Y tế từ xa, ý nghĩa đặc biệt với thầy thuốc và bệnh nhân tuyến dưới

03/08/2016 10:10
Phương Linh
(GDVN) - Y tế từ xa hay còn gọi là Telemedicine là việc cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe cho các bệnh nhân từ xa thông qua việc sử dụng công nghệ thông tin...

Y tế từ xa đánh dấu bước quan trọng trong công tác khám chữa bệnh.

Cấp cứu từ xa

Theo kế hoạch của Đề án Bệnh viện vệ tinh (BVVT), về phát triển hệ thống y tế từ xa, vừa qua đoàn công tác của BV Hữu Nghị Việt Đức đã về  Giám sát, nghiệm thu và bàn giao trang thiết bị công nghệ thông tin (Telemedicine) cho Bệnh viện đa khoa Tỉnh Thái Bình. 

Dự án Telemedicine về ứng dụng công nghệ thông tin được triển khai tại BVĐK Tỉnh Thái Bình từ tháng 4/2016 với  các trang thiết bị, đường truyền đã được lắp đặt đầy đủ để phục vụ cho công tác hội chẩn và hướng dẫn xử trí kỹ thuật chuyên môn từ phòng mổ bệnh viện đa khoa Tỉnh đến phòng hội chẩn bệnh viện Hữu Nghĩ Việt Đức đã đem lại nhiều niềm vui không chỉ với thầy thuốc mà với cả các bệnh nhân tại đây. 

Một ca hội qua hệ thống Telemedicine ở Quảng Ninh. Ảnh: Phương Linh.
Một ca hội qua hệ thống Telemedicine ở Quảng Ninh. Ảnh: Phương Linh.

Thông qua hệ thống và đường truyền các Bác sỹ ở tuyến trên và tuyến dưới có thể trao đổi  chia sẻ các thông tin của người bệnh để có chẩn đoán và phác đồ điều trị tốt nhất cho người bệnh.

Ứng dụng đã hỗ trợ cho các Bác sỹ ở các Bệnh viện vệ tinh trong cùng hệ thống có thể học tập trao đổi kinh nghiệm lẫn nhau nhằm phát triển trình độ chuyên môn, nâng cao khả năng nghiệp vụ chăm sóc, điều trị bệnh nhân chuyên sâu hơn.

Nhiều ca bệnh khó đã được thực hiện, đặc biệt trong buổi bàn giao BVĐK tỉnh Thái Bình đã thực hiện một ca mổ Dạ dầy, dưới sự giám sát của các Bác sỹ Bệnh viện Hữu Nghị Việt Đức, ca mổ đã thành công tốt đẹp.

Theo các nhà nghiên cứu với sự phát triển của công nghệ viễn thông và việc sử dụng rộng rãi các thiết bị di dộng trong những năm gần đây, công nghệ y học từ xa (Telemedicine) đã phát triển mạnh mẽ.

Y học từ xa bao gồm việc sử dụng các phần mềm truyền hình ảnh và dữ liệu trực tiếp, kết hợp với các thiết bị y tế tích hợp cho phép các bác sĩ có thể khám và điều trị cho bệnh nhân ở bất kỳ đâu, ngay cả từ trạm không gian. Y học từ xa đã giúp thu ngắn khoảng cách và cải thiện chất lượng dịch vụ y tế ở các cộng đồng.

Với sức mạnh công nghệ, ngày nay nhiều bệnh viện tại Mỹ cũng như nhiều nước phát triển đã có bộ phận y tế từ xa phát triển mạnh. Tại khoa Chăm sóc đặc biệt từ xa ở bệnh viện St Louis (Mỹ) các bác sĩ ngồi trước một màn hình lớn, theo dõi và đối thoại với bệnh nhân từ xa, xem xét toa thuốc… 

Ngoài ra, để hỗ trợ hoạt động y học từ xa, VSee là phần mềm hội thoại hình ảnh qua mạng duy nhất được NASA sử dụng cho các phi hành gia ngoài không gian.

Nhắm tới thiết kế đơn giản và bảo mật, VSee giúp cho các phòng khám và các bác sĩ thăm khám cho bệnh nhân một cách hiệu quả hơn và riêng tư hơn. Đối tác của VSee bao gồm Walgreens, Walmart, MDLIVE, Shell, DaVita, HealthPartners, International SOS, McKesson, Fruit Street, CEP America…

Phát triển y tế huyện 

Trước đó, tại Quảng Ninh nhờ hệ thống y tế từ xa Telemedicine các bác sĩ của TTYT đã xử trí thành công trường hợp bệnh phức tạp mà không phải chuyển tuyến.

 Bệnh nhân  nhập viện trong tình trạng đau bụng vùng hạ vị, sốt, tiểu buốt, tiểu nhiều lần trong ngày, nước tiểu số lượng ít màu vàng trong kèm theo sốt nóng từng cơn 38-39 độ C, sưng đau vùng bìu, tinh hoàn, tiền sử điều trị quai bị biến chứng viêm tinh hoàn 6 ngày.

Sau khi kiểm tra không phát hiện bệnh nhân có dấu hiệu tràn dịch màng tinh hoàn, bàng quang không có sỏi, có dấu hiệu viêm nhiễm. Các bác sĩ Trung tâm y tế Cô Tô chẩn đoán bệnh nhân bị viêm bàng quang cấp trên nền viêm tinh hoàn phải, đã điều trị truyền dịch, kháng sinh… tuy nhiên hiệu quả chậm.

Theo đó, qua hệ thống  Telemedicine, các bác sĩ Trung tâm y tế Cô Tô đã xin ý kiến chẩn đoán và điều trị tiếp theo từ các bác sĩ BVĐK tỉnh Quảng Ninh.

Sau khi trao đổi, các chuyên gia tại BVĐK tỉnh Quảng Ninh cũng nhận định như của Trung tâm y tế Cô Tô và sau đó đưa gia những gợi ý các đồng nghiệp Cô Tô, với biến chứng của viêm tinh hoàn do quai bị như bệnh nhân này thì cần dùng corticoid dựa trên lâm sàng và phải theo dõi biến chứng teo tinh hoàn. Ngoài ra có thể bổ sung thêm kháng sinh chống vi khuẩn kỵ khí để việc điều trị hiệu quả hơn. 

Nói về hiệu quả của y tế từ xa đối với y tế cơ sở, BS. Vũ Xuân Diện - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Quảng Ninh cho rằng, khi cần chẩn đoán những ca bệnh khó, thay vì phải chuyển bệnh nhân từ bệnh viện tuyến tỉnh lên các bệnh viện tuyến trung ương như Bạch Mai hay Việt Đức thì với hệ thống y tế từ xa có thể kết nối dễ dàng với các chuyên gia đầu ngành để theo dõi chặt chẽ tình trạng sức khỏe của bệnh nhân và chẩn đoán sớm các triệu chứng”, ông Diện nói thêm.

Phương Linh