Xài mỹ phẩm trôi nổi, nhiều người "tiền mất, tật mang"

10/11/2018 07:09
Nhật Minh
(GDVN) - Ham rẻ, tin vào những lời giới thiệu hàng xách tay không rõ nguồn gốc, nhiều cô gái rơi vào cảnh "tiền mất, tật mang".

Lợi dụng tâm lý muốn làm đẹp nhanh chóng của người tiêu dùng, nhất là chị em phụ nữ, thời gian gần đây tình trạng sản xuất, kinh doanh các loại mỹ phẩm từ nguyên liệu không rõ nguồn gốc, làm giả, làm nhái các thương hiệu có tiếng để lưu thông có chiều hướng gia tăng.

Các đối tượng thường dùng mạng xã hội để quảng cáo "thổi phồng" về chất lượng sản phẩm, lập các trang web mạo danh thương hiệu nhằm bán hàng nhái; hay thậm chí, lợi dụng sự cả tin và thiếu hiểu biết của phụ nữ nông thôn để tuồn các mặt hàng mỹ phẩm kém chất lượng vào thị trường này.

Theo khảo sát của phóng viên, chỉ cần bỏ ra 35 nghìn đồng, khách hàng đã có thể sở hữu được thỏi son được quảng cáo là cực lì, bền màu, không trôi khi ăn uống và siêu xinh.

Son môi rẻ bất ngờ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội.
Son môi rẻ bất ngờ được rao bán tràn lan trên mạng xã hội. 

Điều đáng nói là các sản phẩm này thường là 3 không, không nhãn mác, không nhà sản xuất, không thông tin thành phần.

Và nơi rõ nhất những hậu quả khôn lường của loại son siêu rẻ, không rõ nguồn gốc được tiếp thị một tấc lên trời là bệnh viện Da liễu Trung ương.

Chị Nguyễn Phương Dung – sinh viên một trường Đại học trên địa bàn Cầu Giấy (Hà Nội) cho biết, bạn bè tôi bị dị ứng môi sau khi dùng son siêu rẻ không hiếm.

“Tôi xem đó là bài học cho mình và tìm đến hàng xách tay. Thú thực, sử dụng theo kiểu tin tưởng là chính vì có nhãn mác nhưng lại không biết nhãn mác là thật hay giả.

Và vừa thử dụng một thỏi son được quảng cáo là hàng xách tay từ Pháp về, tôi đã mất tiền triệu đi bệnh viện vì dị ứng khiến môi sưng và có dấu hiệu bong tróc, mưng mủ”, chị Dung tâm sự.

Đáng nói, ngoài son môi, còn vô số các sản phẩm mỹ phẩm khác cũng đang được bày bán tràn lan trên các trang mạng.

Từ kem trộn tự chế, mỹ phẩm nguồn gốc từ thiên nhiên, mỹ phẩm xách tay…đều có thể trở thành mặt hàng siêu tốt. Nhưng chúng đều có điểm chung là không rõ chất lượng, nguồn gốc nguyên liệu ra sao.

Giá cả của các loại sản phẩm này từ vài chục nghìn, vài trăm thậm chí cả triệu bạc cũng có. Tuy nhiên, khi có vấn đề với khách hành thì đồng nghĩa người bán cũng bùng mất dấu.

Chị Thương Huyền – một nhân viên văn phòng tại Thanh Xuân, Hà Nội từng làm cho bạn bè facebook của mình giật mình khi đăng bức ảnh trước và sau khi sử dụng mỹ phẩm dưỡng da được quảng cáo là có nguồn gốc thiên nhiên, làm trắng sáng nhanh.

Gương mặt nổi mẩn, sần sùi, da bị bong tróc của chị khiến nhiều người hoảng hốt và thấy hơi ghê sợ. Từng mảng da ửng đỏ, mụn mọc li ti.

Ít bữa sau, Thương Huyền nhắn gửi đến bạn bè là chị bị xuất huyết dưới da, phá vỡ tĩnh mạch máu tại chỗ và có nguy cơ chết da vĩnh viễn, không thể phục hồi.

Sau đó, chị tốn khá nhiều tiền cho các biện pháp trị liệu tại bệnh viện.

Bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.
Bệnh nhân dị ứng mỹ phẩm phải điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai, Hà Nội.

Nói đến tác hại của các loại son trôi nổi, Tiến sĩ, Bác sĩ Nguyễn Hữu Sáu - bệnh viện Da liễu Trung ương cho biết, chì trong son có tác dụng làm mềm, dẻo thỏi son.

