Tuổi thơ của nhiều đứa trẻ bị huỷ hoại vì sự ác độc của người lớn

28/10/2020 09:31
Cao Kim Anh
0:00 / 0:00
0:00
GDVN- Chung tay bảo vệ trẻ em, lên án những hành động xấu xa là ý thức trách nhiệm của toàn xã hội.

Tại Việt Nam hiện nay có trên 15 cơ quan, ban ngành có thẩm quyền về bảo vệ trẻ em. Tuy nhiên, tình trạng bạo hành trẻ em vẫn đang diễn ra khá phổ biến, trong đó có những vụ việc trẻ bị bạo hành bởi chính những người thân trong gia đình, trường học.

Bạo hành ngay trong gia đình

Những con số “biết nói” của Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) là những con số ám ảnh cho toàn thế giới về tình trạng trẻ em bị bạo hành, đặc biệt là ngay chính trong gia đình của mình.

Theo thống kê của UNICEF, ba phần tư số trẻ 2-4 tuổi trên toàn thế giới – khoảng 300 triệu trẻ - chịu các hành vi gây sức ép về tâm lý và/hoặc bị trừng phạt thân thể bởi chính những người chăm sóc các em tại nhà. (1)

UNICEF thống kê, những số liệu này xuyên suốt cả giai đoạn ấu thơ đến trưởng thành. Không phân biệt hoàn cảnh, môi trường sống, bị bạo hành về cả mặt tâm lý lẫn thể xác.

Bé gái bị đánh thâm đùi vì làm bài sơ sài (Ảnh: Nguoiduatin.vn)

Bé gái bị đánh thâm đùi vì làm bài sơ sài (Ảnh: Nguoiduatin.vn)

Chắc hẳn nhiều người chưa quên được vụ án mẹ đẻ và bố dượng bạo hành bé gái 3 tuổi dẫn đến tử vong xảy ra vào đầu năm nay.

Ngày 30/3, Cơ quan Cảnh sát Điều tra, Công an Thành phố Hà Nội đã khởi tố vụ án và khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam đối với Nguyễn Minh Tuấn và Nguyễn Thị Lan Anh về tội Giết người và Tàng trữ trái phép chất ma túy. Điều đáng nói, nạn nhân trong vụ án lại chính là con gái ruột của Nguyễn Thị Lan Anh.

Bé M. được kết luận của bệnh viện tử vong do chấn thương sọ não và có nhiều dấu vết ngoại lực tác động.

Theo kết luận điều tra, ngày 5/3 Lan Anh xin mẹ đẻ đón bé M. sang chơi (bé M. ở với bà ngoại). Trong quá trình chơi với con, bé M. không nghe lời và không xin lỗi nên sáng ngày 29/3 đến rạng sáng ngày 30/3 Tuấn và Lan Anh đã liên tục đánh và hành hạ bằng việc quỳ trong chậu và thay nhau dùng cán chổi bằng kim loại đánh, dùng tay tát cháu M.

Sau khi sử dụng ma túy, Tuấn tiếp tục đánh cháu M. Đến chiều 29/3, khi thấy cháu M mệt lả, cả hai mới đưa cháu đi tắm rửa và cho lên gác nằm ngủ.

Đến khoảng 8h ngày 30/3, cháu M. có biểu hiện khó thở, sau đó Lan Anh có nhờ bố chồng đưa đi cấp cứu. Tuy nhiên, do chấn thương quá nặng, cháu M. đã tử vong.

Không ai trong chúng ta có quyền lựa chọn cha mẹ cho mình, việc ra đi của M. chính là hổi chuông cảnh tỉnh cho những người làm cha, làm mẹ nhưng vô trách nhiệm với lối sống của bản thân để rồi có những điều đáng tiếc gây ra cho những đứa trẻ.

M. chính là một trong những nạn nhân ra đi vì ma túy mà cha mẹ sử dụng, vì bạo hành mà cha mẹ “dạy dỗ” và vì lối sống vô trách nhiệm của chính cha mẹ M.

Dự kiến 28/10 tới đây, vụ án sẽ được đưa ra xét xử. Trước phiên tòa xét xử con gái mình vì tội giết người mà nạn nhân là cháu ngoại, bà Vũ Thị Dự (mẹ đẻ Lan Anh) trao đổi với báo chí và cho biết: “Tôi mong muốn tòa xử kịch khung đối với hai người này, kể cả là tử hình đối với con gái tôi. Bởi vì hành vi của chúng quá dã man và tàn độc”.

Chắc có lẽ rằng, cả một đời người gian truân nuôi con khôn lớn, họa vô đơn chí đau đớn nhường nào để chứng kiến cảnh bà ngoại đòi công bằng cho cháu gái từ chính con đẻ của mình, mẹ đẻ của cháu mình.

M là một ví dụ điển hình cho việc bạo hành trẻ em ngay trong gia đình gây hậu quả nghiêm trọng. Cũng là số ít ỏi những trẻ em hiện đang bị bạo hành đòi được công bằng và đưa vụ án ra ngoài ánh sáng.

Theo UNICEF công bố, tại 30 quốc gia có dữ liệu, có 6 trong 10 trẻ 1 tuổi thường xuyên bị kỉ luật bằng bạo lực. Gần một phần tư trẻ 1 tuổi bị lắc người khi trừng phạt. Gần 1 trong 10 em bị đánh hoặc tát vào mặt, đầu và tai.

