Tại sao EU muốn nước Anh ra đi ngay lập tức?

27/06/2016 12:04
Ngọc Việt
(GDVN) - Tấn công mạnh vào điểm rơi sau trạng thái hưng phấn của phe ủng hộ Brexit tại nước Anh, lãnh đạo EU đã tạo ra một hiệu ứng tốt nhất ngăn chặn domino Brexit.

Truyền thông quốc tế đưa tin dồn dập về hậu Brexit, trong đó có phản ứng của lãnh đạo chính trị tại nước Anh, lãnh đạo EU và lãnh đạo các thành viên tổ chức này.

Tại chính trường nước Anh, Thủ tướng David Cameron tuyên bố sẽ từ chức để quốc gia này tìm kiếm người lãnh đạo phù hợp trong việc lèo lái đất nước khi Anh không còn trong ngôi nhà chung EU. Tuy nhiên việc ấy phải tháng 10/2016 mới diễn ra được.

Phản ứng từ những người đại diện phe ủng hộ rời EU thì hả hê khi Brexit xảy ra, từ cựu Thị trưởng London Boris Johnson, tới lãnh đạo đảng Độc lập Anh Nigel Farage đều nhìn nhận ngảy 23/6 như “ngày Độc lập” của nước Anh, cùng với đó là mở ra cơ hội cho tham vọng chính trị của họ thời hậu Brexit.

Tuy nhiên, trong không khí mừng vui ấy, đã có rất nhiều người ủng hộ Brexit cảm thấy hối hận với quyết định của mình. Thậm chí, đã có hơn 3 triệu người dân Anh ký tên đề nghị xem xét tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về Brexit.

Ở động thái ngược lại, hầu hết lãnh đạo EU và lãnh đạo các nước thành viên còn lại của EU, những người bảo vệ cho một Liên minh châu Âu thống nhất đã lên tiếng phản ứng gay gắt bày tỏ sự thất vọng với lựa chọn của phần đông người dân sứ xở sương mù, mà kết quả là Brexit xảy ra.

Dường như giới lãnh đạo EU nhận diện được những hậu quả mà Brexit gây ra cho EU sẽ phát tác trong thời gian tới.

Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và lãnh đạo EU đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích qua việc hối thúc nước Anh nhanh chóng rời EU. Ảnh: BBC.
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker và lãnh đạo EU đã bắn một mũi tên trúng nhiều đích qua việc hối thúc nước Anh nhanh chóng rời EU. Ảnh: BBC.

Theo nhận định của giới quan sát và dựa vào luật lệ của EU, cũng như diễn biến thực tế thì thời gian cho nước Anh ra khỏi EU có thể phải diễn ra trong khoảng 2 năm trời, vậy nhưng các lãnh đạo EU đã cho thấy họ không muốn sự việc sẽ diễn ra lâu như vậy.

"Người Anh đã quyết định họ muốn rời Liên minh châu Âu, vì vậy không cần phải đợi cho đến tháng 10/2016 mới đàm phán về các điều khoản để họ ra đi. Tôi muốn bắt đầu ngay lập tức", CNN ngày 24/6 dẫn lời Chủ tịch Ủy ban châu Âu Jean-Claude Juncker cho hay.

Tiếp theo đó, Thông cáo của cuộc họp các Ngoại trưởng Bỉ, Pháp, Đức, Italia, Luxembourg và Hà Lan đã thề hiện quan điểm của các thành viên còn lại của EU:

"Chúng tôi muốn nước Anh làm rõ vấn đề và thực hiện quyết định càng sớm càng tốt…Chúng tôi coi việc này rất nghiêm trọng và quyết tâm làm cho EU hoạt động tốt hơn, đảm bảo lợi ích cho tất cả công dân của mình. Chúng tôi sẽ tập trung nỗ lực vào giải quyết những thách thức bằng những kế hoạch và hành động chung của châu Âu”.

Tại sao EU lại muốn nước Anh ra đi nhanh chóng như vậy, trong khi điều đó có thể cộng hưởng bất lợi cho EU?

