Người tiêu dùng hãy tự kiểm soát an toàn thực phẩm

12/12/2018 06:00
Vũ Phương
(GDVN) - Bên cạnh việc cơ quan chức năng quyết liệt, xử lý nghiêm cơ sở vi phạm an toàn vệ sinh thực phẩm, người tiêu dùng cần tự kiểm soát để bảo vệ mình và gia đình.

Càng đến ngày cận Tết Nguyên Đán vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm lại nóng hơn bao giờ hết do nhu cầu tiêu thụ, sử dụng thực phẩm của người dân ngày một tăng.

Điều này đòi hỏi việc giám sát an toàn vệ sinh thực phẩm là yêu cầu vô cùng cần thiết và cấp bách. Các cơ quan chức năng vào cuộc quyết liệt, xử lý mạnh tay với những trường hợp, cơ sở kinh doanh vi phạm.

Để ngăn chặn thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ, kém chất lượng Phó Giáo sư – Tiến sĩ Nguyễn Thanh Phong - Cục trưởng Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cho biết, các đơn vị của Cục sẽ phối hợp với ban ngành liên quan trên cả nước đẩy mạnh thanh kiểm tra, ngăn chặn thực phẩm nhập lậu, thực phẩm kém chất lượng ngay tại cửa khẩu.

Ngoài ra, công tác kiểm tra chất lượng, hậu kiểm đối với những cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến, cung cấp suất ăn sẽ được thực hiện triệt để, xử lý nghiêm đối với cơ sở sai phạm.

Chọn sản phẩm ở các siêu thị uy tín để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.
Chọn sản phẩm ở các siêu thị uy tín để bảo vệ sức khỏe của mình và gia đình.

Theo công bố của Cục An toàn thực phẩm, trong 10 tháng qua Cục đã xử phạt các vi phạm liên quan đến lĩnh vực thực phẩm với số tiền hơn 6 tỉ đồng. Bên cạnh đó, Cục ra quyết định thu hồi hàng trăm giấy phép của các cơ sở, công ty sản xuất, kinh doanh thực phẩm có những sai phạm nghiêm trọng.

Riêng tại Hà Nội, từ đầu năm 2018 đến nay, thành phố đã tiến hành gần 154.000 cuộc thanh, kiểm tra các cơ sở, doanh nghiệp sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm; phát hiện hàng nghìn cơ sở vi phạm về an toàn thực phẩm; xử lý hành chính hơn 14 tỉ đồng; buộc tiêu hủy hàng hóa vi phạm trị giá hơn 3 tỉ đồng.

Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, toàn thành phố có gần 14.000 cơ sở dịch vụ ăn uống và gần 6.000 cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố.

Đến nay, tại các quận, huyện, thị trấn đã có 99% số cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống ký cam kết với chính quyền địa phương bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. Tuy nhiên, vẫn còn khá nhiều cơ sở chưa thực hiện đầy đủ 10 tiêu chí an toàn thực phẩm.

Qua đó có thể thấy chỉ riêng Hà Nội, số cửa hàng dịch vụ ăn uống, cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố như thế nào. Để kiểm soát, giám sát cần sự vào cuộc đồng bộ của các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra tại một siêu thị ở Hà Nội.
Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn vệ sinh thực phẩm kiểm tra tại một siêu thị ở Hà Nội.

Các chuyên gia trong lĩnh vực an toàn vệ sinh thực phẩm cũng khuyến cáo người tiêu dùng cũng cần tự kiểm soát, bảo vệ chính mình và người thân trước những thực phẩm bẩn, độc hại.

Thời gian qua cũng như dịp Tết Nguyên Đán đang đến, các cơ quan chức năng xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm được làm quyết liệt và mạnh mẽ, nhưng để đảm bảo cùng với đó người dân cần phải nâng cao ý thức hơn nữa, xóa bỏ thói quen “bán gì cũng ăn” mà không cần biết nguồn gốc thức ăn sạch hay bẩn.