Bạo hành ngay tại những cơ sở giáo dục

Gia đình và nhà trường là một thực thể gần như gắn kết vòng tròn trong xã hội hiện nay về giáo dục. Việc liên lạc, thông suốt, gắn kết giữa nhà trường và gia đình mang lại thuận lợi rất lớn trong quá trình dạy dỗ, hình thành tính cách trẻ em.

Thế nhưng, những năm trở lại đây, bạo hành trẻ em tại các cơ sở giáo dục ngày càng nhiều và mức độ ngày càng nghiêm trọng.

Dẫu biết rằng, nghề giáo viên, nhất là giáo viên mầm non rất nhiều áp lực, từ công việc, chế độ và áp lực về tinh thần. Nhưng không thể lấy đó là lý do biện minh cho hành vi bạo hành đối với học sinh.

Những clip, hình ảnh nhà trường, phụ huynh phát hiện được chỉ là một góc rất nhỏ trong những xám xịt của bạo hành học đường mà những nạn nhân là học sinh, người thực hiện hành vi là giáo viên.

Chung tay bảo vệ trẻ em, lên án những hành động xấu xa là việc làm của toàn xã hội mà không của riêng ai. (Ảnh: C.K.A)

Chung tay bảo vệ trẻ em, lên án những hành động xấu xa là việc làm của toàn xã hội mà không của riêng ai. (Ảnh: C.K.A)

Vụ việc giáo viên cầm dép đánh vào đầu học sinh mầm non ở Hải Dương hay tát vào mặt học sinh vì lười ăn tại trường mầm non ở Gia Lâm, Hà Nội là số ít những vụ việc bạo hành trẻ em đã được phát hiện ngay tại cơ sở giáo dục mầm non.

Không hiếm những câu chuyện được các mẹ băn khoăn khi giáo viên khó tính, hay bức xúc. Chính bản thân gia đình cũng không yên tâm khi những giáo viên tỏ lộ rõ bên ngoài rằng họ cảm thấy phiền khi trực tiếp dạy trẻ.

Vậy tại sao họ vẫn đứng trong hàng ngũ giáo viên dạy dỗ học sinh nếu tâm của họ không kiên trì, nhẫn nại và yêu nghề?

Những vụ việc đau lòng thường bị phanh phui khi có hậu quả xảy ra nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Nếu như đã xảy ra hậu quả, liệu có nghĩa rằng, học sinh đã một thời gian dài chịu đựng sức ép tâm lý từ giáo viên?

Có phụ huynh đã từng chia sẻ với phóng viên như sau: “Con tôi đi học bán trú không ngủ trưa bao giờ vì tính cháu khó ngủ. Tôi chỉ yêu cầu con nằm im không được phiền các bạn nhưng giáo viên lớp này bắt buộc các con phải ngủ trưa.

Cũng chỉ vì thế mà con tôi luôn đứng cuối cùng của lớp trong các hoạt động. Cháu sợ đến mức mỗi sáng không muốn tới trường và bản thân phụ huynh cũng rất căng thẳng mỗi khi tiếp xúc.

Cuối cùng tôi đành chuyển lớp cho con mặc dù tôi biết con rất muốn chơi cùng các bạn lớp cũ. Điều này cũng khiến tôi băn khoăn một thời gian dài”.

Như vậy, bạo hành trẻ em không chỉ bằng những biểu hiện của hành động rõ ràng như đánh, tát… mà còn bằng những biểu hiện tâm lý như cô lập, chì chiết, đay nghiến… điều này gây ảnh hưởng lớn tới tâm lý của trẻ em. Đáng buồn là những điều này đang xảy ra ngay chính từ cấp học mầm non.

Theo Bác sỹ, Nhà giáo Đỗ Thúy Nga, Giám đốc Trung tâm Hy Vọng (quận Ba Đình, Hà Nội), người dành trọn cả cuộc đời cho giáo dục trẻ em, đặc biệt là trẻ tự kỷ, là nhóm trẻ cần nhiều sự quan tâm, nhẫn nại nhất chia sẻ: “Đối với con trẻ phải dành yêu thương mới có thể làm nghề giáo viên được. Lương tâm nghề nghiệp dành cho con trẻ phải lên hàng đầu. Để có được chất lượng giáo dục trẻ tốt nhất, giáo viên cần phải trang bị đầy đủ kiến thức cơ bản tùy từng cấp học. Nhưng tiên quyết để gắn bó với nghề giáo viên thì đó là lương tâm con người”.

Trẻ em, đặc biệt là những lớp mầm non đầu đời cần được dạy dỗ, bảo vệ và yêu thương thừ chính gia đình, trường học và những người xung quanh môi trường sống.

Vấn nạn bạo hành trẻ em không chỉ bị lên án tại một dân tộc, một quốc gia, một châu lục mà toàn thế giới. Chung tay bảo vệ trẻ em, lên án những hành động xấu xa cần có ý thức trách nhiệm của toàn xã hội.

Tài liệu tham khảo:

(1) https://dangcongsan.vn/the-gioi/nhung-van-de-toan-cau/unicef-canh-bao-su-gia-tang-tinh-trang-bao-hanh-tre-em-do-dai-dich-561985.html

Cao Kim Anh