Những "chiến binh trẻ" kiên cường chống dịch ở Tây Ninh

24/07/2021 07:07
Phạm Minh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Các tình nguyện viên tham gia ở các chốt kiểm soát dịch Covid-19, tại các khu cách ly, sẵn sàng ứng phó mọi tình huống, thực hiện mọi nhiệm vụ được giao.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long tham gia công tác phòng chống dịch COVID-19, dưới sự chỉ đạo của Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo, hơn 40 giảng viên, sinh viên Trường Trung cấp y tế Tây Ninh đã tích cực tham gia hỗ trợ chống dịch tại địa phương.

Các tình nguyện viên Trường Trung cấp y tế Tây Ninh trước giờ lên đường tham gia hỗ trợ chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Các tình nguyện viên Trường Trung cấp y tế Tây Ninh trước giờ lên đường tham gia hỗ trợ chống dịch. (Ảnh: NVCC)

Chia sẻ với Tạp chí điện tử Giáo dục Việt Nam, Bác sĩ Trần Thung - Hiệu trưởng Trường Trung cấp y tế Tây Ninh cho biết, từ ngày 31/5, các tình nguyện viên đầu tiên của trường bắt đầu thực hiện nhiệm vụ tại các chốt kiểm soát giao thông ở các cửa ngõ ra vào tỉnh.

Vào đầu tháng 7, nhà trường bổ sung thêm các tình nguyện viên làm việc tại các khu cách ly. Và trong thời gian tới, đợt thứ 3 ra quân, trường dự kiến có 105 tình nguyện viên sẽ đến các khu điều trị, bệnh viện dã chiến để làm nhiệm vụ, hỗ trợ công tác điều trị, tuyên truyền, chăm sóc bệnh nhân sức khỏe cho bệnh nhân,...

Để chuẩn bị cho sinh viên thực hiện nhiệm vụ chống dịch, Sở Y tế tỉnh Tây Ninh đã giao cho CDC của tỉnh tập huấn cho đoàn tình nguyện của trường, các giảng viên cũng đã được tập huấn từ Bộ Y tế, từ Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo với các bài chuyên môn.

Tuy nhiên, chủ yếu là CDC của tỉnh tập huấn thực hiện công tác truy vết, lấy mẫu xét nghiệm, còn một số công việc chuyên môn thì sinh viên đã được đào tạo ở trường theo chuyên ngành.

Sinh viên, giảng viên Trường Trung cấp y tế Tây Ninh hỗ trợ lực lượng công an và thanh tra kiểm tra nhiệt độ, hướng dẫn người dân khai báo y tế tại các điểm chốt giao thông.(Ảnh: NVCC)

Sinh viên, giảng viên Trường Trung cấp y tế Tây Ninh hỗ trợ lực lượng công an và thanh tra kiểm tra nhiệt độ, hướng dẫn người dân khai báo y tế tại các điểm chốt giao thông.(Ảnh: NVCC)

“Đồng thời, các tình nguyện viên trước các đợt ra quân đều được tiêm vaccine phòng dịch Covid-19 mũi đầu tiên. Với nhóm tình nguyện chuẩn bị vào các bệnh viện dã chiến, Sở Y tế cũng đã lên kế hoạch để tiêm vaccine phòng bệnh cho các em”, thầy Thung cho hay.

Cô Võ Thị Anh Hoài, giảng viên khoa Điều dưỡng - Trưởng đoàn tình nguyện Trường Trung cấp y tế Tây Ninh chia sẻ, Tây Ninh là tỉnh có nhiều cửa khẩu, đặc biệt là các cửa khẩu quốc tế nên công việc trực chốt tại các chốt giao thông vô cùng áp lực.

Lưu lượng xe qua lại các chốt rất lớn, số lượng người dân, tài xế, công nhân, người nước ngoài ra vào đông, hàng hóa nhiều nên việc kiểm soát phải thực hiện nghiêm ngặt, từ bộ phận cảnh sát giao thông, thanh tra giao thông đến lực lượng y tế phải tập trung cao độ để nơi đây thực sự là những chốt chặn vững vàng nhất trong cuộc chiến chống giặc Covid-19.