Ngăn chặn hiệu ứng domino Brexit

Có thể thấy rằng, việc nước Anh gia nhập và ở lại ngôi nhà chung EU trong 43 năm đã gây ra tâm lý “tức nước” đối với những người theo chủ nghĩa dân tộc, không muốn cho giá trị Anh nhạt nhoà trong giá trị EU.

Việc chính phủ của Thủ tướng Cameron tổ chức cuộc trưng cầu dân ý được xem là cơ hội cho những người có tâm lý “tức nước” ấy giải toả. Tuy nhiên, có thể ông Cameron cảm nhận là quyết định này sẽ không dẫn đến “vỡ bờ” – Brexit sẽ không xảy ra.

Có nhiều người cho rằng, ông Cameron đã “đi một nước cờ liều” và hậu quả là Brexit được hiện thực hoá, đưa sự nghiệp chính trị của ông bước vào một giai đoạn sóng gió. Ông Cameron tự nhận là không còn phù hợp với vai trò đại diện cho nước Anh thời hậu Brexit vì ông phản đối nước Anh rời EU.

Tuy nhiên, tính đúng sai trong nước cờ của ông Cameron thì chưa thể khẳng định, nhưng với cảm giác sau một đêm thức dậy thấy mình không còn là công dân EU nữa, ngay sau khi Brexit diễn ra, đã khiến cho nhiều người dân Anh đã bỏ phiếu ủng hộ Brexit cảm thấy hụt hẫng, nuối tiếc.

Với hơn 3 triệu người muốn tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý nữa về Brexit, chứng tỏ cuộc trưng cầu dân ý ngày 23/6 không thể xem là chiến thắng của người Anh và EU không phải hoàn toàn bất lợi với hiệu ứng của Brexit.

Tuy nhiên, khi hiệu ứng “tức nước” sẽ “vỡ bờ” tại nước Anh qua việc Brexit được hiện thực hoá, khiến cho nhiều lực lượng đang “tức nước” tại nhiều quốc gia thành viên EU cũng sẽ tìm cách để có thể gây ra “vỡ bờ” tạo nên hiệu ứng domino Brexit.

Có thể thấy mâu thuẫn tại nước Anh thời hậu Brexit 2016 được xem là cơ hội giúp cho EU ngăn chặn hiệu ứng domino Brexit. Việc EU hối thúc nước Anh ngay lập tức thực hiện kết quả Brexit khiến cho mâu thuẫn nội tại của nước Anh càng thêm sâu sắc.

Thậm chí nó có thể tạo nên bất ổn xã hội – điều kiện quan trong nhất cho công cuốc xây dựng và phát triển đất nước. Điếu đó như chứng minh Brexit thực sự là một sai lầm của những người ủng hộ nước Anh ra khỏi EU.

Do vậy, việc lãnh đạo EU hối thúc nước Anh nhanh chóng bước vào đàm phán để hoán tất thủ tục rời khỏi EU càng nhanh càng tốt có thể ví như việc bắn một mũi tên trúng nhiều đích.

Đó là làm giảm nhuệ khí của những lực lượng ủng hộ Brexit ngoài Vương quốc Anh, nhằm tạo nên domino Brexit. Rõ ràng, khi lực lượng ủng hộ Brexit đang bị phản đòn tại nước Anh sẽ khiến cho những lực lượng muốn điều ấy xảy ra tại một số quốc gia khác có thể lưỡng lự trong quyết định của mình.

Tại sao EU muốn nước Anh ra đi ngay lập tức? ảnh 2

Brexit: Nước Anh không sốc sao chúng ta phải sốc?

(GDVN) - Kinh tế Việt Nam bị ảnh hưởng như thế nào bởi Brexit thì có lẽ phải hàng năm nữa mới có thể nhận diện kết quả.

Khi có sự cộng hưởng bởi thúc ép từ EU sẽ khiến cho phe ủng hộ Brexit còn đang ngây ngất với chiến thắng, không kịp trở tay để đón nhận lại những gì họ muốn EU trả lại cho nước Anh, điều đó sẽ khiến cho hiệu ứng Brexit phản tác dụng.