Những sản phẩm làm giả hay giá rẻ thường sử dụng chì thay thế các kỹ thuật tân tiến khác để giữ màu son lâu trôi. Việc sử dụng son có chì tuy không biểu hiện ngay nhưng về lâu dài sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe.

Chì vào cơ thể theo đường hô hấp và tiêu hóa. Nhiễm độc cấp tính có thể gây nôn, tiêu chảy. Lâu dài, người dùng dễ mắc các bệnh về răng lợi, thậm chí tích lũy lâu ngày ảnh hưởng đến nhiều cơ quan như thần kinh, máu, dạ dày – đường ruột, tim mạch và thận.

Hàm lượng chì ít hay nhiều, kể cả trong phạm vi cho phép nếu dùng lâu ngày cũng ảnh hưởng đến sức khỏe. Nếu trong son có hàm lượng chì thấp thì nó sẽ đào thải ra ngoài, nhưng dùng quá nhiều khả năng tích tụ vẫn xảy ra.

Khi đi vào cơ thể, chì lưu trữ chính ở máu, mô mềm và xương. Nó sẽ tồn tại trong máu qua một vài tuần, một vài tháng ở các mô mềm và hàng năm ở xương.

Khi chì được hấp thụ vào cơ thể, nó thế vào chỗ của kẽm gây chứng chậm lớn ở trẻ và huyết áp cao ở người trưởng thành. Khi chì thế chỗ của canxi trong các phản ứng truyền xung điện trong não, nó gây ra chứng mất trí, giảm khả năng suy nghĩ.

Chì ức chế quá trình tổng hợp heme, thường có sự tham gia của sắt, gây ra chứng thiếu máu. Nó cũng gây suy giảm chức năng thận và ảnh hưởng xấu đến sinh sản.

Đối với phụ nữ mang thai, chì tích tụ trong cơ thể cạnh tranh với canxi trong xương. Nó có thể vượt qua hàng rào nhau thai, phơi nhiễm vào đứa bé. Hậu quả xảy ra là thai nhi giảm tăng trưởng và bà mẹ có nguy cơ sinh non.

Đánh giá về tình trạng buôn bán mỹ phẩm tràn lan hiện nay, đặc biệt là các loại mỹ phẩm bán trên các trang mạng xã hội, các bác sĩ da liễu nhấn mạnh, hiện nay, nhiều loại mỹ phẩm với các tên gọi như: Kem Trộn, Ốc Sên, Mủ Trôm… đều là các loại có chứa corticoid - chất cấm sử dụng vì nó đem lại hậu quả phá hoại kết cấu tế bào da.

Những loại kem có chứa hoạt chất corticoid lúc đầu làm da trắng mịn nhưng 2-3 tuần sau khi dùng, nó làm nổi mụn trứng cá ngày một dày lên, to dần.

Lâu dài loại mỹ phẩm này làm teo da, mọc lông trông rất gớm ghiếc.

Để tránh những hậu quả đáng tiếc nói trên, các bác sĩ da liễu khuyến cáo, tốt nhất nên mua hàng tại các cửa hàng mỹ phẩm có độ tin cậy cao, có tem kiểm định và để thận trọng nhất, nên bôi thử mỹ phẩm trước khi dùng ở những vùng da nhỏ, hẹp.

Nếu thấy thực sự an toàn mới bôi trên diện rộng. Khi lỡ dùng phải mỹ phẩm chất lượng kém, giả, gây viêm da, hỏng da, nhất thiết phải đến khám các chuyên khoa da liễu để được điều trị kịp thời.

Trước thực trạng này, Cục Quản lý Dược Bộ Y tế đã có những chỉ đạo đến các Sở Y tế và khuyến cáo đối với người tiêu dùng.

Theo đó, Cục Quản lý Dược đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khẩn trương tăng cường đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng kém chất lượng thuộc nhóm hàng dược phẩm, mỹ phẩm.

Được biết, hiện nay các cơ sở sản xuất mỹ phẩm chỉ đăng ký kinh doanh qua Sở Kế hoạch đầu tư hoặc các quận huyện một cách đơn giản.

Sau đó tự công bố sản phẩm rồi đăng ký ở ngành y tế để đưa ra thị trường, ngành y tế chỉ lo hậu kiểm mà thôi. Tuy nhiên, với lực lượng nhân sự mỏng như hiện nay thì việc hậu kiểm rất cần sự phối hợp của Quản lý thị trường và các địa phương.

Nhật Minh