Áp lực công việc rất lớn khi các tình nguyện viên làm việc tại các chốt trực với lưu lượng xe cộ, người và hàng hóa lớn. (Ảnh: NVCC)

Áp lực công việc rất lớn khi các tình nguyện viên làm việc tại các chốt trực với lưu lượng xe cộ, người và hàng hóa lớn. (Ảnh: NVCC)

Công việc của các sinh viên tình nguyện là kiểm tra thân nhiệt, hướng dẫn người dân khai báo y tế. Đối với người đi từ vùng dịch về phải kiểm tra giấy xét nghiệm covid để cơ quan chức năng quyết định cho qua chốt hay không.

“Công tác phòng chống dịch phải thực hiện rất nghiêm, đúng quy tắc nếu không nguy cơ dịch bệnh tràn vào tỉnh sẽ rất cao.

Các em ở các chốt giao thông liên ngành phải trực 24/24, khi xe qua chốt, cảnh sát giao thông yêu cầu dừng xe, bộ phận thanh tra và y tế sẽ kiểm tra nhiệt độ và yêu cầu, hướng dẫn người dân khai báo y tế.

Trước giờ người dân được đi lại tự do, bây giờ phải dừng và làm các thủ tục nên bản thân họ cũng căng thẳng, một số người có những biểu hiện thiếu hợp tác, vì vậy, nhân viên y tế cũng phải chịu áp lực từ những áp lực tâm lý của người dân.

Để đảm bảo khoảng cách an toàn khi kiểm tra từng xe, từng người nên buộc chúng tôi phải nói rất to, vì vậy mà ai cũng bị đau rát họng sau nhiều giờ làm việc.

Công việc thực sự rất vất vả, các em phải làm việc ngoài trời, giữa nắng mưa, khói bụi, bọc thân mình trong bộ đồ bảo hộ kín mít. Sau nhiều ngày gặp lại, nhìn các em tôi thực sự rất xót xa”, cô Hoài chia sẻ.

Những chiến binh trẻ vẫn nhiệt huyết và trách nhiệm dù gặp khó khăn, vất vả. (Ảnh: NVCC)

Những chiến binh trẻ vẫn nhiệt huyết và trách nhiệm dù gặp khó khăn, vất vả. (Ảnh: NVCC)

Tại các khu cách ly, những “chiến sĩ áo trắng” hằng ngày làm nhiệm vụ theo dõi sức khỏe, kiểm tra thân nhiệt , tư vấn chế độ dinh dưỡng, chế độ nghỉ ngơi, sinh hoạt cho các đối tượng thực hiện cách ly.

Ở đây, các em phải tiếp xúc với các đối tượng F1 nên nguy cơ lây nhiễm cũng rất cao.

Dẫu đối mặt với nhiều khó khăn, hiểm nguy, nhưng những chiến binh trẻ luôn nhiệt huyết và đầy trách nhiệm trong từng công việc, nhiệm vụ của mình.

Cô Hoài nói: “Mặc dù chúng tôi được đảm bảo về vấn đề ăn uống nhưng nhiều khi làm việc đã quá mệt rồi cũng không muốn ăn nữa, áp lực công việc, áp lực thời gian nên nhiều bạn chọn ăn tạm mì tôm, làm sao cho thật nhanh để tiếp tục công việc.

Có những em làm việc ở chốt, sau đó nhận thông báo chốt đó đã có F0 đến nên phải thực hiện cách ly, lúc đó, các tình nguyện viên khác lại được bổ sung vào để đảm bảo công việc không bị trì hoãn, ngưng trệ.

Rất thương nhưng thầy cô cũng rất tự hào về các em, những sinh viên trẻ tuổi đầy nhiệt huyết, quyết tâm và hăng hái trên mặt trận chống dịch.

Tôi vẫn luôn động viên các em phải lạc quan, dẫu biết rằng còn nhiều khó khăn, thử thách phía trước nhưng cả đoàn sẽ vẫn vững vàng, tạo nên những lá chắn kiên cố nhất, hỗ trợ vào công cuộc chống dịch của toàn dân, toàn đất nước”.

Phạm Minh