Thông tấn AP dẫn nguồn tin gần gũi với gia đình Marquez cho biết, nguyên nhân qua đời của ông không được tiết lộ, nhưng gia đình Marquez gần đây cho biết tình trạng sức khỏe của ông "rất mong manh".
Gabriel Garcia Marquez |
"Ông đang và sẽ tiếp tục phục hồi ở nhà", gia đình ông cho biết trong một tuyên bố hồi đầu tuần này tại Mexico City, nhưng cho biết bệnh tình cũng có "nguy cơ biến chứng" sau khi ông phải nhập viện 9 ngày vì nhiễm trùng phổi và đường tiết niệu.
Marquez được chẩn đoán bị ung thư bạch huyết vào năm 1999 và trong khi đang phải chiến đấu với căn bệnh này, ông lại được chẩn đoán mắc bệnh Alzheimer vào năm 2006. Tổng thống Colombia Juan Manuel Santos hôm 16.4 cho biết, ông Marquez đang được điều trị viêm phổi.
Sinh ra ở Colombia, Marquez được coi là một trong những nhà văn quan trọng nhất của thế kỷ 20 về mảng tiểu thuyết, truyện ngắn.
Ông là tác giả của những cuốn tiểu thuyết được biết đến và yêu thích rộng rãi trên thế giới như "Trăm năm cô đơn", "Mùa thu của Đức thượng phu", "Tình yêu thời thổ tả".
Truyền thông tràn ngập xung quanh nhà Gabriel Garcia Marquez ở Mexico City sau khi hay tin ông qua đời. |
Tác phẩm được yêu thích nhất của Marquez hay còn được gọi là Gabo có lẽ là "Trăm năm cô đơn", cuốn sách được xuất bản lần đầu tiên vào năm 1967. Cuốn tiểu thuyết này đã thuyết phục Ủy ban Nobel trao giải thưởng văn chương danh giá cho Marquez vào năm 1982.
Không chỉ nổi tiếng trong lĩnh vực viết tiểu thuyết, Marquez còn được ca ngợi về kỹ năng báo chí của mình. Cùng với Norman Mailer, Tom Wolfe và nhiều người khác, cho đến nay ông vẫn được xem là một trong những người tiên phong của phong trào Báo chí mới, đặc biệt là tập trung vào nền văn hóa của Mỹ Latinh.
Ông đã từng viết tiểu sử về Tổng thống Hugo Chavez và trùm ma túy Colombia phá hủy Colombia Pablo Escobar một cách rất sinh động. Marquez cũng là một người bạn của lãnh tụ Cuba Fidel Castro cũng như đã từng lên tiếng phản đối cuộc chiến tranh của Mỹ tại Việt Nam.
Khi nhận giải thưởng Nobel vào năm 1982, Marquez tâm sự rằng những khổ nạn của châu Mỹ La tinh đã cung cấp cho ông một "nguồn sáng tạo dồi dào, đầy nỗi buồn và vẻ đẹp".
Nguyễn Hường