Như vậy, chỉ cần tấn công mạnh vào điểm rơi sau trạng thái hưng phấn của phe ủng hộ Brexit tại nước Anh, lãnh đạo EU đã tạo ra một hiệu ứng tốt nhất ngăn chặn domino Brexit mà không có biện pháp nào hiệu quả hơn lúc này. 

Đối với lãnh đạo các quốc gia thành viên EU, đặc biệt là các quốc gia mà hiệu ứng Brexit có tác động mạnh, thì việc những người ủng hộ Brexit có điểm rơi tâm trạng ở mức tiêu cực sau sự hưng phấn, dẫn tới hối hận và đổi ý, sẽ giúp cho lãnh đạo các quốc gia thành viên này có thêm sự tự tin trong việc hạ hoả tâm lý “tức nước” của những lực lượng đang theo đuổi domino Brexi, ngăn chặn diễn biến phức tạp có thể xảy ra với tình hình chính trị - xã hội của đất nước.  

Ngăn chặn đối thủ trục lợi

Như người viết đã từng phân tích, khi Brexit xảy ra thì không những lực lượng ủng hộ Brexit, những người xem Brexit là cơ hội làm giàu có tâm lý hả hê, mà đối thủ của EU cũng hả hê không kém.

Và đương nhiên họ có kế hoạch để trục lợi từ Brexit, bởi EU thời hậu Brexit sẽ có sự thua kém so với trước, bởi EU >EU – Anh. Vậy nhưng đâu là đối thủ nguy hiểm nhất, có thễ trục lợi nhiều nhất từ hiệu ứng Brexit?

Có lẽ không khó nhận diện đối thủ của EU sẽ phải thuộc bộ ba “10.000 tỷ USD” là Mỹ - EU - Trung Quốc. Bởi lẽ chỉ có những thực thể kinh tế này mới đủ khả năng và tiềm lực đe doạ sức mạnh của EU.

Có thể thấy rằng, dù Tổng thống Barak Obama chuyển hướng trong chiến lược quan hệ đối ngoại sang trục Châu Á – Thái Bình Dương, song quan hệ Washington – Brussels vẫn luôn có tính chất của những quan hệ đồng minh chính trị và đối tác kinh tế.

Do vậy, đối thủ trực tiếp nhất của EU chính là Trung Quốc. 

Cùng với Washington, Brussels đã có rất nhiều ảnh hưởng đến tham vọng thống trị thế giới của Bắc Kinh, từ kinh tế đến chính trị và quan hệ quốc tế. Rõ ràng, trong bộ ba “10.000 tỷ USD” thì Trung Quốc đang tỏ ra kém cạnh hơn cả, dù trong thời gian qua Bắc Kinh có rất nhiều hành động tác oai tác quái với cả hai Washington và Brussels.

Trong khi Trung Quốc đang gặp nhiều khó khăn nên việc tăng cường sức mạnh đang bị hạn chế, do vậy làm suy yếu đối thủ là cách tốt nhất để Trung Quốc mạnh hơn, điều kiện quan trọng để Bắc Kinh thực hiện ý đồ thống trị của mình.

Song làm suy yếu Mỹ quả là rất khó với Trung Quốc bởi Hoa Kỳ là một thực thể kinh tế gắn liền với thể chế chính trị, trong khi tiềm lực của Trung Quốc còn kém quá xa so với Mỹ nên điều đó là chưa thể, vì vậy, Bắc Kinh sẽ hướng vào đột phá rào cản EU.

Người viết cho rằng, dù là một liên minh lâu đời và có rất nhiều tiềm lực, nhưng sức mạnh của EU luôn không thể phát huy một cách tốt nhất bởi mẫu thuẫn nội tại liên minh – quốc gia đã làm giảm khả năng ấy.

Và đó chính là yết hầu của Brussels mà Bắc Kinh có thể tác động vào để làm suy yếu EU. Cho dù không thể hiện ra mặt ủng hộ Brexit, nhưng việc tạo ra những quan hệ đặc biệt với từng quốc gia, thậm chí xây dựng những tình “bạn vàng” bên trong EU, được xem là một trong những sự cổ vũ cực kỳ nguy hiểm của Bắc Kinh cho tư tưởng ly khai trong tổ chức này.

