đầu từ tháng 01/2020, cho đến nay. Cục Quản lý Dược đã hoàn thành việc xây dựng hệ thống phần mềm khởi tạo mã định danh cho từng loại thuốc.

Tới thời điểm này toàn bộ mã định danh đã hoàn thiện và trở thành khối dữ liệu cơ bản, nền tảng của Cục Quản lý Dược cũng như là khối dữ liệu dùng chung cho toàn ngành y tế trong quá trình chuyển đổi số.

Hiện có 23.500 thuốc được cấp phép lưu hành còn hiệu lực và trong số đó 100% là thuốc kê đơn đã được cấp mã định danh.

Sự phối hợp đồng bộ các giải pháp từ nền tảng tới vận hành và quản trị, đồng thời các tiện ích, hệ thống luôn liên thông, hỗ trợ lẫn nhau giúp chuyển đổi số của Cục Quản lý Dược tiến những bước quan trọng thực hiện Quyết định số 749/QĐ-TTg ngày 03/6/2020 của Thủ tướng vững chắc và chính xác.

Đây không chỉ là dữ liệu của Cục quản lý Dược mà còn là dữ liệu dùng chung của toàn ngành y tế trong tất cả các hệ thống: Đơn thuốc điện tử, Bệnh án điện tử, Y bạ điện tử, Giám định thanh toán bảo hiểm y tế cũng như các phần mềm khác đã và đang sử dụng trong ngành y tế.

Chính phủ phê duyệt "Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”, Cục Quản lý Dược xây dựng kế hoạch chuyển đổi số ngành dược giai đoạn 2020 – 2025, tầm nhìn 2030.

Lại Cường