Song song với sự vào cuộc của cơ quan chức năng, người tiêu dùng nên tự bảo vệ mình bằng cách chọn nơi cung cấp thực phẩm an toàn, nói không, tẩy chay với đồ ăn, thức uống chất lượng kém… Điều này buộc người bán phải đáp ứng nhu cầu của người mua thực phẩm sạch, đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm.

Đáng lưu ý, người tiêu dùng cần hiểu đúng về “thực phẩm sạch” để tự bảo vệ mình và người thân.

Thực tế, thời gian qua không ít gia đình, bà nội chợ chọn cách tự cung tự cấp, rau có thể được trồng trong các thùng xốp ngoài vỉa hè, bờ mương hay trồng ở một diện tích đất nhỏ....

Tất cả những mảnh đất trống xung quanh nhà được tận dụng tối đa, từ ban công, vỉa hè, chân cầu, bờ mương… các thùng xốp, xô chậu bị vỡ, sứt mẻ vốn là đồ bỏ đi trước đây đều trở nên hữu dụng để trồng rau.

Nhiều người nghĩ  tự trồng rau như vậy là sạch vì không phun thuốc, yên tâm ăn mà không lo lắng gì. Nhưng thực tế không phải rau tự trồng nào cũng sạch.

Tự trồng rau ra hộp xốp, tận dụng đất vỉa hè trồng rau vẫn có nguy cơ rau nhiễm độc.
Tự trồng rau ra hộp xốp, tận dụng đất vỉa hè trồng rau vẫn có nguy cơ rau nhiễm độc. 

Theo chuyên gia an toàn vệ sinh thực phẩm Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Duy Thịnh, rau tự trồng nếu không đảm bảo tốt mọi khâu từ hạt giống, đất trồng, nước tưới, môi trường sống sẽ có nguy cơ nhiễm bẩn rất lớn, nhất là rau được trồng ở vỉa hè, bờ mương gần nguồn nước ô nhiễm…

Để trồng rau trong các hộp xốp, người dân thường ra các bãi đất trống lấy đất về trồng mà không kiểm soát được loại đất đó có bị ô nhiễm hay không, vô hình chung lại trồng rau nhiễm độc mà không biết.

Tiến sĩ Nguyễn Đăng Nghĩa, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và tư vấn nông nghiệp nhiệt đới phân tích, đất bị nhiễm khuẩn thì khi trồng rau những chất độc hại sẽ theo đó mà đi vào theo đường hấp thụ của cây.

Đất trồng phải không còn tồn dư thuốc bảo vệ thực vật, lượng kim loại nặng, hàm lượng nitrat, những vi sinh vật gây bệnh đều phải dưới ngưỡng thì mới đảm bảo an toàn.

Thời gian qua để chống lại tình trạng thực phẩm bẩn mang mác “sạch” tuồn vào siêu thị, các nhà bán lẻ phải sử dụng nhiều cách quản lý nguồn gốc đầu vào khác nhau.

Có đơn vị tự đầu tư hệ thống trạm kiểm nghiệm vệ sinh an toàn thực phẩm lên tới hàng chục tỷ đồng chỉ để đảm bảo chất lượng hàng hóa ra vào siêu thị mỗi ngày.

Người tiêu dùng muốn biết sản phẩm có thực sự đạt chứng nhận sạch, hữu cơ hay không, người mua hãy vào trang web đã cấp giấy chứng nhận hữu cơ, nhập mã số của đơn vị được cấp để nhận thông tin chính xác.

Trên thị trường cũng đã có một số đơn vị minh bạch thông tin qua phương thức quét mã QR Code để truy xuất nguồn gốc và đường đi của hàng hóa. Như vậy, khi mua sản phẩm của các đơn vị này người tiêu dùng sẽ an tâm được mua hàng sạch.

Trang bị kiến thức và hiểu đúng về sản phẩm minh bạch nguồn gốc, lựa chọn nhà bán lẻ uy tín với công nghệ và quy trình kiểm soát hàng hóa chặt chẽ chính là bí quyết cho người tiêu dùng bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình trước sự làm ăn gian dối của một số cơ sở kinh doanh hàng bẩn gắn mác hàng sạch.

Vũ Phương