Có thể thấy rằng, khi những quyền lợi của quốc gia không thể khai thác hay đón nhận bởi ràng buộc của cơ chế liên minh, đã khiến cho sự cổ vũ cho tinh thần độc lập dân tộc ngày càng trở nên nguy hiểm cho EU.

Đặc biệt, như người viết từng phân tích, khi Nghị viện Châu Âu (EP) thông qua nghị quyết cảnh báo việc EU không thông qua quy chế thị trường tự do đầy đủ cho kinh tế Trung Quốc vào cuối năm 2016, khiến cho Bắc Kinh có thể phản đòn gây chia rẽ EU.

Thậm chí Bắc Kinh sẽ sử dụng công cụ lợi ích cục bộ can thiệp vào những mắt xích yếu nhất của EU, làm cho liên minh này có nguy cơ tan rã từ bên trong.

Nước Anh là “bạn vàng” quan trọng nhất của Trung Quốc và cũng là thành viên quan trọng nhật bậc nhất của EU, vì vậy, Bắc Kinh chọn đột phá vào mắt xính mang tên nước Anh.

Khi Brexit diễn ra cùng lúc EU giảm sức mạnh, khiến cho sự nguy hại của việc Bắc Kinh phản đòn sẽ công hiệu hơn rất nhiều. Và để giảm tác hại của việc ấy thì cách tốt nhất là làm giảm thành quả mà đối thủ có thể hưởng được từ Brexit.

Tại sao EU muốn nước Anh ra đi ngay lập tức? ảnh 3

Trung Quốc ngấm đòn "gậy ông đập lưng ông"

(GDVN) - Trung Quốc đã tham gia vào sân chơi của kinh tế thế giới thì phải tuân thủ luật chơi, nếu không sẽ lợi bất cập hại và có thể đến lúc mất cả chì lẫn chài.

Đó chính là tạo hiệu ứng tiêu cực cho những lực lượng ủng hộ Brexit, mà việc nhanh chóng dứt khoát với nước Anh trong khi cảm giác “hối hận” đang tăng lên trong xã hội Anh là một cách làm hiệu quả nhất. Điều đó cho thấy EU đã dứt khoát tước bỏ cơ hội “chạy lại” của nước Anh.

Sự thúc ép của EU khiến cho nhiệm vụ quan trọng nhất của chính quyền nước Anh lúc này phải tập trung vào việc giải quyết các vấn đề với EU để đảm bảo vị thế độc lập của mình thời hậu Brexit.

Điều đó sẽ hạn chế tác hại có thể được gây ra bởi hành động “té nước theo mưa”, rồi  “đục nước béo cò” từ đối thủ, mà có thể mang lại hậu quả cho EU.

Rõ ràng khi nước Anh chưa “danh chính ngôn thuận” là quốc gia ngoài EU thì quốc gia này chưa thể đón nhận những gì một bên thứ ba mang tới cho họ nếu vi phạm luật lệ của cơ chế liên minh.

EU càng thúc ép nước Anh thì nước Anh càng rối, hậu quả bởi Brexit càng lớn với quốc gia này. Như vậy là những bất lợi từ hiệu ứng Brexit đối với EU đã bị đẩy về phía nước Anh thông qua những phản ứng mạnh mẽ từ những nhà lãnh đạo của EU.

Thực tế cho thấy, có nhiều người dân Anh ủng hộ Brexit chỉ xem lá phiếu của họ như một lời cảnh báo EU về việc cần phải thay đổi để quốc gia có thể lớn mạnh cùng liên minh, chứ họ không muốn Brexit xảy ra.

Vì vậy, khi Brexit xảy ra cho thấy họ đã việt vị và EU sẽ làm nặng thêm hậu quả ấy để ngăn chặn nhiều điều bất lợi có thể xảy ra với EU thời hậu Brexit.    

Ngăn chặn những nhà đầu cơ cơ hội gây thiệt hại dây chuyền cho EU thời hậu Brexit

Có thể thấy rằng, những nhà đầu cơ chơ hội kiểu như tỷ phú Mỹ George Soros chỉ làm giàu khi có những sự kiện có thể gây bất ổn hay hỗn loạn cho một định chế, một thực thể trong một thời điểm nào đó.

Nghĩa là họ đầu cơ cơ hội mang tính thời điểm gắn liền với sự kiện. Và tâm lý hoang mang của đám đông được xem là cơ hội tốt nhất cho họ xuất chiêu để làm giàu.

Rõ ràng, những hành động đầu cơ không làm gia tăng giá trị tài sản xã hội nên có thể hiểu Soros làm giàu chỉ bằng cách làm thiệt hại cho người khác.

Một cá nhân hay một tổ chức, một định chế hay một thực thể được xem dễ bị thiệt hại nhất là khi nằm trong trạng thái mơ hồ, không rõ ràng, rồi gây ra hiệu ứng tâm lý hoang mang đám đông về một sự kiện nào đó.

Với trạng thái đó khiến cho người ta không dễ phân biệt đâu là lợi, đâu là hại, đâu là tốt, đâu là xấu, đầu là nên và đâu là không nên đối với mình. Và hệ quả thường thấy là bước chân vào những cái bẫy với những quyết định không chuẩn xác, gây ra những thiệt hại không thể cân đong đo đếm được.

Và khi mọi việc rõ ràng thì thành chuyện đã rồi.

Từ cuộc khủng hoảng tài chính cục bộ tại EU năm 1992 đến cuộc khủng hoảng tài chính châu Á năm 1997 cũng như cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính toàn cầu năm 2008 đã cho thấy sự nguy hại của trạng thái không rõ ràng ấy tại các quốc gia hay thực thể kinh tế - chính trị trên toàn cầu.

Do vậy, khi Brexit xảy ra đã khiến cho giới lãnh đạo EU choáng váng và có thể xuất hiệu hiệu ứng tâm lý hoang mang gây bất ổn xã hội – thời cơ cho những nhà đầu cơ cơ hội ra tay gây thiệt hại cho EU và các quốc gia thành viên.

Khả năng George Soros tiếp tục “gây hại” cho EU có thể bị hạn chế rất nhiều khi lãnh đạo EU thể hiện sự dứt khoát với Brexit. Ảnh: Internet.
Khả năng George Soros tiếp tục “gây hại” cho EU có thể bị hạn chế rất nhiều khi lãnh đạo EU thể hiện sự dứt khoát với Brexit. Ảnh: Internet.

Vì thế phải thể hiện rõ quan điểm là việc cần làm ngay của lãnh đạo EU để tránh tình trạng không rõ ràng. Nó có thể khiến cho tâm trạng hoang mang lan truyền trong xã hội. Và việc thể hiện quan điểm dứt khoát với Brexit cho thấy lãnh đạo EU xem như mọi việc đã kết thúc.

EU đã có hướng giải quyết đối với những gì liên quan đến Brexit, mà trước tiên là việc “trả lại độc lập” cho nước Anh – mục đích của Brexit. Rất rõ ràng, không thể suy đoán, suy diễn và không có nhiều cơ hội cho những nhà đâu cơ tiếp tục gây nguy hại cho liên minh.    

Tóm lại, việc những nhà lãnh đạo thể hiện sự quan điểm dứt khoát với nước Anh, muốn quốc gia này nhanh chóng rời khỏi EU không chỉ đơn thuần là thể hiện sự thất vọng với Brexit, mà thực ra đó là những câu nói, những phản ứng đó đã được tính toán rất kỹ càng.

Mục đích của những phản ứng ban đầu ấy là nhằm hạn chế thấp nhất những thiệt hại do Brexit gây ra cho EU và hạn chế tối đa cơ hội cho những đối thủ có thể hưởng lợi, trục lợi từ Brexit mà điều đó đều gây thiệt hại cho công dân EU và cả người dân nước Anh.

Ngọc Việt